Tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ rời xa sân khấu lớn khiến nhiều người hâm mộ bâng khuâng. Sự đóng góp lặng lẽ mà đầy trách nhiệm, với ước vọng vun đắp cho một nền ca khúc Việt có chiều sâu hơn của ông đã được “đền đáp” bằng một cuộc chia tay đơn giản.


Ông như bị trúng tên sau vụ “công kích” của Đàm Vĩnh Hưng vì những lời nói thẳng. Rút lui bởi tuổi cao sức yếu, không thể phục vụ công chúng nữa, cũng có nghĩa là về “ẩn náu” trong tiếng đàn dương cầm dành cho riêng một cõi. Hình ảnh của ông đọng lại - đó là một nghệ sĩ tài năng, chân thật, thẳng thắn, luôn trải lòng ra với mọi người, cho dù đôi khi dư chấn để lại sau phút trải lòng ấy thật cay đắng.


Thưa nhạc sĩ, cái tên bài hát “Tình yêu đến không giã từ” liệu có nói lên tâm trạng tiếc nuối của ông bây giờ - dù tình yêu âm nhạc thì không cần lời chia tay?


- Tôi sẽ không xuất hiện ở những sân khấu lớn nữa mà chỉ lui về những nơi thân quen và chơi nhạc với cây đàn cũ của mình. Chứ không phải là giã từ âm nhạc đâu. Ai đó nói như vậy là không đúng. Thế nên không có gì mà phải tiếc nuối nhiều quá.


Cây đàn piano cũ ấy đã gắn bó với ông bao nhiêu năm rồi?


- Nhiều lắm, từ bao giờ tôi cũng không nhớ nữa. Nhưng đó như là người thân của tôi.


Có một người con gái đã đặt nghệ danh “Nguyễn Ánh 9” cho người nhạc công trẻ thuở xưa. Ca khúc “Cho người tình xa” liệu có phải viết về mối tình đầu của ông với cô ấy? Đến nay người đó có còn hồi âm với ông không?


- Đến nay thì không hồi âm gì nữa. Nhưng chuyện đời tư xin cho tôi giữ lại. Nên nhớ rằng dù là cho tình xa, tình gần, tình lỡ, thì cũng đâu phải viết riêng cho một mình ai. Đó chỉ là câu chuyện tình, thêu dệt để mình viết ra, mà quan trọng là viết bằng trái tim, bằng cảm xúc của chính mình. Điều đó cũng giống như nhà văn viết một tác phẩm hay, thi sĩ sáng tác được một bài thơ tuyệt tác, hay họa sĩ vẽ được bức tranh đẹp vậy. Không bắt buộc họ phải ở tại nơi đó, mà chính là sức sáng tạo, sức tưởng tượng phong phú đã đẩy họ thăng hoa, viết, vẽ nên tâm tư của những người đang trong hoàn cảnh như thế.


Nhưng còn phải kể đến tài năng nữa chứ…


- Ừ thì trời đất phú cho tôi bài đó. Tôi viết thật xúc động, những gì mình tưởng tượng, mình sống trong cốt truyện đó, diễn tả cái đau, cái buồn đó - như mình đã trải qua.


Chia tay sân khấu lớn, liệu ông có điều gì nhắn nhủ với các nhạc sĩ trẻ bây giờ?


- Những nhạc sĩ bây giờ nên viết với một tâm hồn xúc cảm thực sự. Cái cần nhất, nôm na là sự tử tế. Bởi những gì viết ra đều gắn với tên tuổi, gắn với bài hát, bài hát sống mãi thì tên mình sẽ sống. Người đời nhắc đến tên mình thì họ có cái gì để nhớ. Muốn vậy, mình hãy sống thật, viết từ những gì trái tim cảm nhận, đứng ở vai của người trong cuộc.


Mình thấy một cốt truyện phim hay thì ghi lại bằng âm nhạc, đọc thấy một cuốn sách hay, một chuyện tình đẹp thì ghi lại bằng xúc cảm. Đừng thêm mắm thêm muối vào thành quá mặn, không còn vị đẹp. Sống ở đời ai mà không cần “có thực mới vực được đạo”, nhưng viết những bài theo đơn đặt hàng thì cũng phải chăm sóc nó như đứa con tinh thần thực thụ của mình, đừng viết như trả nợ hay để cho xong.


Ông đánh giá cao những nhạc sĩ nào?


- Thường thì những nhạc sĩ viết tình ca đều có 1-2 bài nhẹ nhàng, hay. Có nhiều nhạc sĩ tôi thích. Nhưng nếu nói thích nhất, thì đó là hai cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Hai tên tuổi này tuy không quá đại chúng, nhưng họ viết rất thật, rất dễ thương. Ngoài ra, còn có các nhạc sĩ đã thành tài, những nhạc sĩ lớn tuổi, như Nguyễn Văn Khánh có “Nỗi lòng”, Nguyễn Văn Thương có “Đêm đông”… là những bài để đời, lúc nào cũng còn giá trị nghệ thuật.


Cũng có những người tôi quý nhưng lại không thích nhạc của họ lắm, như Phạm Duy, Văn Cao. Nhạc Trịnh Công Sơn thì tôi thích vài bài, như “Tình sầu”, “Cuối cùng cho một tình yêu”… Nhìn chung, tôi thích những bài lãng đãng, nhẹ nhàng.


Ca khúc “Không” được nhiều thế hệ ca sĩ hát thành công, có phải thoạt tiên ông viết cho Khánh Ly hát?


- Bài hát ấy tôi viết trong một phút bốc đồng, không hiểu tại sao lại nổi tiếng. Khánh Ly là người đầu tiên hát bài đó, chứ không phải là tôi viết cho Khánh Ly hát đâu.


Nếu nói về giọng hát Khánh Ly, thì hầu như cô ấy hát nhạc Trịnh hợp nhất thôi. Khánh Ly quen với cách xử lý nhạc Trịnh. Mỗi lần Trịnh Công Sơn có ca khúc mới là đưa cô ấy hát đầu tiên. Cô ấy chuyển tải được điều Trịnh Công Sơn muốn nói.


Nhưng không phải bài nào Khánh Ly hát cũng hay đâu. Những bài du ca cô ấy hát hay nhất.


Trịnh Công Sơn là một hiện tượng lạ của VN. Không thể có một Trịnh Công Sơn thứ hai. Như đã nói, đừng nói bài này chỉ dành cho ca sĩ này vì họ hát hợp nhất. Mỗi ca sĩ vẫn có thể hát 1-2 bài nhạc Trịnh hay. Chẳng hạn, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh có những bài rất hợp.


Âm nhạc của tôi cũng vậy, không bắt buộc phải là ngôi sao mới hát hay. Ngược lại, có khi ca sĩ nghiệp dư mà hát hay hơn. Ăn thua là có cảm xúc, có cảm nhận riêng. Mà thôi, tôi không muốn đả động đến ai nữa hết. Người ta hỏi thì tôi nói, nhưng giờ thì sợ, không dám phê phán nữa. Vì nói gì cũng vô ích, mà lại mang phiền toái, quấy nhiễu đến cho mình.


Hẳn sẽ có rất nhiều khán giả nhớ Nguyễn Ánh 9…


- Tôi xin cảm ơn những người đã yêu thương tôi, đã có những chia sẻ, đồng cảm với tôi, mong tôi giữ sức khỏe, đừng buồn. Rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn gửi đến, thể hiện tình cảm cũng như an ủi tôi rất nhiều. Không cảm ơn được khán giả thì tôi thấy áy náy lắm. Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả và xin cho tôi hai chữ bình an.


Xin cảm ơn nhạc sĩ.


http://laodong.com.vn/Am-nhac/Nhac-si-Nguyen-Anh-9-Cai-can-nhat-nom-na-la-su-tu-te/136765.bld