Những con “ngáo ộp” trong bệnh viện!


Thứ sáu, 14/11/2008, 07:00 GMT+7


… Đằng này, trông họ chẳng khác gì đám lính bảo an xưa kia, luôn trợn mắt quát tháo, chẳng có câu nào từ cái miệng kia được gọi là lịch sự. Chỉ khổ những người dưới quê lên chữa bệnh, lấm lét như đi ăn trộm, cứ mở miệng ra hỏi là bị chửi...



Bị ốm phải đến bệnh viện, điều này hiển nhiên rồi. Đến cả gia súc bị bệnh còn phải mời bác sỹ thú y, điều này cũng hiển nhiên nốt. Nhưng bị ốm vào bệnh viện thì sợ vô cùng: sợ đau đớn, sợ dao kéo, sợ và sợ rất nhiều thứ nhưng qua được tất vì đó là cũng là đương nhiên. Còn một cái sợ không phải vì bắt buộc nhưng hình như ai cũng gặp phải. Đó là cách hành xử của những người làm ở bệnh viện. Họ là ai? Tôi không dám đánh đồng hết, nhưng tin là rất nhiều: bác sỹ, y sỹ, y tá, hộ lý… đến cả ông bảo vệ trong bệnh viện cũng làm tôi sợ. Tôi sợ không phải vì ông ta trông như con ngáo ộp mà vì cách “tác nghiệp” thiếu văn hoá của ông ta.



Việc đầu tiên ông ta làm với khách là trợn mắt quát: “ĐI ĐÂU?”, rồi lại: “GIẤY TỜ ĐÂU?”. Đúng là quát chứ còn gì nữa, ở bệnh viện không ồn đến nỗi phải gào lên như thế. Khi người ta đang ngẩn tò te vì kiểu quát tháo ấy và chưa kịp trả lời thì “ngáo ộp” lại xả luôn: “Hết giờ thăm rồi, đi ra ngoài!”. Đúng là hết giờ thăm bệnh nhân, nhưng tôi có phải vào thăm bệnh nhân đâu. Thế là tôi giải thích, nhưng ông ta lại lừ mắt quát tiếp: “Vào đây có việc gì?”. Lúc này thì tôi nóng mặt thật sự, ba chục tuổi đầu, cũng từng nếm đủ đắng cay, chưa bao giờ tôi bị một gã bảo vệ quèn doạ kiểu ấy. Thế là tôi cũng nổi xung, gân cổ, trợn mắt quát lại: “Tôi đi làm việc, ông thích giấy tờ gì?”. Rồi tôi rút giấy tờ tác nghiệp của tôi ra. Ngay lập tức “ngáo ộp” xuống giọng, có vẻ đối thoại hơn: “Nếu thế ông phải nói chứ… “. Kỳ quặc thế không biết, đã để người ta nói đâu, mới có thò đầu vào là ăn “đạn liên thanh” rồi còn gì?


Đúng lúc đó, có hai người một già một trẻ đi tới. Người già đang đau rên ừ ừ, người trẻ lo lắng dìu đi. Ông “ngáo ộp” lại hiện nguyên hình quát: “ĐI ĐÂU?”. Hai người kia giật mình suýt ngã, chưa kịp mở mồm lập tức bị quát tiếp: “ĐI RA NGOÀI”. Và cuộc đối thoại của họ cũng chẳng khác gì tôi ban nãy, một bên nói năng mềm mỏng cố giải thích, còn “ngáo ộp” vẫn sa sả quát, hình như quát tháo có trong giáo trình đào tạo những tay bảo vệ bệnh viện thì phải. Đúng là thiếu văn hoá hết chỗ để bàn! Ở một cấp độ nào đó, bảo vệ ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho bệnh viện còn phải là người hướng dẫn bệnh nhân, tất nhiên cũng phải bảo vệ cả bệnh nhân nữa. Đằng này, trông họ chẳng khác gì đám lính bảo an xưa kia, luôn trợn mắt quát tháo, chẳng có từ nào từ cái miệng kia được gọi là lịch sự. Chỉ khổ những người dưới quê lên chữa bệnh, cứ lấm la lấm lét như đi ăn trộm, cứ mở miệng ra hỏi là bị chửi.


Đó mới chỉ là cửa bảo vệ, còn đến chuyện đi thang máy mới bi hài. Có một số bệnh viện ra một quy định rất kỳ quặc: thang máy chỉ dành riêng cho bác sỹ và cán bộ trong bệnh viện. Họ ghi rõ ràng như thế trên cửa, nhưng tìm mãi chẳng thấy chỗ nào ghi dành cho khách. Có lần tôi chứng kiến một cụ già lên cơn hen, ngồi bệt ở tầng sáu. Tôi tưởng là bệnh nhân, hỏi ra mới biết là cụ đến thăm cháu bị ốm, thấy cầu thang máy định vào, lập tức bị một người mặc áo trắng trợn mắt đẩy ra, rồi lạnh lùng đóng cửa lại. Cụ cao tuổi, lại sẵn bệnh hen, cũng chẳng hơi sức đâu xin xỏ cái loại ấy nên đánh liều leo bộ. Lên đến tầng sáu cơn hen ập đến, tưởng chết! Cụ căm lắm, cụ bảo: “Không hiểu bố nó dạy bảo thế nào mà… mà… nó ác thế!”. Trông ông cụ hom hem thở dốc tôi bỗng thấy gai cả sống lưng. Thì cứ cho là bệnh viện quy định thế đi, nhưng thấy cụ già thì phải nhường chứ. Đằng này đẩy cụ ra, không hiểu cái người mặc áo trắng kia là ai, nhưng chắc chắn là kẻ vô đạo đức, vô văn hoá, vô nhiều thứ…


Còn nhiều cửa ở bệnh viện đi vào là sợ. Công việc cao cả của thầy thuốc luôn được mọi người kính trọng. Tôi không muốn so sánh, nhưng các con chiên bao giờ cũng hướng về chúa khi đau đớn tinh thần. Chỉ có chúa mới chữa lành vết thương tinh thần cho họ. Cứ tưởng tượng xem, mới thò đầu vào liền bị quát mắt, bị cho đi bộ đến tắc thở thì phát khiếp chứ còn gì. Có người nói, đến bệnh viện ngoài thần kinh thép cần có một sự nhẫn nại đến nhu nhược mới chịu được. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng cũng không phải vô lý vì bị quát tháo là chuyện thường. Nếu không tin cứ thử vào thì biết ngay thôi!


A Sáng (Vietimes)


Link: http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5991/index.viet