Hôm qua, sau khi bài báo đăng tải, báo điện tử Người Đưa Tin đã tiếp tục nhận được nhiều đơn tố cáo khác của một số mẹ có con sử dụng thuốc của vị 'thần y' này.


Chớ mua thuốc trên mạng


Với các cơ sở y tế công cộng hay những phòng khám, bệnh viện tư nhân đều có giấy phép hoạt động của các ban nghành y tế, còn với các cơ sở bốc thuốc nhỏ lẻ thì mọc lên như nấm, khó có thể kiểm soát được. Và một thực trạng đang diễn ra, các bà mẹ nuôi con nhỏ hiện đại rất "cả tin" vào những lời đồn thổi trên mạng từ các 'thần y' tứ xứ. Đến lúc xảy ra hậu quả thì họ chẳng biết cầu cứu đến ai.


Tương tự như trường hợp của chị T.P.M ở Hà Nội. Chị M.H ở Hải Phòng cũng gửi đơn tố cáo đến báo điện tử Người Đưa Tin về trường hợp của vị 'thần y' Đặng Hạnh này.





Điều đáng nói, trong cuộc trao đổi nhanh với anh Hạnh, người đàn ông 30 tuổi này luôn khẳng định mình chuyên bốc thuốc từ thiện để cứu người song nhiều khi lại bán thuốc với giá cắt cổ từ 1,5 - 2 triệu đồng cho một liều thuốc sử dụng trong vài ngày (?!).









Đơn tố cáo của một số bà mẹ


Pv đã mang đơn thuốc đến phố Lãn Ông - nơi chuyên bốc, bán thuốc Bắc trứ danh ở Hà Nội để tìm hiểu giá cả. Tại đây, ngoài những phương thuốc bí truyền (gồm một gói thuốc bột và vài viên thuốc được vo lại) do không biết nguyên liệu như thế nào nên tạm thời để đó.


Còn lại, những viên thuốc được gắn mác "Made in China" gồm "lục linh giải độc hoàn", "nhân đơn", cùng một số loại thảo dược như cam thảo, sa sâm... chúng còn có giá chưa tới 200.000 đồng.


Ngay cả vị 'thần y' Đặng Hạnh cũng thừa nhận, chúng có giá như vậy vì tất cả là do "phương thuốc bí truyền".









Tiếp tục một đơn tố cáo khác


Quay trở lại những đơn tố cáo của những bà mẹ cả tin vào những lời đồn thổi trên mạng. Thời điểm hiện tại, đã có ít nhất có 4 bà mẹ đâm đơn tố cáo lên báo Người Đưa Tin. Có những mẹ ở Hà Nội, cũng có những mẹ ở xa hơn như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định,.... nhưng các mẹ có một đặc điểm chung là "mua bán trên mạng". Mọi giao dịch mua bán đều thông qua mạng xã hội, điện thoại. Cũng có một số ít đến trực tiếp để mua tại nhà.


Phương thức mua bán rất đơn giản, chỉ cần "alo" điện thoại hay inbox facebook để thống nhất giá bán, giao dịch. Sau đó, các bà mẹ chuyển tiền vào tài khoản của vị 'thần y' này. Đặng Hạnh sẽ gửi thuốc qua đường dịch vụ và nhắc nhở cẩn thận "trước khi sử dụng thì gọi điện để nhắc nhở".


Trẻ được "khuyến mãi" thêm bệnh sau khi sử dụng thuốc


Theo đơn tố cáo của chị P.T.H ở Hải Phòng cho biết con mình bị ho nhiều ngày không khỏi, uống thuốc Tây vào cũng chỉ khỏi được một thời gian xong tái phát: "Sau khi sử dụng thuốc được 5 ngày thì thấy con không còn sổ mũi nhưng ho về đêm và rạng sáng. Tôi gọi điện cho anh Đặng Hạnh để hỏi thì anh này bảo sẽ gửi thêm thuốc cho tôi vì con tôi uống kháng sinh lâu rồi.


Nhưng vẫn hành trình uống thuốc như vậy, con tôi vẫn ho về đêm. Tôi lại gọi điện và được anh nói lại rằng: "Con em phải uống thuốc bột mới khỏi". Tôi lại chờ xem anh có cho thêm thuốc bột không. Và một vài lí do nào đó, anh đồng ý cho tôi kèm theo những gói thuốc như trước....".


Chị T.H cũng cho biết, sau khi sử dụng liều thuốc này, con chị gần như ít ho hơn trước. Nhưng chỉ sau 3 ngày con chị lại tái phát. Song chị cũng chỉ nghĩ rằng con mình không hợp thuốc. Chị T.H có nhắn tin hỏi anh Hạnh thì được vị 'thần y' này cho "một bài ca không quên"?!









Cận cảnh phương thuốc bí truyền của vị thần y Đặng Hạnh


Cùng chung "số phận" với chị T.H ở Hải Phòng. Một bà mẹ khác ở Nam Định cũng phàn nàn rằng, con chị bị viêm phế quản uống thuốc thì chẳng khỏi nhưng lại được "khuyến mại" thêm bệnh. Đơn cử, con của bà mẹ ở Nam Định này mắc phải chứng tiểu nhiều lần, đi tiểu không kiểm soát được bản thân. Khi ngủ hay bị giật mình và kem theo, ho, sốt,...


Chị T.P ở Hà Nội cũng có con mới 27 tháng tuổi thì bị mắc bệnh hen xuyễn. Sau khi tin lời quảng cáo trên mạng, chị có mua thuốc của anh Hạnh về sử dụng vào đầu năm 2016, thì cũng xảy ra tình trạng tương tự.


Thậm chí trong đơn tố cáo của mình, chị T.P còn khẳng định lại lời của anh Đặng Hạnh: "Thuốc của anh là thứ thuốc tốt nhất. Không chữa được ở đây thì chằng ở đâu chữa được (?!). Nhiều bà mẹ tỏ ra lo lắng trước tình hình sức khỏe của con mình, tuy nhiên, khi "chuyện đã rồi", các mẹ lại nháo nhào tự trách bản thân khi đưa con mình vào "vòng nguy hiểm". Liên hệ trực tiếp với chị T.P, chị này thừa nhận: "Không có cái dại nào như cái dại này".


Vì các triệu chứng mà bé mắc phải không đến nỗi trầm trọng và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến con nên nhiều bà mẹ quyết định cho con ở nhà tiếp tục theo dõi tiếp mà không đưa tới các bệnh viện chuyên nghành để kiểm tra.Thậm chí có mẹ còn tiếp tục tin lời trên mạng từ một vị "thần y" khác cho con sử dụng.


Chúng tôi đem thắc mắc đến hỏi Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y - bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ Khánh Toàn cho biết: "Nhiều phương thuốc bí truyền được tán nhuyễn rất khó có thể nhận biết được nguyên liệu cấu thành. Nên cần xét nghiệm xem thuốc đó có những thứ gì thì mới có thể kết luận được.


Tuy nhiên, có nhiều vị lang y nói thuốc này tên là gì thì người sử dụng cũng phải tin vì thuốc đông y thường không có nhãn mác".


Chúng tôi sẽ còn tiếp tục vụ việc ngay sau khi xét nghiệm xong đơn thuốc của 'thần y' Đặng Hạnh.