:Talktothe Nói không với lồng đèn xài pin


TT - Mùa trung thu đã bắt đầu. Hàng triệu chiếc lồng đèn nhựa xài pin đã xâm nhập vào thị trường VN, tiếp tục đánh dạt những chiếc lồng đèn truyền thống. Không chỉ vì “người Việt dùng hàng Việt”, không chỉ vì những cảm xúc giàu tính giáo dục đang bị mai một, mà quan trọng hơn tất cả là sự uy hiếp về môi trường. Vì vậy, cần ủng hộ những người nói “không” với lồng đèn xài pin.


Nhân chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và mùa Trung thu bắt đầu, chúng tôi đã nói “không” với lồng đèn nhựa xài pin - một mối hiểm họa của môi trường do lượng pin khổng lồ thải ra.


Lồng đèn nhựa xài pin lại chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trung thu năm nay - Ảnh: T.Đạm


Trung thu và chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn có liên quan gì đến nhau? Có đấy.


Nói đến Trung thu phải nghĩ ngay đến lồng đèn. Không người VN nào không có một tuổi thơ gắn với những chiến đèn xếp hình quả trám, hình mặt trăng, những chiếc đèn ông sao, con gà, con bướm...làm bằng nan tre dán giấy bóng kính xanh, đỏ, tím, vàng. Dưới ánh trăng rằm tháng 8 sáng vằng vặc, trẻ con tụ nhau lại rước đèn, phá cỗ và cùng nhau hát vang “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già...”.



Dễ đến chục năm nay, những hình ảnh đó ngày càng vắng dần. Thay vào đó là làn sóng nhập khẩu những chiếc lồng đèn bằng nhựa, thắp sáng bằng pin và eo éo cái thứ nhạc Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu. Những làng nghề làm lồng đèn truyền thống đã và đang mất dần. Đặt chân đến các phố bán lồng đèn trung thu, ở Hà Nội hay TP.HCM, đâu đâu cũng thấy sự áp đảo của những chiếc đèn nhựa xài pin.



Trưa 20-9, ở một tiệm bán đồ chơi trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), lồng đèn nhựa đỏ chót và vàng chói chang chiếm phần lớn diện tích của cửa hàng có mặt tiền ngang 4m, đẩy những xâu đèn lồng truyền thống vào một góc nhỏ nhoi trong nhà. Bà chủ cửa hàng đon đả chào mời: “Đèn Trung Quốc có mắc hơn, khoảng 40.000-55.000 đồng một chiếc nhưng tiện lắm. Còn lồng đèn mình thì chỉ 5.000 đồng đến khoảng 30.000 đồng/chiếc nhưng ít ai mua”.



Vâng, nói về chuyện tiện thì lồng đèn truyền thống không thể nào sánh được với lồng đèn nhựa xài pin. Nhưng một chữ “tiện” liệu có đủ để đánh đổi tất cả? Đầu tiên nhìn về mặt sức khỏe, tôi ngờ lắm cái thứ nhựa rẻ tiền xanh xanh đỏ đỏ làm lồng đèn, khi chưa có ai kiểm nghiệm và kết luận nó không gây hại cho trẻ con.



Nói về giáo dục, tôi cũng bảo đảm đèn nhựa xài pin không thể nào đem lại cảm xúc cho trẻ như là đèn truyền thống - cảm xúc mà những người lớn chúng ta đã mang theo suốt cuộc đời. Nhưng nếu hai điều vừa nói có thể còn cảm tính hoặc chưa được kết luận thì chuyện thứ ba dám đoan chắc, đó là mối nguy hại về môi trường của đèn nhựa xài pin.


Lồng đèn truyền thống sản xuất tại phường Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm


Nhựa ai cũng biết là một chất liệu đang được kêu gọi hạn chế tối đa trong đời sống. Kiểm soát nó không chặt, để vứt bừa bãi ra môi trường thì hàng trăm năm sau mới tiêu hủy. Kiểm soát chặt là thu gom để tái sinh hoặc đốt cũng chưa phải là hay, khi để lại những tác hại cho môi trường như về vấn đề khí thải chẳng hạn. Nhưng nguy hại nhất của lồng đèn nhựa xài pin là thải ra một lượng pin vô cùng lớn.



Chúng ta thử tính nhẩm một em bé chơi đèn nhựa xài khoảng 20 viên pin tiểu (con số không nhiều) trong mùa Trung thu, thì với cả triệu trẻ em chơi đèn này, môi trường phải gánh chịu một lượng pin khổng lồ thải ra. Mà pin thì cho dù loại rẻ tiền nhất là zinc carbon, alkaline cho đến cao cấp như silver oxide, lithium... đều để lại tai họa cho môi trường những chất nguy hại như chì, thủy ngân...



Vì vậy trong gia đình mình, chúng tôi hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng một hành động cụ thể trong mùa Trung thu, đó là nói “không” với lồng đèn nhựa xài pin.



VN góp phần làm cho thế giới sạch hơn


Hôm qua 20-9 tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh Phú Thọ, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN cùng Đại sứ quán Úc đã phối hợp tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2009.


Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn được khởi xướng bởi một VĐV đua thuyền buồm người Úc, ông Ian Kierman. Sau cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới trong quãng thời gian 1986-1987, ông Ian Kierman đã nhận ra sự ô nhiễm đáng ngại trên các đại dương ông đi qua. Sau khi trở về quê hương ở Sydney (Úc), ông khởi xướng phong trào Ngày làm cảng Sydney sạch hơn trên quê hương mình.


Ngay sau đó, với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc, năm 1989 chiến dịch Ngày làm Úc sạch hơn lần đầu tiên được tổ chức. Hoạt động này ngày càng lớn mạnh và cuối cùng trở thành phong trào Làm cho thế giới sạch hơn (Clean up the world) từ 1993, được Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thừa nhận (
http://www.cleanuptheworld.org/
).


HUY TƯỜNG (TpHCM)


Theo link


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=338019&ChannelID=118