Những vần thơ 'chạm tới tâm hồn' của phó giám đốc Sở bị lũ cuốn Tết đến xuân về thêm nhức xương/Cái vụ tiền thưởng với tiền lương/Thưởng, lương, lo lắng chi thêm mệt/Về nhà xin mẹ, thấy mà thương. Phó giám đốc Sở tử nạn bên gói mì cứu dân khiến cộng đồng rơi lệ


Ông Nguyễn Tài Dũng, phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An bị lũ cuốn trôi khi trên đường đi cứu trợ bà con vùng lũ. Cộng đồng tiếc thương một vị lãnh đạo nào giản dị, gần gũi và vì dân. Nhưng ít người biết ông Dũng còn là một người mê thơ và cũng thích làm thơ.


Thơ ông Dũng có nhiều dạng, loại làm chơi cũng có, loại thơ vui cũng có và nhất là có cả thơ tình. Số lượng thơ tình của ông không nhiều so với các loại thơ kia nhưng đây mới chính là những bài thơ hay nhất, thể hiện được đúng nhất nét tài hoa cả ông.


"Nhớ mùa thu năm ấy
Em nói lời chia tay
Lá vàng như dừng lại
Chẳng rơi dù heo may..."
Hay bài thơ cuối cùng của ông.


"Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy,
Là tiếng cháu khóc nhè và tiếng vợ à ơi!
Cảm ơn người cho ta nghị lực
Để vươn lên trong cuộc vơi đầy
Ước gì trời đất ấm lên
Để cho con cháu say men đất trời!"
Ở Việt Nam, nhiều cán bộ cũng làm thơ, nhưng đa phần thơ của họ nửa hò vè, nửa văn vần đọc rất khó vào. Nhưng thơ ông Dũng có thể chạm tới cảm xúc của độc giả. Bởi ông nói thật, cảm xúc của ông là thật, chứ làm thơ mà phải lên gân lên cốt để nói toàn những thứ đâu đâu thì chẳng thể chạm được vào cảm xúc.


"Tớ chỉ dừng trên những vần thơ thôi
Ngỡ mọi thứ trên đời đã cũ mèm hết cả
Nào ai hay trong tình yêu muôn thủa
Vẫn giống nhau ở một điểm vẩn vơ... buồn!"
Mỗi nhà thơ dù vô tình hay cố tình thì cũng đều có những tuyên ngôn thi ca của mình. Đây có lẽ chính là tuyên ngôn về thi ca của ông, buồn hay có tâm trạng thì mới làm thơ. Buồn vốn là đặc trưng của thi sĩ xưa nay nhưng một ông phó giám đốc Sở trải lòng mình như vậy thì không phải là dễ gặp.


Ngoài những bài thơ về cảm xúc, tâm trạng cá nhân, ông Dũng cũng sáng tác nhiều về công việc và những người thân của ông.


Trong bài thơ mừng tuổi mẹ, ông viết:


"Sáng nay mồng sáu tháng giêng
Nhâm Thìn năm chẵn mẹ mình tám mươi
Mắt xâu chỉ, tóc ánh kim
Tai thì hơi lảng, nhác (lười) nghe ấy mà
Vẫn vườn rau, ao cá, nuôi gà
Vẫn có trứng cho Liên, cho Tuấn, cho Hoà.
Con tằm rút ruột còn tơ
Cụ nay kể chuyện bằng thơ bằng vè
Một thời tuổi trẻ vì con chữ
Cô giáo trường làng nay hoá thơ
Tám mươi tuổi vẫn khang cường
Sớm tối vui vầy cùng thôn xóm
Mong cho con tạo xoay vần
Mình làm yến lão bảy mươi - cụ còn!"
Ông Dũng ra đi khi mới 51 tuổi, ước mơ đến tuổi 70 vẫn còn được phụng dưỡng mẹ già của ông đã không thể thành hiện thực.


Ngoài ra ông Dũng cũng làm nhiều thơ tặng vợ. Vào ngày 8/3, ông có bài thơ:


"Năm nay mồng tám xa nhà
Mẹ cu chẳng có hoa mà chơi mô!
Đừng buồn đựng giận tui he
Có gì bà cứ đi vào đi ra"
Hay bài thơ tặng cho đứa cháu nhỏ:


“Hôm nay Sóc về ngoại
Nhà vắng vắng làm sao
Bà cũng không phim ảnh
Chỉ dạo cùng quýt, bông
Dim ( nick của ông Dũng) đau vai và gáy
Sân bóng chẳng thèm chơi!
Chờ đến mai thứ bảy
Phượt cái cho đã đời!”
Ông Dũng cũng có bài thơ vui về công việc của mình:


"Văn phòng không rượu cũng không hoa
Toàn computer với trai già
Việc nhiều chất đống, lương thì thấp
Khắc khoải bàng hoàng Tết với ta!
Tết đến xuân về thêm nhức xương
Cái vụ tiền thưởng với tiền lương
Thưởng, lương, lo lắng chi thêm mệt
Về nhà xin mẹ, thấy mà thương.
Tết đến xuân về thêm nhức xương
Cái vụ tiền thưởng với tiền lương
Long lanh đôi mắt, nhân viên đợi
Đỏng đảnh làm duyên sếp bảo "chờ!"
Hay bài thơ vịnh về chính mình:


"Cũng đã sáu năm làm Phó Ty
Hơn năm chục tuổi vẫn còn nhi
Họp ngày hai bận, công văn khoán
Tối tối buồn buồn lại lên Phây (Facebook)"
Thơ của ông vừa thẳng thắn, chân thành nhưng cũng rất dí dỏm. Vì vậy, khi biết tin ông ra đi, bạn bè đồng nghiệp đã vô cùng tiếc thương. Họ đau buồn khi mất đi một người anh, người bạn, người chú chứ không phải một ông phó giám đốc sở.


>> Xem thêm:


Hoàng Long tổng hợp


link nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/xa-hoi/nhung-van-tho-cham-toi-tam-hon-cua-pho-giam-doc-so-bi-lu-cuon-2890014.html