"Cuồn cuộn sống, dạt dào yêu ở cái tuổi đương xuân, tiếng hát Thanh Lan được ví như chất nhựa của cuộc đời chảy tràn trên nhánh cây vừa mới chặt. Nó nhỏ nhẹ, trong trẻo, mượt mà mà cũng ma mị đến lạ lùng."




Nữ ca sĩ nổi tiếng Thanh Lan.



Trong quá trình tìm tư liệu, tôi thấy hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược về Thanh Lan. Một phía thì ghi nhận những đóng góp của cô; phía còn lại vì nguyên nhân nào đấy, không tiếc lời miệt thi cô. Cá nhân tôi nghĩ, phàm là con người, không ai có thể tránh được vấp váp, sai lầm. Tôi không biết và không dám phán xét về Thanh Lan, song với tôi, Thanh Lan là một nghệ sĩ tài năng và những cống hiến của cô cần được trân trọng.



Tiếng ca học đường



Thanh Lan chào đời ở thành phố Vinh, Nghệ An vào năm 1948, với tên đầy đủ là Phạm Thái Thanh Lan, trong một gia đình nổi tiếng giàu có. Cậu của cô chính là ông Thái Thúc Nha - chủ hãng phim Alpha đình đám một thời.



Cô theo gia đình vào Sài Gòn từ nhỏ. Thời tiểu học, Thanh Lan theo học trường Saint Paul - một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái những gia đình quý tộc Sài Gòn nằm trên đường Cường Để, Q.1 (Tôn Đức Thắng bây giờ).


Chính tại đây, cô đã được các xơ dạy hát và học đàn piano. Sau đó, cô được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn thêm.



Năm 12 tuổi, Thanh Lan đã nuôi mộng làm ca sĩ nên khi nghe chương trình văn nghệ của ban Việt Nhi do nhạc sĩ Nguyễn Đức phụ trách phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Thanh Lan nằng nặc đòi mẹ dẫn đi thử giọng. Một tuần lễ sau, Thanh Lan toại nguyện ước mơ khi được thu âm bài Vui đời nghệ sĩ (Văn Phụng).



Giọng hát vui tươi, tràn đầy sức sống của cô đã gây được sự chú ý của thính giả và tất nhiên, ông bầu Nguyễn Đức rất hài lòng về cô học trò mới này. Tiếng hát Thanh Lan khi ấy xuất hiện thường xuyên trong các chương trình văn nghệ của trường Marie Curie, trên đài phát thanh.



Cái chất giọng nhỏ nhẹ, tròn rõ, trong trẻo ấy cuốn hút đến nỗi ban biên tập ở đài đã mời cô phụ trách mục trả lời thư và các bài sưu tầm giới thiệu danh nhân.



Năm lớp 11, Thanh Lan gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - ban nhạc mở đường cho việc Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn.



Sau khi không còn sinh hoạt trong ban văn nghệ Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên Nguồn Sống, cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến cùng các bạn sinh viên, học sinh.



Vốn là học sinh “trường tây”, với tên riêng bằng tiếng Pháp ở trường là Catherine, đi học mặc áo đầm, nhưng với Thanh Lan, hạnh phúc và sung sướng nhất là khi cô được mặc áo dài và hát những bài đậm đà tình quê hương.



Dù danh tiếng sớm đến với cô như vậy, nhưng Thanh Lan chưa bao giờ sao nhãng việc học. Có cảm giác như, lúc ấy, cô chỉ biết ăn, học và đi hát mà thôi.



Ngay khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa Sài Gòn, cô đã cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng tạo thành một “cặp” đẹp đôi trong phong trào du ca tại quán càphê Văn nổi tiếng một thời.



Sau đó, Thanh Lan chuyển qua hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường, trở thành cặp bài trùng để các tụ điểm ca nhạc hút khách.



Khi Sài Gòn có truyền hình vào những năm 1967-1968 thì Thanh Lan như cá gặp nước, ngoài tiết mục dân ca ba miền trong chương trình văn nghệ học đường trên truyền hình, các chương trình văn nghệ khác cũng đua nhau mời Thanh Lan biểu diễn. Cô còn thu âm cho các trung tâm băng nhạc.



Tất nhiên, những hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn này của Thanh Lan chỉ là việc của một “ca sĩ ngoài cửa lớp”, bởi trên giảng đường, cô vẫn say mê học tập và ra trường với tấm bằng loại ưu, có thể sử dụng thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.



Trở thành hiện tượng



Vốn là giọng ca được đào tạo bài bản nên dù hát những bản đã được ''đóng đinh'' với nhiều tên tuổi, Thanh Lan vẫn tạo được một ấn tượng riêng. Cô quan niệm:



“Dù chỉ trình bày một ca khúc trong vòng 4 phút thì người ca sĩ cũng phải lột tả hết tâm trạng của nhân vật trong bài hát đó. Và, mỗi nét mặt, mỗi cử động, người ca sĩ phải tự nghiên cứu để khán giả khi xem có cảm tưởng những lời ca đó là từ chính trong lòng người ca sĩ thoát ra, chứ không phải là một bài hát mà họ đã thuộc lòng”.



Bài Gặp nhau của Hoàng Thi Thơ trước đó có Thái Thanh, Tuyết Mai, Thúy Nga, Thu Hương, Lệ Thanh hát rất thành công, vậy mà qua tiếng hát nhỏ nhẹ, ma mị, sự luyến láy của Thanh Lan, đã tạo nên một phong cách riêng biệt.



Cũng nhờ cô mà bản Trăm nhớ ngàn thương của nhạc sĩ Lam Phương trở nên nổi tiếng và bán chạy như tôm tươi.



Tiếng hát mượt mà, tràn đầy sức sống của Thanh Lan khi ấy được ví là tiếng hát của những người vẫn tìm thấy ở cuộc đời những hy vọng tràn đầy, của những kẻ đương sống ngỡ ngàng nhưng cuồng nhiệt trước ngưỡng cửa của tình yêu.



Năm 1970, Thanh Lan trở thành hiện tượng của giới ca nhạc Sài Gòn. Cô sinh viên Đại học Văn khoa với nụ cười thật tươi đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người nghe với nhiều ca khúc tiếng Pháp, trong đó được yêu thích nhất là nhạc phẩm Mon amie la Rose do chính Thanh Lan soạn lời Việt dưới tựa đề Nụ hồng mong manh theo nội dung bài thơ của thi hào Ronsard mà cô rất mến mộ.



Cô được đánh giá là ca sĩ hát nhạc Pháp hay nhất khu vực Đông Nam Á và được báo chí săn đón, đua nhau viết bài. Hình ảnh Thanh Lan tràn ngập trên bìa băng, đĩa, bìa các bản nhạc bày bán khắp nơi.



Sài Gòn lúc ấy có hai trung tâm băng nhạc lớn là Phạm Mạnh Cương và Shotgun, thế mà trong băng nhạc Tứ Quý của hai trung tâm này đều có sự hiện diện của Thanh Lan.



Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương vào năm 1973, Thanh Lan chính thức đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Cô cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sang Nhật tham dự Đại hội Âm nhạc quốc tế Yamaha với sự góp mặt của hơn 100 quốc gia.



Tại Nhật, Thanh Lan hát Tuổi biết buồn của Phạm Duy và lọt vào vòng chung kết với hai ca sĩ nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ là Anne Marie David (nữ ca sĩ người Pháp) và Demi Roussos (nam ca sĩ người Hy Lạp). Cô được hãng đĩa uy tín của Nhật là Victor mời ở lại Tokyo để thu âm Ai no hio Kesanairde (Đừng phá vỡ ân tình)và Yume o Miruno (Tuổi mộng mơ).



Sau 1975, Thanh Lan vẫn ở lại Việt Nam và nhanh chóng hòa nhập với phong trào văn nghệ cách mạng. Cô ghi dấu tên tuổi của mình với những ca khúc: Cô nuôi dạy trẻ, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hồng, Đi qua vùng cỏ non, Trưng Vương khung cửa mùa thu và những ca khúc tiếng Pháp từng tạo dấu ấn cho tên tuổi Thanh Lan như: Bang bang (Khi xưa ta bé), Come back to Suriento (Trở về mái nhà xưa), Samba Mambo…



Không chỉ hát những bài hát một thời, Thanh Lan còn tự sáng tác để trình diễn với nhiều ca khúc để lại tiếng vang như Về cùng em, Tương tư, Ru đêm… Cô còn thực hiện một số video ca nhạc phát hành trên cả nước.



Năm 1993, Thanh Lan nhận lời đạo diễn cho một chương trình video dân ca. Video này sau đó đã đoạt được giải thưởng của Đài Truyền hình. Thanh Lan trở thành một tên tuổi cực kỳ có uy tín lúc bấy giờ. Cô được mời làm giám khảo chấm thi hội diễn ca nhạc chuyên nghiệp toàn thành phố do Sở VH-TT thành phố Hồ Chí Minh và Hội Âm nhạc tổ chức.



Năm 1991, tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên - liveshow Tiếng hát Thanh Lan được tổ chức - mở đầu cho việc thực hiện liveshow sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và đổi mới. Liveshow này sau đó được đều đặn tổ chức hằng năm cho đến cuối 1993.



Linh Lan - Báo Lao Động


http://laodong.com.vn/Van-hoa/Nhung-cau-chuyen-hap-dan-ve-nu-nghe-si-xinh-dep-va-da-tai-Thanh-Lan-ky-1/137601.bld