Kể từ khi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ công bố kết quả thụ tinh trong ống nghiệm thành công, hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn đã bừng lên niềm hy vọng. Tuy nhiên, để phục vụ cho những đôi vợ chồng không còn hả năng sinh con thì một số đường dây “đẻ mướn” lặng lẽ ra đời.




L. sống trong xóm nhỏ quanh co với dãy nhà lụp xụp ngay phía sau đường Hoàng Diệu, quận 4, TP HCM. Cô gái dáng người phổng phao, vàng vòng đeo đầy. Phương “Mụn”, người cùng xóm nói nhỏ: “Nó đẻ mướn đó! Vừa giao con cho người ta tháng trước. Vài tháng nữa là mày thấy cái bụng nó lại chình ình lên cho coi. Mày cứ hỏi bà Bảy bán bánh mì thì rõ!”.


Bà Bảy thì kể: “Có hai vợ chồng bán vàng, bán vải gì đó bên quận 3 “đặt cọc” rồi. Mấy đợt trước giá 4-5 lượng vàng một lần đẻ. Bây giờ, vàng lên giá, nghe đâu giá khoảng hai ba chục triệu gì đó. Mày cần tao nói giùm cho!”.


Còn L. thì tỉnh rụi tâm sự: “Em chưa có chồng nhưng được 4 đứa con. Nhưng nói thiệt tới giờ em cũng không biết mặt mũi tụi nó ra sao! Sanh ra là chúng được rước hết!”.


Nhờ đẻ mướn, L. đã bớt lo cuộc sống vật chất. Tiền làm được bao nhiêu L. đem gửi ngân hàng, chỉ để khoảng chục triệu ăn xài, mua sắm và cho mấy bà bạn hàng ở chợ gần đó vay nóng. L. kể sướng nhất là lúc có bầu, muốn ăn gì “đối tác” cũng chiều cả, cứ dăm bữa, nửa tháng “nó” lại đến thăm, cho quà. Có người rất rộng rãi. Khi nghe tin bào thai đang mang giùm có giới tính nam, ông “khách hàng” tặng luôn một cái “di động”. “Không tốt gì đâu anh ơi! Để dễ quản lý và chăm sóc con họ thôi!”, L. than thở.


Tính theo thời giá, vàng hơn chục triệu đồng một lượng; rồi chi phí ăn, ở đâu khoảng 1-2 triệu đồng/tháng, vị chi một hợp đồng “mượn bụng” tốn khoảng 6 cây vàng.


Cũng có nhiều trường hợp “mượn bụng” nhưng không tốn tiền. Các trường hợp này đều là những người trong dòng họ, chị em ruột hay chị em họ, ví dụ trường hợp của chị B., nhà trên đường Hậu Giang quận 6. Chị B. nói: “Cái vụ này tụi tôi giấu dữ lắm, nhà báo nói cách nào thì nói, nhưng đừng ảnh hưởng đến gia đình tôi là được”.


Một trường hợp khác: anh chị lấy nhau hơn 5 năm nhưng trong nhà vẫn thiếu tiếng khóc trẻ thơ. Anh là một cán bộ có mức lương tương đối khá, chị là giáo viên dạy ngoại ngữ một trường điểm ở quận 3. Nói chung, tình hình tài chính gia đình khỏi phải lo toan nhưng lại thiếu con cái.


Cách đây hơn 2 năm, anh chị nắm tay nhau vào bệnh viện phụ sản. Kết quả: tinh trùng của anh vừa “dư” vừa “mạnh” nhưng chị lại có vấn đề... Điều trị mấy lần không “thông”, đêm đó chị thủ thỉ với anh: “Em với dì Út khá giống nhau hay mình thử “nhờ” dì Út!”. Nói là nói vậy chứ thực ra hai chị em đã bàn bạc với nhau từ trước.


Hai tháng sau, tin vui đến. Ngày dì Út vào bệnh viện cấy phôi hầu như cả nhà mất ngủ. Ai cũng lo lo. Bụng dì Út càng ngày càng lớn, cả nhà càng lo dữ. Hai chị em phải về Buôn Ma Thuột sống một thời gian để tránh dư luận. Ngày dì Út lâm bồn, cả nhà mới hết lo. Đúng là “cùng hệ”, thằng Ú càng lớn càng giống anh chị.


Nhìn thằng Ú nũng nịu, đã đớt với dì Út tôi cảm nhận sự thương yêu khá đặc biệt của người dì và cũng là người mẹ. Tôi hỏi: “Thằng Ú mang họ ai?”. Chị B. cười một cách kín đáo: “Họ ai mà chả được. Miễn đúng họ cha mẹ là được rồi. Cái vụ khai sinh thì chúng tôi đã “tìm đường lo” trước khi thằng bé chào đời. Bây giờ thì công khai! Thằng Ú là con của chúng tôi!”.


Cấy phôi là quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Cụ thể, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ; sau đó chọn những tinh trùng tốt nhất, trứng tốt nhất để ghép và đưa vào ống nghiệm. Khi đọt phôi thai ổn định, các bác sĩ sẽ tiến hành động tác cuối cùng là cấy vào tử cung người mẹ.


(Theo Sài Gòn Giải Phóng)