Những người già “mắc nợ”


Cuối tuần, cùng bạn về quê thăm mẹ bạn. Trò chuyện hồi lâu, bà chỉ hai quày chuối vừa chín tới ngoài vườn, cười: “Chuối chín mà chờ hoài không thấy tụi nó về, bác không hạ xuống nữa. Để chim ăn chơi vậy”. Trong giọng nói nhẹ tênh của bà, tôi cảm nhận một nỗi trách móc.


Minh họa: Bích Khoa


Bạn cười như biết lỗi, rồi quay ra thanh minh với tôi là các anh chị em bạn mỗi tuần đều “phân công” nhau về thăm mẹ, nhưng không phải lúc nào, người nào cũng hoàn thành “nghĩa vụ”. Có tuần ai cũng bận việc riêng chung này nọ, việc thăm mẹ xuống thành kế hoạch phụ nên bà mới trách móc như thế.


Ba bạn mất từ lâu, mẹ bạn nay đã 80, khi con cái đã trưởng thành mẹ bạn trở về quê sống, mọi việc ăn uống đi lại trông cậy vào người dì của bạn, tức em gái bà sống gần đó. Bà muốn cuối đời sống trên mảnh đất quê. Bạn cũng thừa nhận mẹ mình sống tại làng quê là thích hợp nhất cho tuổi già và ý nguyện của bà, nên họ đành thuận theo phương án là các con chia nhau về thăm mẹ.


Nghĩa vụ xã hội?


Dù sao mẹ bạn tôi cũng thảnh thơi hơn nhiều người già khác mà tôi biết. Những người già ấy không những không có cuộc sống riêng mà còn như cách một số người nói: “mắc nợ” con cái tới tận cuối đời. Như bạn tôi, T. (30 tuổi) đang mang thai con đầu lòng được 7 tháng. Câu hỏi đầu tiên mà bạn bè hay hỏi cô là: “Mẹ em có xuống chăm cháu không?”. Mẹ của T., hiện nay đã 60 tuổi, đang sống tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Chuẩn bị đón cháu ngoại thứ hai, bà đã sắp xếp gửi vườn, rẫy sắp vào mùa thu hoạch cho người quen để có thời gian chăm sóc cháu.


Cô H. vừa nghỉ hưu được vài năm, là chi hội trưởng phụ nữ một chi hội thuộc địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM. Những tưởng khi con cái ra ở riêng cô sẽ có nhiều thời gian hơn cho hoạt động phong trào, nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Mọi người luôn thấy cô tất bật chạy từ nhà con trai sang nhà con gái vì: bố mẹ cháu gọi vì hôm nay cháu mọc răng, quấy quá, hay phải trông nhà giúp con vì vợ chồng cháu bận đi du lịch Phan Thiết!


Cô H. hay mẹ của T. là những trường hợp khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam, khi những người lớn tuổi phải tiếp tục gánh vác nghĩa vụ chăm sóc con, cháu cả khi con cái đã trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân khiến người lớn tuổi phải tiếp tục gánh vác trọng trách này, nhưng hiển hiện rõ nhất là sự chấp nhận vai trò này như một nghĩa vụ xã hội.


Trẻ cậy cha, già cậy con. Mặc dù hiện nay nhiều người lớn tuổi còn rất khỏe mạnh, độc lập về kinh tế nhưng vẫn có nhu cầu sống cùng con cháu như một biểu hiện của gia đình hạnh phúc. Từ đó, các trách nhiệm với thế hệ cháu phát triển tuần tự khi nhìn thấy sự vất vả làm việc của con cái, sự dư thừa thời gian của bản thân mình.


Mặt khác, không thể phủ nhận một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là thái độ ích kỷ của những người trưởng thành đã quen với việc sử dụng “miễn phí” mọi chu cấp, thậm chí hi sinh của cha mẹ.


Chính sách ít con cùng với sự tăng trưởng của kinh tế khiến thanh niên lớn lên trong sự quan tâm chăm sóc đầy đủ hơn của gia đình. Việc sẵn sàng đáp ứng mọi mong mỏi của con chỉ để con không cảm thấy thua kém bạn bè dễ khiến những đứa trẻ cảm nhận chúng là chiếc rốn của vũ trụ. Chúng quên đi mối quan hệ tương hỗ với cha mẹ; tự quyết định luật chơi một chiều mà nơi đó chúng yêu cầu và được đáp ứng.


Khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng có thể là những thanh niên độc lập về tài chính, nhưng sự có mặt bất vụ lợi của cha mẹ vẫn là những ký ức sâu đậm để chúng sẵn sàng mở miệng nhờ vả sự trợ giúp (của cha mẹ) khi cần. Đó là trường hợp những người con cô H. khi yêu cầu cô trông nhà để mình đi du lịch. Hay T. và những người bạn của cô khi đòi hỏi trách nhiệm của ông, bà khi mình sinh cháu.


“Thế hệ gãy cánh”


Đầu tháng 8-2014, báo The Guardian (1) của Anh đã công bố một khảo sát của Hội từ thiện Shelter cho thấy có đến 2 triệu thanh niên Anh từ 20-34 tuổi vẫn đang sống cùng cha mẹ. Ở một xã hội trọng tự do cá nhân như Anh, đây là một thông tin gây sốc.


Nền tảng cơ bản cho sự phát triển ở các quốc gia Tây Âu là năng lực độc lập của các cá thể trưởng thành. Điều này xây dựng một “huyền thoại” về giới trẻ ở đây, nơi những thanh niên từ 18 tuổi sẽ rời gia đình, tự tìm việc làm để duy trì cuộc sống cá nhân. Cha mẹ sẽ không còn trách nhiệm với các thành viên ở độ tuổi này. Nhưng bài viết của The Guardian thật sự đã lật đổ huyền thoại này.


Theo thống kê của Eurofound, năm 2011, 49% thanh niên châu Âu từ 18-30 tuổi vẫn sống cùng gia đình. Tại Ý, tỉ lệ này lên đến 79%. The Guardian gọi những thanh niên này là thế hệ gãy cánh (clipped - wing generation), ám chỉ việc không dám rời bỏ gia đình của những thanh niên trưởng thành cũng giống như những con hải âu mãi quẩn quanh trong tổ, không thể bay ra đại dương bao la vì cặp cánh què cụt.


Sống cùng gia đình xem ra có vẻ là giải pháp trong thời khủng hoảng kinh tế. Dù hơi bất tiện khi cuộc sống cá nhân bị gò bó, nhưng tiết kiệm được tiền thuê nhà, tiêu dùng cá nhân.


Tuy nhiên, đây lại là tin tức không vui cho những nhà nghiên cứu tâm lý học hành vi. Theo Kim Abraham và Marney Studaker (2) (chuyên gia của Empowering parents), việc cha mẹ chấp nhận bảo bọc con cái dù chúng đã trưởng thành sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ to xác ỷ lại. Thay vì để chúng tự đương đầu với khó khăn và rút ra những bài học kinh nghiệm từ việc đó, việc giải quyết giúp chúng sẽ chỉ tạo ra thái độ thụ động chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài.


Trường hợp của T. là minh chứng cho điều này. Là thế hệ 8X, quen thuộc với những biến đổi công nghệ, cô có thể tự nuôi con bằng những kiến thức chăm sóc bé và sự hỗ trợ của y tế, nhưng cô vẫn cần sự có mặt của người mẹ già đang bận rộn vụ mùa tại Lâm Đồng đến phụ cô chăm sóc con, cho bé tắm. Đây là một xu thế tất yếu của xã hội hay chỉ vì cô đang cần có người chia sẻ trách nhiệm?


Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức về tỉ lệ thanh niên trưởng thành sống cùng cha mẹ. Tuy nhiên, văn hóa phương Đông chấp nhận nhiều thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà, nên chuyện con cái trên 18 tuổi sống cùng cha mẹ không phải hiếm. Dưới sự hỗ trợ của gia đình, những thanh niên này từ chối giải quyết các khó khăn trong công việc và cuộc sống. Giải pháp duy nhất họ làm là gõ cửa nhà cha mẹ để được giúp đỡ khi có khó khăn. Lợi ích của việc này chỉ nên nhìn nhận dưới góc độ nâng đỡ tạm thời tinh thần cá nhân, về lâu dài nó tạo ra một nhóm người ỷ lại vào gia thế và sự chu cấp của cha mẹ.


"Nhưng không ít người lớn tuổi khép nép sống bên rìa cuộc sống của con cái, tham gia thầm lặng như một người giúp việc trung thành và tin cẩn của gia đình con cháu mình!"


Thôi thì “nước mắt chảy xuôi”?


Khu vực nhà tôi sống chiều về bên dòng người, xe hối hả dưới lòng đường là những người già xách những chiếc túi xách sặc sỡ in hình Mickey, hoặc siêu anh hùng bước chầm chậm theo những đứa bé chừng 3, 4 tuổi đang nhảy chân sáo phía trước.


Thỉnh thoảng họ lại rướn người theo mắng các cậu bé nghịch ngợm đi gọn lên vỉa hè. Họ là ông, bà của những đứa bé kia. Vì bố mẹ chúng vẫn đang ở công sở nên họ đảm trách việc đưa đón, tắm giặt và cho chúng ăn. Chỉ đến tối khi bố mẹ lũ trẻ trở về nhà, ông, bà mới được nghỉ ngơi đôi chút.


Không ngoa khi nói rằng thời gian rảnh rỗi nhất của họ là khi đã chìm vào giấc ngủ. Có người thấy đó là hạnh phúc: ở tuổi già được bên cạnh con cháu.


Nhưng không ít người lớn tuổi khép nép sống bên rìa cuộc sống của con cái, tham gia thầm lặng như một người giúp việc trung thành và tin cẩn của gia đình con cháu mình!



Ngược lại, những người lớn tuổi từ chối trách nhiệm chăm sóc cháu thường bị gán cho cái nhìn thiếu thiện cảm. Mọi người đến thăm A. đều ái ngại cho gia đình cô khi hai vợ chồng phải tự chăm sóc con nhỏ vì bà ngoại dù đã nghỉ hưu nhưng còn bận việc làm thêm, còn bà nội phải chăm ông ở tận Lâm Đồng. Dù không nói ra nhưng mọi người đều có chút ngạc nhiên khi các bà từ chối “quyền” được chăm cháu!


Tại Nhật Bản và một số nước châu Âu, lo ngại về những tác động của tình trạng già hóa dân số và sự suy giảm của các giềng mối gia đình, người ta tổ chức các khu phức hợp nơi nhiều thế hệ có thể sống và tiếp xúc với nhau.


Tuy nhiên, không gian riêng tư của những người lớn tuổi vẫn được tôn trọng. Việc chơi với trẻ nhỏ hay phụ giúp việc nhà chỉ là những vận động phụ trợ giúp người già có thêm sức khỏe, chứ không phải là một nghĩa vụ khi sống với các thế hệ khác. Những người bạn của tôi khi chơi đùa với con cái của bạn chỉ khoảng 15 phút đều than mệt vì sự hiếu động của chúng. Thế nhưng họ lại có thể vô tư giao con cho ông bà trông cả một ngày dài!


Vai trò của người lớn tuổi trong các gia đình trẻ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM khá quan trọng. Có thời gian rảnh rỗi vì đã nghỉ hưu, sự có mặt của họ làm những người đi làm an tâm hơn. Tuy nhiên, người già cũng cần có cuộc sống riêng.


Vì thế chẳng có gì sai nếu thỉnh thoảng họ đi chơi cùng bạn bè, từ chối trách nhiệm trông cháu để các gia đình trẻ tự xoay trở với việc đưa đón và chăm sóc con cái. Không những thế, họ có quyền được hưởng cuộc sống nhàn nhã, thanh thản cuối đời như người mẹ “bỏ-chuối-cho-chim-ăn-chơi” của bạn tôi. Không ít người cứ nhắm mắt lắc đầu cho là thôi thì “nước mắt chảy xuôi”!


Nhưng nếu quên hoặc cố tình quên không gian riêng của người lớn tuổi thì cái ngày người trưởng thành bước vào biểu đồ dân số già sẽ là ngày họ phải trải qua mọi vô tâm mình đã dành cho cha mẹ.


(1): www.theguardian.com/money/2014/jul/29/england-2-million-young-adults-living-with-parents


(2): www.empoweringparents.com/failure-to-launch-why-so-many-adult-kids-still-live-with-their-parents.php#Không ít người lớn tuổi khép nép sống bên rìa cuộc sống của con cái, tham gia thầm lặng như một người giúp việc trung thành và tin cẩn của gia đình con cháu mình!


Lan Hương


http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/cau-chuyen-cuoc-song/20150113/nhung-nguoi-gia-mac-no/698388.html