Nỗi đau một gia đình thương binh



(Dân trí) - Vợ chồng anh thương binh Nguyễn Văn Hiến sống bên dòng khe Hiểm, xóm Hợp Khánh, xã Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) sinh ra được 3 con thì cả 3 đều mắc căn bệnh quái ác: máu trắng. Gia đình ấy là hiện thân của sự khốn cùng và bất hạnh...


Tai họa chồng lên tai họa


Thời trai trẻ, anh Nguyễn Văn Hiến đi bộ đội ở Thanh Hoá. Trong một trận chiến, anh bị thương và vĩnh viễn mất đi bàn tay trái. Anh xuất ngũ về quê, kết duyên cùng chị Phan Thị Hiền, được bố mẹ cho gian nhà ngói nhỏ bên dòng khe Hiểm.


Năm 1997, cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hằng chào đời. Niềm hạnh phúc chưa tày gang thì anh chị phát hiện con có dấu hiệu bệnh tật. Bác sĩ xác định cháu bị thiếu máu huyết tán. Ròng rã hết viện này đến viện khác, bệnh con không thuyên giảm, anh chị đành đưa con về nhà điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, cứ vài tháng lại lên Hà Nội khám lại một lần.


Năm 2000, chị Hiền có mang và sinh con gái thứ hai Nguyễn Thị Hạnh. Năm 2003, chị tiếp tục sinh cháu trai Nguyễn Văn Đức. Cả hai đứa con sau này của anh chị cũng mang căn bệnh quái ác giống chị mình; cháu nào cũng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Do căn bệnh quá hiểm nghèo, cháu Hạnh đã qua đời khi vừa tròn 5 tuổi.


Nỗi đau này chưa vơi, nỗi đau khác lại ùa tới. Cậu con trai bị bệnh thiếu máu tiểu cầu nặng, một tháng phải lên Hà Nội truyền máu 1 lần. Lần truyền máu đầu tiên, anh Hiến lấy máu mình truyền cho con nhưng các bác sĩ phát hiện anh đã nhiễm vi rút viêm gan B, nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sang ung thư.


Vợ anh vật vã khóc. Gầy yếu là thế nhưng chị cũng đã 6 lần xin bác sĩ được lấy máu của mình truyền cho con.


Nước mắt cùng khổ!


Khi chúng tôi đến ngôi nhà của gia đình anh Hiến, thấy khu vườn cỏ dại mọc đầy, ngôi nhà ngói bé nhỏ hoang vắng đến rợn người. Trong nhà, một người đàn ông cụt tay đang ôm lấy chân bàn thờ khóc nấc lên nghẹn ngào. Trên bàn thờ có di ảnh một bé gái xinh xắn.


Anh Hiến tiếp chúng tôi mà thẫn thờ như một cái bóng. Những tai họa liên tiếp ập xuống gia đình, những căn bệnh vô phương cứu chữa, những chuyến đi lên Hà Nội tốn kém. Sức anh chị có hạn, kinh tế cạn kiệt, người thương binh ấy đã không còn nơi bấu víu…


Chị Hiền nói trong nước mắt: “Đứa đầu tui nghĩ đã khổ lắm rồi, đứa thứ hai càng cơ cực hơn. Cháu nó nằm viện từ năm hai tuổi cho đến lúc mất. Nghĩ cứu sống con là quan trọng nhất nên vợ chồng tui bán nhà để cứu cháu nhưng cháu không qua được, hiện nay mộ cháu vẫn đang ở Hà Nội. Lúc cháu sắp mất, thằng út cũng đến nằm cùng phòng bệnh với con chị. Không biết vợ chồng tui có sống được để chạy chữa cho hai đứa còn lại hay không. Không biết gia đình tui làm chi nên tội mà ông trời đày đoạ như rứa?!”.


Nhìn người mẹ gầy yếu, làn xa xanh như tàu lá vì mất quá nhiều máu, lại có nguy cơ nhiễm viêm gan B từ chồng, đứng không vững nơi bậu cửa, cả đoàn chúng tôi không ai cầm được nước mắt.


Anh Hiến cho biết, mỗi lần cháu Đức đi bệnh viện truyền máu lại mất hơn một triệu đồng. Hỏi anh lấy tiền đâu để chạy chữa cho con? Anh bảo, giọng bần thần: “Tui làm kiếm tiền và vay mượn. Tui mong bệnh trong người đừng phát tác nữa để mà chữa trị cho 3 mẹ con”.


Dù chỉ một cánh tay, anh vẫn quần quật suốt ngày với đủ nghề: phụ hồ, đốn củi, mò cua bắt cá... không lúc nào ngơi nghỉ. Không thể kể hết nỗi cơ cực mà anh và gia đình đang phải gánh chịu.


Bà Lương hàng xóm rơm rớm nước mắt: “Vợ chồng anh Hiến hiền lành siêng năng không biết răng mà cả nhà đều bị bệnh. Khổ thật! Đúng là tận khổ! Bà con xóm làng cũng chỉ giúp cho được củ khoai củ sắn, bơ gạo thôi. Các anh có kêu cứu cho cháu nó được ít nhiều thì phúc biết mấy!”.


Vĩ thanh


Hiện nay mỗi thành viên trong gia đình ấy đều mang trong mình trọng bệnh. Gia đình họ đang ở tận cùng của nghèo khổ, đau thương, tang tóc và bất hạnh. Chúng tôi xin được ghi lại câu chuyện này, như một lời kêu cứu của gia đình anh thương binh Nguyễn Văn Hiến. Họ đang rất mong chờ vào tình thương và lòng nhân ái của cộng đồng, mong giữ lại được niềm hy vọng cuối cùng...


Nguyễn Duy - Trường Ngọc"


http://dantri.com.vn/Sukien/Noi-dau-mot-gia-dinh-thuong-binh/2008/2/218592.vip


Có những người ở tận cùng của nỗi đau, của sự vất vả...


Cầu mong gia đình họ sớm thoát khỏi cảnh đau đớn, lo toan này. Sẽ hạnh phúc, mạnh khỏe, bình an hơn ...