Với lý do tái cơ cấu, nhiều ngân hàng đã đồng loạt gửi "trát" nghỉ việc đến hàng trăm nhân viên. Nhưng bên cạnh đó, chính những ngân hàng này lại sẵn sàng móc hầu bao chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhằm chiêu nạp những nhân viên mới có năng lực...


Từ đỉnh cao xuống... vực sâu mất việc



Điển hình cho sự kiện nổi bật này phải kể đến Ngân hàng Á Châu (ACB), khi ngân hàng này không ngại ngần công bố con số gần 600 nhân viên phải sa thải trong vòng 6 tháng đầu năm 2013. Con số này được ước tính còn tăng khi quý III/2013 bài toán nhân sự vẫn được ngân hàng này tính toán.



Báo chí trong nước cũng đồng loạt đưa tin về việc cắt giảm nhân sự khủng là ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) với 79 người quý I và 110 người trong quý II. Thông tin từ ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), 4 tháng đầu năm 2013 đã giảm 285 nhân viên. ngân hàng Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông tin đã giảm 29 vị trí trong quý I và giảm thêm 36 người trong quý II.



Cùng với đó, quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống gần 319 tỷ đồng. Tính bình quân đầu người, mỗi nhân viên Eximbank có thể nhận 9 triệu đồng tiền lương/tháng, giảm 1 triệu đồng so với cùng kỳ.



Được xếp đầu tiên trong danh sách những ngân hàng có mức thu nhập bình quân cao nhất trong ngành với 20 triệu đồng/tháng, ngân hàng Quân đội (MBBank) đã cắt giảm gần hết nhân sự trong tổng số 225 người mà ngân hàng này đã tuyển dụng trong quý I.



Không công bố cụ thể số lao động giảm, ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) tại đại hội cổ đông mới đây cho biết, trong năm 2013, ngân hàng dự kiến sẽ giảm nhẹ quỹ lương so với 2012, xuống còn 731 tỷ đồng. Tổng số lao động được dự báo sẽ cắt giảm thêm 679 người, tương ứng giảm 13,9%.



Lý giải nguyên nhân, một lãnh đạo ngân hàng cho biết: Nhân sự ngân hàng hiện nay vừa thừa vừa thiếu, thừa nhân lực non yếu và thiếu nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế việc sa thải là phù hợp nếu nhân viên không làm tốt công việc được giao. Nhất là trong giai đoạn khó khăn này thì các ngân hàng cũng sẽ chú trọng tới chất lượng nhân viên hơn số lượng, do đó không ít nơi sẵn sàng cho nhiều nhân viên kém nghỉ việc để tuyển về một người có năng lực. Biến động về mặt nhân sự tại các ngân hàng rất mạnh và chủ ngân hàng luôn nắm đằng chuôi.




Ảnh minh hoạ.


Khắc xuất và khắc nhập



Chuyện tinh giảm nhân sự trong các ngân hàng cũng chẳng có gì đáng nói nếu không có thông tin Vietinbank “giăng” danh sách hàng loạt các vị trí tuyển dụng. Để thể hiện khát khao có thêm nhân sự, ngân hàng này còn treo giải thưởng lên tới 15 triệu đồng cho người giới thiệu ứng cử viên. Trên website chính thức, Vietinbank nhấn mạnh dòng chữ: "Hãy chia sẻ thông tin tới bạn bè, người thân, bạn sẽ có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 15 triệu đồng".



Cụ thể, khi giới thiệu thành công ứng viên cho Vietinbank (ứng viên trúng tuyển được ký hợp đồng lao động chính thức với ngân hàng), người giới thiệu sẽ được thưởng 15 triệu đồng cho vị trí Trưởng/Phó phòng ban trụ sở chính. Với các vị trí là Giám đốc/Phó giám đốc chi nhánh, người giới thiệu sẽ được 5-10 triệu đồng... Nên nhớ, trước đó, ngân hàng này đã gửi “trát” đến hàng loạt nhân viên cũ.



Không kém cạnh, sau khi sa thải 133 nhân sự, đầu quý III/2013, ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng dồn dập tuyển nhân sự cho các chi nhánh Thái Bình, Sóc Trăng...



Thử tra google với nội dung: "Tuyển nhân sự ngân hàng", chỉ vài giây sau, hệ thống này thông báo có tới 4.980.000 kết quả. Một con số khiến cánh PV phải giật mình.



Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: Việc cắt giảm nhân sự cần nhìn ở nhiều khía cạnh. Một mặt, nó ảnh hưởng tới đời sống người lao động nhưng nếu nhìn rộng hơn các ngân hàng chỉ có thể hoạt động hiệu quả, nếu có được đội ngũ nhân sự có chất lượng. Vậy nên việc giảm bớt các nhân sự yếu kém trong khi tiếp tục bổ sung những lao động có chất lượng là điều cần thiết.



Trong một bản công bố kết quả khảo sát về ngành ngân hàng năm 2013, KPMG cho biết: Trong 6 năm từ 2005 đến 2011, số lượng nhân viên ngân hàng đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 125.000 người lên hơn 200.000 người. Tuy vậy, có lẽ xu hướng này (hoặc ít nhất là sự ấn tượng của nó) sẽ không tiếp diễn.



"46% số ngân hàng được hỏi tuyên bố sẽ không tăng số lượng nhân viên trong năm 2013. Đáng chú ý hơn, trong số 54% ngân hàng dự kiến tăng số lượng nhân viên, có đến 90% cho biết mức độ tăng sẽ không nhiều. Trong nhiều trường hợp, cái tăng không nhiều trên lại là do việc mở thêm chi nhánh đã được cấp phép từ năm ngoái", bản báo đưa ra nhận định.



Cuộc chiến giành người tài?



Lãnh đạo một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực săn đầu người (chuyên săn nhân tài cho các công ty - PV) xin được giấu danh tính, bật mí: "Thực chất của việc tinh giảm nhân sự trong các ngân hàng là “thay máu” nhân sự. Hay nói cách khác, khi một lãnh đạo mới lên họ bao giờ cũng có chiến lược trong lãnh đạo công ty, đặc biệt là “dụng” người. Điều này không tránh khỏi sẽ phải sa thải hàng loạt nhân viên không phù hợp với chiến lược mới.



Bên cạnh đó, thời điểm ngành ngân hàng đang "hot" sẽ có những nhân viên bằng cửa này hay cửa khác được chiêu nạp không đáp ứng chuyên môn cũng sẽ bị thải loại. Cho nghỉ nhân viên của mình, nhưng sẵn sàng đón nhận nhân viên từ ngân hàng khác chuyển sang, đó là chuyện dễ gặp trong công tác tuyển dụng và điều hành ở các ngân hàng hiện nay".



Vị này cũng không quên đưa ra một ví dụ điển hình đã xảy ra ở một công ty tài chính lớn trong nước. Đó là khi sếp tổng của công ty này chuyển sang một công ty khác, ông không quên lôi theo một bộ máy kế toán 5 người của công ty cũ đầy thân cận đi theo. Điều đó đồng nghĩa bộ máy kế toán của công ty ông mới chuyển đến sẽ phải nghỉ hoặc đảm nhiệm công việc khác. Trong khi đó, công ty cũ lại chật vật tìm người mới, thạo việc và thân cận cho vị trí này.



"Trong thời điểm khó khăn hiện nay, tìm kiếm một người tài, hay đúng hơn là một người làm việc thực sự là điều cực kỳ khó, bởi các công ty, ngân hàng lớn luôn có chính sách ưu đãi giữ chân người tài. Nên bài toán đặt ra không gì hơn là dùng tài chính hấp dẫn để lôi kéo họ. Có doanh nghiệp phải mua những thông tin về mức lương của một người đang muốn thu nạp để đưa ra con số hấp dẫn hơn mời họ", vị này cho hay.




“Ở nhiều chi nhánh cán bộ nhà hàng còn đông hơn khách hàng”



Trong khi đó, ông Trần Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam (một trong những nhà cung cấp dịch vụ nghề nghiệp lớn trên thế giới - PV) chia sẻ trong hội thảo công bố kết quả khảo sát về ngành ngân hàng năm 2013 do công ty tư vấn này thực hiện, cho rằng: Ở nhiều chi nhánh, cán bộ nhà băng còn đông hơn khách hàng. Đó là xu hướng tăng số lượng nhân viên của các ngân hàng Việt Nam là ngược chiều với xu thế của thế giới. Trong khi các ngân hàng quốc tế đang đẩy mạnh các loại dịch vụ không cần cung cấp qua chi nhánh như internet banking, mobile banking,... thì các ngân hàng Việt Nam mới đang loay hoay phát triển sản phẩm và chưa phổ cập được dịch vụ tới đại bộ phận khách hàng. Khi giai đoạn loay hoay này chấm dứt và các dịch vụ trên trở nên phổ biến có lẽ tốc độ mở chi nhánh (và cả số nhân sự tuyển mới) sẽ càng hạn chế.



http://www.nguoiduatin.vn/su-kien-cac-ngan-hang-sa-thai-hang-loat-nhan-su-thay-mau-cu-san-dau-nguoi-moi-a102008.html



Gửi từ ứng dụng Cafe trên iPhone