Dantin - Trong sáng và tăm tối, sạch và bẩn, quý ông và kẻ bụi đời, danh vọng và đời thường… Đàm Vĩnh Hưng nói con người mình đều có cả những thứ đó, vấn đề là lúc nào nó thể hiện ra mà thôi. Anh cũng bảo: Có khi nó bộc lộ ra tất cả một cách thật hài hòa để có được như ngày hôm nay.



Chiếc áo trốn nợ Không giống bất kỳ một ca sỹ nào trong giới showbiz Việt, Đàm Vĩnh Hưng là người có trong mình tới bốn dòng máu. Ông nội của Đàm Vĩnh Hưng là người có nguồn gốc Việt-Pháp, bà nội của anh có nguồn gốc Phúc Kiến (Hoa), mẹ của anh lại là một người Quảng Nam. Bao nhiêu chuyện đời tư của chàng ca sỹ xuất thân gốc Quảng đều bị báo chí khai thác triệt để nhưng dường như đều bỏ sót những quá khứ chẳng mấy yên bình của “ông Hoàng nhạc Việt” mà anh từng trả lời thẳng thừng: “Có hỏi cũng không nói! Đó là của riêng tôi!”. Cái quá khứ ấy bất ngờ được anh tiết lộ: “Hưng là con vợ lẽ. Trước khi lấy mẹ, ba đã có một đời vợ với những người con riêng. Một ấu thơ chẳng có bao nhiêu sự yên bình mà đầy bão táp. Một “tuổi thơ dữ dội” với hàng ngàn kỷ niệm khó quên ”.
Đến căn nhà trị giá 3 triệu USD (khoảng 66 tỷ đồng) của Đàm Vĩnh Hưng tại phố Thất Sơn, phường 15, Q. 10, TP. HCM người ta không khỏi choáng ngợp. Và lại càng choáng ngợp hơn khi “đối diện” với những tủ đồ thời trang hàng hiệu mà chẳng ai tính nổi giá. Thế nhưng, trong một tủ của anh, Đàm Vĩnh Hưng vẫn dành một góc trang trọng để treo chiếc áo trắng mà mẹ mình mua cho từ thuở hàn vi. “Hưng gọi đó là “chiếc áo trốn nợ”. Một chiếc áo có cả tình mẫu tử, sự khó nhọc lẫn cả những tư vị ngọt ngào lẫn đắng cay. Nó cũng là một động viên lớn để Hưng đã và đang thành công với đam mê của mình”, anh tâm sự. Nợ! Nợ! Nợ! Trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mình, ký ức đọng lại trong cậu bé Hưng là nhà mình nợ. Đàm Vĩnh Hưng nói anh luôn nhớ tới hình ảnh tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi, và cuối cùng, ngay cả căn nhà để ở cũng chẳng thể giữ được. Cái cảm giác nhìn ba mẹ ngậm ngùi ôm đống đồ bước ra khỏi chính ngôi nhà của mình là cái cảm giác mà Đàm Vĩnh Hưng anh suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên. Khi đó, dù chỉ là một đứa trẻ, chẳng biết tại sao nhà mình lại nợ nhiều thế nhưng anh cũng chẳng tránh khỏi cảm giác tê tái và nghẹn ngào. “Mê hát, hát như điên dại ngay từ lúc ấy bất kể lúc nào, bất cứ ở đâu: ở nhà, khi lên lớp, trên đường đi học về nhưng cảnh trốn nợ của nhà khiến Hưng cả tháng trời cũng chẳng thể cất nổi giọng ca”, Đàm Vĩnh Hưng kể lại.
Đến cuối những năm học cấp III ( PTTH), hoàn cảnh kinh tế gia đình Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn suy sụp. Nhưng vì thương cậu con trai duy nhất, thấy con đam mê hát nên dù đang nợ nần chồng chất, dù bị chủ nợ ngày đêm đến chì triết, hành hạ đủ kiểu, mẹ của Đàm Vĩnh Hưng vẫn nghiến răng lấy tiền may cho anh một bộ đồ trắng để đi diễn. “Đó là một chiếc quần, một chiếc áo rất thường về chất liệu cũng chẳng có gì là lạ về kiểu cách. Nhưng nó được may từ những ngày trốn chủ nợ của má Hưng. Cả tủ đồ này không thể và không bao giờ sánh bằng nó”, anh nói mà bàn tay run run, đôi mắt trùng xuống, trầm tư. Ước mơ thành sao của anh thợ cạo Cảnh nhà bại lụi nhưng chẳng thể ngăn được niềm đam mê ca hát, được đứng trên sân khấu lớn, để trở thành ngôi sao. Những người biết rõ Đàm Vĩnh Hưng lúc ấy kể lại rằng: “Hắn như thằng khùng. Treo bất cứ cái gì lên trần nhà làm micro rồi hát như lên đồng. Hát tất cả những bài gì mà hắn biết, hắn thuộc. Hỏi ra, hắn bảo hắn thèm vào phòng thu âm chuyên nghiệp một lần như ngôi sao đang nổi. Nghe hắn nói vậy thấy cũng thương bởi hắn chẳng có cái gì đặc biệt cả, giọng hát cũng thường. Kiếm cơm bằng nghề hát đã khó, chứ nói gì đến chuyện thành sao”. Thế rồi người ta thấy Đàm Vĩnh Hưng đi phụ cắt tóc kiếm sống. Ngày cắt tóc, đêm đi chạy show hát rẻ tiền để thỏa cái niềm đam mê. “Quả là rẻ tiền thật. Có những đêm chạy show “điên cuồng” cũng chỉ dược 40.000 đồng cho một chương trình hát... khản cả giọng. Có hôm chạy xe xuống Thủ Đức hát vào cuối tuần với 20.000 đồng tiền công. Nhưng khi ấy , Hưng đi hát không phải vì tiền mà chỉ vì ước mơ có một ngày nào đó người ta sẽ công nhận anh là một ca sĩ chứ không phải một kẻ chuyên hát lót ở các quán Bar”.
Ngay từ khi còn là một anh thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành một ngôi sao tronh showbiz Việt. Những lúc tiệm cắt tóc vắng khách, Đàm Vĩnh Hưng vẫn một mình đứng trước gương, tưởng tượng mình là một ngôi sao lớn còn phía trước là hàng nghìn khán giả. Lúc đó, anh đã nghĩ rằng, chỉ có cách tham gia các cuộc thi anh mới có thể thay đổi được số phận của mình, mới có thể đến gần giấc mơ và mục tiêu cả đời mình. Chính vì thế, con đường Đàm Vĩnh Hưng đã chọn là tham dự những cuộc thi hát lớn nhỏ trong thành phố. Một mình đi thi lại thiếu kinh nghiệm, anh đã gặp không ít những thất bại. Đến tận bây giờ, có lẽ chính Đàm Vĩnh Hưng cũng không nhớ mình đã từng trải qua bao nhiêu cuộc thi lớn nhỏ. Mỗi lần nghe ở đâu tổ chức cuộc thi hát nào đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng đăng ký tham gia. Năm nào cuộc thi Tiếng hát truyền hình được tổ chức, năm đó đều có tên Đàm Vĩnh Hưng trong danh sách dự thi, nhưng có thể với một cái tên khác. “Chuyên gia đi thi” và “chuyên gia trượt” nên Đàm Vĩnh Hưng tìm mọi cách để lấy may trong lần thi sau, từ việc đổi tên, đảo tên, đổi nghệ danh. Vẫn không ai biêt đến tên tuổi Đàm Vĩnh Hưng, không một ai biết anh đã tham gia đến 8 cuộc thi Tiếng hát truyền hình, vì chưa có khi nào Đàm Vĩnh Hưngcó cơ hội lọt vào bán kết. Năm 1997, ở cái tuổi 26 (Đàm Vĩnh Hưng SN 1971), chàng trai xứ Quảng mà chẳng ai biết đến ngoài những người ở trọ nghèo nàn bán cà lem (kem) dạo ở một góc công viên Hồ Kỳ Hòa (Q.10, TP.HCM) hay những đứa trẻ đánh giày, bán vé số cạnh sân khấu Q. Phú Nhuận có một quyết định bất ngờ: Không cắt tóc nữa mà đi hát chuyên nghiệp! Anh kể: “Lần ấy, người chủ tiệm cắt tóc há hốc mồm ra hỏi Hưng: “Điên hả mày? Trông cái bộ dạng mày thế kia hát hò nỗi gì? Định chết đói luôn phải không?”. Nhưng Hưng đã quyết rồi. Có chết đói cũng phải cầm lấy cái micro mà hát những bài chết đói”, anh hài hước. Sau này, khi Đàm Vĩnh Hưng đã nổi tiếng, có quay trở lại nơi này gặp lại những người hàng xóm năm xưa. Trong lúc vồn vã “ôn cố, tri tân”, Đàm Vĩnh Hưng chợt nghe được câu nói của một cố nhân lúc hàn vi: “Bất ngờ quá! Lúc trước gầy gò, xấu xí cắt tóc bở hơi tai mới đủ ăn, đủ trả tiền nhà mà giờ trở nên nổi tiếng, giàu có dữ ha. Phép màu nào đã lột xác đó cha nội?”. “Nghe thấy vậy, Hưng cũng giật mình. Chẳng phải đã qua 15 năm rồi sao? Những ngày nghèo khó ấy không còn mới nhưng vẫn là một ký ức chẳng thể nào quên của Hưng”, anh nói. “Để có được những sự “lột xác” từ anh thợ cạo Hưng nghĩ, Hưng có thể để mất nhiều thứ. Những thứ đơn giản nhất mà ai cũng có thể có được: tình cảm cá nhân, một gia đình hạnh phúc, một cái nắm tay trai gái rất nhẹ… NHƯNG HƯNG DÁM ĐÁNH ĐỔI TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ĐÓ, ĐỂ ĐƯỢC TRỞ THÀNH CA SỸ, THÀNH MỘT NGÔI SAO”.



Những tiết lộ động trời của“ông hoàng nhạc Việt”: Cuộc “lột xác” của anh thợ cạo


Nguồn:


http://dantin.vn/nhung-tiet-lo-dong-troi-cuaong-hoang-nhac-viet-cuoc-lot-xac-cua-anh-tho-cao-5-0-495813.htm