SGTT.VN - Một lần nữa vấn đề tiền lương công chức lại được xới lên qua một cuộc hội thảo gần đây ở Hà Nội. Nhưng liệu có giải pháp nào cho một vấn đề tồn tại đã quá lâu, đã gây ra quá nhiều bức xúc vì những hệ quả về nhiều mặt của nó?


Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu hành chính thuộc học viện Hành chính Quốc gia, giáo sư tiến sĩ Bùi Thế Vĩnh vẫn còn giữ tư liệu một phiên chất vấn tại hội trường của Quốc hội khoá IX. Hôm đó đại biểu, chủ tịch tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư chất vấn Chính phủ: Vì sao năm nào GDP cũng tăng 7 – 8%, thu thuế năm sau tăng hơn năm trước 20% trở lên mà tiền lương cứ giậm chân tại chỗ. Chủ tịch Quốc hội lúc đó, nay là tổng bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị bộ trưởng Tài chính Hồ Tế trả lời. Ông Tế nói:
“Đúng vậy thật... Nhưng ta không tăng lương được vì phải nuôi ba bộ máy Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Nếu ta chỉ tập trung vào nuôi một bộ máy chính phủ như ở các nước thì, ví dụ như lương của tôi sẽ tăng ba lần. Nhưng để thực hiện điều này quá khó, phải có lộ trình. Đảng và các đoàn thể dần dà phải tự lo”.
Giáo sư Vĩnh nhớ lại: “Bộ trưởng trả lời ứng khẩu. Cả hội trường Quốc hội im phăng phắc, không có ai dám nhúc nhích… Nhưng rồi, ý kiến đó bị lãng quên”.


Câu chuyện vị giáo sư già kể, xảy ra đã 15 năm trước nhưng tính thời sự của nó vẫn còn nguyên đến tận ngày nay. Bằng chứng là vấn đề mang tính hai mặt – đồng lương của ngân sách không đủ sống mà số lượng những người hưởng lương đó lại không ngừng phình to – vẫn luôn trở thành đề tài quan tâm trong các diễn đàn Quốc hội, các cuộc thảo luận khoa học, hay các cuộc trò chuyện lúc trà dư tửu hậu của người dân ngày nay.


Tuy nhiên, xét về nỗ lực tăng lương, thật khó mà trách cứ Chính phủ. Ít nhất quỹ lương từ ngân sách không ngừng mở rộng, lên đến 200 ngàn tỉ đồng hàng năm, theo một quan chức bộ Tài chính. Con số này là khổng lồ, tương ứng với 30% trong tổng chi ngân sách, hay 60% chi thường xuyên từ ngân sách hàng năm. Một ví dụ cụ thể cho năm 2010, chi thường xuyên để duy trì bộ máy lớn đến nỗi toàn bộ chi cho đầu tư phát triển không còn nguồn từ ngân sách và phải lấy từ nguồn bội chi 6,2% GDP, theo uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội.


Nhưng ở góc độ khác, số lượng những người thuộc diện hưởng lương từ ngân sách – và còn lâu mới đáng coi là thuộc bộ máy nhà nước – không ngừng mở rộng. Theo tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, nguyên vụ trưởng vụ Hành chính sự nghiệp, bộ Tài chính, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm cả những người làm trong các tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng vũ trang và an ninh; và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.


Số người hưởng lương từ ngân sách, theo thống kê của bộ Nội vụ, lên đến gần 6,1 triệu người trong cả nước. Con số này bao gồm 1,6 triệu người có công, 1,4 triệu hưu trí, 1,6 triệu viên chức sự nghiệp, 300 ngàn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, 370 ngàn công chức cơ quan Đảng và đoàn thể...


Cho đến đầu tháng 5 vừa rồi, trong nỗ lực mới nhất, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu lên 730 ngàn đồng/tháng sau ba lần cải cách tiền lương được thực hiện kể từ khi chính sách giá lương tiền thất bại trong những năm đầu thập kỷ 1980. Nhưng nỗ lực đó dường như chả thấm tháp gì. Nguyên viện trưởng viện Khoa học lao động Nguyễn Hữu Dũng nói rằng mức lương đó không bằng lương tối thiểu mà một công chức nhận được trong những năm 1960 dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồi đó, mức lương tối thiểu 27,3 đồng có thể mua hai chỉ vàng, gấp gần bốn lần mức hiện tại. “Trả lương thế thì công chức thật khó sống”, ông Dũng, nay là trợ lý của bộ trưởng Lao động thương binh và xã hội nói.


Liệu Nhà nước trả lương như vậy có đảm bảo cuộc sống cho công chức hay không? Đây là câu hỏi đặt ra với ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ và nhiều nhà hoạt động xã hội. Cuối tuần trước, họ đã cùng viện Những vấn đề phát triển và Chương trình phát triển liên hiệp quốc UNDP tổ chức một buổi thảo luận về chủ đề này. “Mức lương hiện tại chỉ đáp ứng vỏn vẹn 30 – 50% nhu cầu tối thiểu của gia đình công chức”, ông Phúc nói. Tại buổi thảo luận này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhắc lại một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ trước khi Chính phủ về tiếp quản thủ đô năm 1954:
“Nếu về thành mà lương không đủ sống thì chỉ có hai cách, một là ăn cắp của Chính phủ, hai là nhũng nhiễu nhân dân để sống”
. Ông Mai nói: “Điều này nay thì đã rõ ràng”. Ông Phúc đồng tình: “Nay thì các tệ nạn sách nhiễu, tham nhũng trong khu vực công ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm suy thoái nhân cách, đạo đức công vụ. Hơn nữa, lương thấp dẫn đến thực tế là Nhà nước không còn là chủ duy nhất sử dụng sức lao động của công chức trong hệ thống”.


TƯ GIANG


http://sgtt.vn/Goc-nhin/129346/Noi-buon-tien-luong-cong-chuc.html