Không thích nghe những bài phát biểu dài như “Vạn Lý Trường Thành” hay đứng lên ngồi xuống tới … 10 lần trong lễ khai giảng, càng không thích phải tập trước cả tuần… Vậy trẻ ước gì về ngày lễ khai giảng?





Những bài văn viết về lễ khai giảng trong mơ của HS trường THCS Thăng Long (Hà Nội)


Mong có kem, nước lạnh để uống trong lễ khai giảng



Đan Uyên, học sinh lớp 4 một trường tiểu học Quận Cầu Giấy: Con có quan tâm đâu, chán vì phải ngồi chết dí mấy tiếng đồng hồ, trời thì nóng, nghe hết cô giáo đến thầy giáo đọc mà không hiểu đọc cái gì. Văn nghệ thì năm nào cũng biểu diễn đi biểu diễn lại mấy bài giống nhau. Thầy cô có nhắc nhở nhưng mà nóng quá nên không hiểu thầy cô nhắc điều gì.




Cô học trò lớp 4 Đan Uyên


Cô bé này cũng hồn nhiên cho biết “Con chỉ mong ngày khai giảng không phải ngồi lâu. Mà nếu cứ phải ngồi dưới trời nắng trong ngày khai giảng thì ước bên cạnh mình có thùng kem, hoặc thùng nước lạnh, mỗi khi khát chỉ cần thò tay vào là lấy được ngay”.



Còn cậu bé Đỗ Tiến Mạnh, học sinh lớp 3B trường tiểu học Ái Mỗ A (Long Biên, Hà Nội) thì thật thà nói: Con có thích khai giảng nhưng không thích phải đứng lên ngồi xuống…10 lần. Con càng không thích phải đội mũ vì nóng lắm. Chưa kể năm ngoái đi tập khai giảng cả tuần nhưng rồi đến ngày khai giảng lại bị mưa nên … lại không được dự khai giảng thật.




Cậu bé Đỗ Tiến Mạnh vẫn thích khai giảng được tặng kẹo hoặc đồ chơi


Cậu bé này chỉ mong ước: Khai giảng xong được tặng đồ chơi, hoặc bánh kẹo…



Khai giảng chẳng khác nào ác mộng



Khác với sự hồn nhiên của các bé học tiểu học, với học sinh cấp hai thì hoàn toàn ngược lại. Các em đã có những chính kiến kèm lập luận rất rõ ràng về ước mơ về một ngày khai giảng. Phóng viên Infonet khá bất ngờ khi đọc những bài văn mà giáo viên của lớp đã cho các em viết cảm nhận về ngày khai trường.



Hầu hết các em đều mong ước buổi lễ khai giảng diễn ra trong không khí vui tươi mà ở đó các em được hòa mình vào những tiết mục văn nghệ sôi động chứ không phải nghe những bài phát biểu dài dòng của thầy cô cũng như đại biểu.



Trong đó, đáng lưu ý là bài viết của cậu học trò Đặng Nhật Anh, học sinh lớp 7C trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Cậu viết: Năm nào khai giảng cũng giống nhau. Học sinh đã không còn xa lạ với một kịch bản mà chúng em đã thuộc từ lâu.




HS Đặng Nhật Anh


Khai giảng tức là bắt đầu năm học mới, nhưng đối với học sinh bây giờ thì khai giảng chỉ là một hoạt động thủ tục, bởi trước ngày khai trường nửa tháng chúng em đã bắt đầu với những tiết học ở trường.



Điều mà những cô cậu học trò như em chán ngán nhất là những bài phát biểu dài tựa “Vạn Lý Trường Thành” bao năm vẫn thế: nào là diễn văn của cô hiệu trưởng, rồi đại diện cha mẹ học sinh gửi gắm tâm tư, cuối cùng là học sinh đọc lời hứa.



Buổi lễ khai giảng ấy ngoài diễn văn thì cũng chỉ như một buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi thứ hai đầu tuần. Hơn nữa những em học sinh lớp 6 đã học tập và làm quen với bạn bè được hai tuần rồi thế mà đến ngày khai giảng vẫn ra xếp hàng ngoài cổng để được đón vào. Trên sân khấu, đại biểu, cô hiệu trưởng cứ diễn thuyết say sưa, ở dưới học sinh ngồi vẫn cứ ngọ nguậy, túm năm tụm ba.



Nhật Anh cho biết: Em mong cô hiệu trưởng hãy bắt nhịp cho cả trường hát một bài, mong các thầy cô đừng đọc báo cáo thành tích. Xin thầy cô hãy giành nhiều thời gian để nói về động lực, ước mơ hoài bão và chia sẻ những câu chuyện thú vị. Đặc biệt, chúng em không phải tập khai giảng trước đó nhiều ngày, chỉ mong buổi lễ diễn ra nhẹ nhàng, là ngày hội giao lưu giữa thầy và trò, giữa những học sinh mới và cũ…



Cậu bé này cũng mạnh dạn đề nghị, những vị khách mời rời ghế, rời sân khấu đến bên chúng em để nghe những mong ước, những nguyện vọng của những cô cậu học trò để từ đó có những cải cách đúng đắn …



Với cô bé Bùi Yến Nhi (học sinh lớp 7C, trường THCS Thăng Long, Ba Đình, HN) khi nhắc đến khai giảng, với riêng em đó là “ác mộng”. Nguyên nhân mà theo Yến Nhi là vì “chúng em luôn phải tập khai giảng rất nhiều lần. Các bài phát biểu của thầy cô trong lễ khai giảng đều giống nhau là tổng kết thành tích của năm học trước hoặc nói về lịch sử của trường. Trong khi đó, ở dưới chúng em chỉ ngồi nghe, vỗ tay giữa trời nắng nóng”.




HS Bùi Yến Nhi


Vì thế, cô bé này ao ước “chúng em có quyền được nói, được lên phát biểu hay tự khai giảng cho ngày lễ đáng được ghi nhớ trong lòng chúng em. Người lên phát biểu nên ngắn gọn, tránh cầm giấy đọc lê thê, dài dòng. Nếu có thể rất mong những bài phát biểu ấy biến thành sự chia sẻ kinh nghiệm, chúng em sẽ thích lắng nghe hơn”.Hay cô học trò Đỗ Lan Phương (trường THCS Thăng Long, Ba Đình, HN) cũng mong sao những lời phát biểu của các đại biểu giảm bớt, thay vào đó là phần chia sẻ chân thành của các anh chị cựu học sinh của trường.




HS Lan Phương


“Có lẽ do em còn quá nhỏ nên em không biết những bài phát biểu của đại biểu quan trọng đến như thế nào với các thầy cô, nhưng với chúng em khi họ bước lên sân khấu cầm theo những tờ giấy chuẩn bị sẵn nói những từ “chân thành”, “vô cùng quý mến” … làm chúng em cảm thấy không hữu dụng bằng những chia sẻ của học sinh đi trước” – cô học trò này bày tỏ.



Em cũng ao ước, “đương nhiên, buổi khai giảng kỳ diệu kia sẽ hoàn toàn không tập trước, sự thành công hay không hoàn toàn dựa vào sự chuyên tâm và yêu trường mến lớp của học sinh và giáo viên”.



http://infonet.vn/nhung-ly-do-dang-tiec-khien-hoc-sinh-ghet-le-khai-giang-post173298.info