“Họ là những người thầy của chúng tôi” - thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó trưởng Bộ môn giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội - trang trọng nói vậy khi đưa chúng tôi vào phòng trưng bày của Viện Giải phẫu nằm trên đường Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), chứng kiến buổi học ngày 24.4 của sinh viên năm thứ nhất thực hành trên xác người đã hiến cho y học.


Quà tặng cho sự sống


Thi hài ông Nguyễn Văn Nam được chuyển về Trường Đại học Y - dược TP.Hồ Chí Minh.



Đám tang không có quan tài


Sáng 21.4, trên QL50 đoạn từ thị trấn Cần Đước, tỉnh Long An đến nghĩa trang liệt sĩ huyện có một đám đưa tang khá đặc biệt. Đoàn người kéo dài tiễn đưa ông Nguyễn Văn Nam (tên thường gọi Sáu Nam) - nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học huyện - về nơi an nghỉ cuối cùng. Thế nhưng đám tang với nghi lễ trang nghiêm, xúc động ấy không có quan tài. Người thân tiễn đưa linh vị người quá cố đến một huyệt mộ tượng trưng trong nghĩa trang, bởi ông đã hiến cơ thể mình cho ngành y.


Sáng sớm 19.4, khi những người hàng xóm còn chưa kịp hay tin ông Sáu Nam qua đời, xe chuyên dùng của Trường ĐH Y dược TPHCM đã đến đón nhận thi thể ông tại gia đình. Thi hài ông được cho vào chiếc hòm kim loại chuyên dùng, bên ngoài phủ vải đỏ với dòng chữ “Quà tặng cho sự sống” và đưa ngay về TPHCM. Những người con của ông đã tiễn đưa cha đến tận phòng “xử lý xác” của trường. Sau nghi thức trang trọng tri ân người hiến xác, họ lại vội vã quay về Cần Đước để tổ chức đám tang cho cha.


Đồng nghiệp của chúng tôi - nhà báo Nguyễn Phấn Đấu cho hay, khi biết mình không cưỡng được mệnh trời, cha tôi đã thều thào căn dặn các con phải tôn trọng 2 ý nguyện cuối đời của ông. Thứ nhất, hiến xác của ông cho các sinh viên nghiên cứu, thực tập để nâng cao kiến thức, tay nghề hòng trị bệnh cứu người được tốt hơn. Thứ hai, đám tang không nhận phúng điếu, lễ vật; nếu các tập thể muốn phúng viếng tràng hoa, hãy thông báo cho họ dùng số tiền mua hoa để ủng hộ quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo huyện Cần Đước.


Không chỉ căn dặn các con, ông còn cho gọi những người có trách nhiệm ở huyện Cần Đước đến để cam kết thực hiện đúng ý nguyện của ông. Ông đã nhẹ nhàng, thanh thản ra đi ở tuổi 88, vào lúc 21h50 ngày 18.4, trong vòng tay của gia đình, đồng chí. Trong khi cả gia đình khóc thương người thân, một người con của ông đã gạt nước mắt điện thoại cho Trường Đại học Y - dược TPHCM để thực hiện đúng ý nguyện của cha.


Các con ông vẫn còn nhớ vào sáng một ngày mùng 1 tết, khi Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Đước đến chúc tết, lúc đó có đủ con cháu trong gia đình, ông đã bất ngờ chuyển nội dung cuộc gặp mặt sang một vấn đề mà không ai ngờ. Với nét mặt trầm tư, ông trang trọng thông báo với mọi người là ông đã quyết định hiến xác cho khoa học sau khi qua đời. Ông đề nghị tổ chức và gia đình cam kết tôn trọng nguyện vọng cuối đời của mình, sau này khi ông ra đi không ai bàn cãi gì thêm nữa.


Sau khi trình bày ý nguyện của mình, ông mở bao thơ lấy ra giấy hiến xác mà ông đã âm thầm chuẩn bị hoàn chỉnh. Những người có mặt đã lặng đi vì xúc động khi ông đọc đến dòng chữ: “...Khi nhà trường sử dụng xong cho công tác giảng dạy, xin hỏa táng hài cốt và gửi tro về cho gia đình tôi...”.


Chúng tôi hỏi: “Dù đó là ý nguyện của cụ, nhưng gia đình anh chắc cũng phải trăn trở ?”. Anh nghẹn ngào: “Dù có đồng tình hay không thì cũng không ai nỡ phản bác lại nguyện vọng cao cả ấy. Về lý do hiến xác, ông nói rất ngắn gọn là để “trả nợ cho đời”. Ông cho biết, mình mắc nợ cuộc đời rất nhiều, cho tới chết vẫn chưa trả xong, nên sau khi chết vẫn phải tiếp tục trả.


Món “nợ” bắt đầu từ những ngày thu tháng tám, khi ông cùng nhiều chàng trai trong làng tay cầm tầm vông hát vang bài ca “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”. Trong hai cuộc kháng chiến, đã có gần 1.000 chàng trai, cô gái anh dũng của huyện Cần Đước theo ông đi chiến đấu cứu nước, bảo vệ quê hương. Khoảng 3/4 trong số họ đã không thấy được ngày toàn thắng. Cha mẹ, vợ con của không ít người trong họ đã phải sống nghèo khó, thất học, chịu thiệt thòi... Đó là món nợ lớn nhất của cuộc đời mà khi còn làm việc, hay đã về hưu, cũng như ngay cả khi đã nhắm mắt, ông cố trả được càng nhiều càng tốt.


Việc ông hiến xác cho các sinh viên có thêm điều kiện thực tập, rèn luyện tay nghề để trở thành những bác sĩ giỏi cứu người là để trả món nợ đó. Việc ông muốn để lại một quỹ khuyến học để giúp những học sinh nghèo trong huyện có điều kiện học tập cũng là để trả món nợ ân tình đó.


Ông không dám nhận thân xác của mình là “quà tặng cho sự sống”, mà việc ông hiến xác chỉ là trả nợ cuộc đời. Số tiền 137 triệu đồng “tràng hoa, trái cây” trong đám tang của ông Sáu Nam đã được san sẻ cho nhiều chi hội khuyến học cấp ấp, cấp xã, thị trấn và Hội Khuyến học huyện Cần Đước, cũng là món nợ cuộc đời ông trả chưa xong!



Sinh viên thực hành tại Viện Giải phẫu. Ảnh: Trung Ngôn - Giang Huy



Người thầy không đứng trên bục giảng


Kể lại câu chuyện ông Sáu Nam hiến xác với ThS - BS Nguyễn Đức Nghĩa và nói rằng không biết đến cái ngày về với tổ tiên, chúng tôi có thực hiện được nghĩa cử như cụ Sáu Nam, như chị Phượng - vợ nhà báo Chánh Trinh, như VĐV xe đạp Đỗ Xuân Tâm... và như những người đang ngâm mình trong bể phoócmôn tại Viện Giải phẫu, vị BS còn khá trẻ cười buồn thay cho câu trả lời.


BS Nghĩa cho biết, số lượng đơn xin hiến thì nhiều, khoảng hơn 300 đơn, nhưng số người thực sự hiến thì quá ít. Năm - sáu năm nay chỉ tiếp nhận được 5 người. Người hiến càng ít, sinh viên lại càng phải học chay trên mô hình với môn giải phẫu - môn khởi nghiệp của những người lựa chọn nghề cứu người. Hiện nay tại Trường ĐH Y Hà Nội, 1.000 SV được thực hành trên có 2 xác người. BS Nghĩa dẫn tôi đến nơi “yên nghỉ” của một chàng trai trẻ người Nam Định. Đi du học ở Mỹ, nhưng anh biết mình lâm bệnh nặng nên có nguyện vọng được hiến xác cho ngành y. BS Nghĩa nói: “Thi hài của anh chúng tôi vẫn đang để “dành” dù đã hiến được 3 năm rồi”.


So với Trường ĐH Y Hà Nội thì tại Trường ĐH Y - dược TPHCM và ĐH Phạm Ngọc Thạch có phần “dồi dào” hơn về nguồn hiến xác. ThS - BS Trang Ngọc Khôi - giảng viên ĐH Y - dược TPHCM - cho hay, hiện có khoảng 17.000 hồ sơ đăng ký hiến, đã tiếp nhận được 477 người. Và người thứ 477 là cụ Sáu Nam - cha của nhà báo Nguyễn Phấn Đấu. ĐH Phạm Ngọc Thạch hiện nhận được 3.293 hồ sơ xin hiến, số xác nhận được là 20. Riêng Trường ĐH Y - dược Huế thì chưa nhận được xác người hiến, mới chỉ nhận được 5 hồ sơ. GS - TS Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y - dược Huế - không giấu nổi sự buồn bã vì SV trường ông vẫn phải học trên những xác có từ mấy chục năm rồi. Theo ThS - BS Nguyễn Đức Nghĩa thì mỗi xác người, SV chỉ học được tối đa trong 1 năm vì bị biến dạng, nhưng dẫu sao vẫn còn hơn là học chay trên mô hình.


Nhà nghiên cứu văn hóa Huế - ông Hồ Tấn Phan cho hay, sở dĩ người dân nói chung không mặn mà lắm với chuyện hiến xác cho y học là do tập quán và văn hóa tâm linh vì “chết không được toàn thây”. Thầy Quán Như - nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Phật học Viên Quang - trong bài viết “Dâng tặng thân xác cho đời” đã lý giải dưới góc nhìn Phật giáo của pháp sư Huệ Mẫn: Chúng ta phải thừa nhận rằng bất cứ vật gì trong vũ trụ này đều không thuộc quyền sở hữu của ta. Ngay cả thân thể này cũng vậy, nó chỉ là tạm thuê, khi đến kỳ hạn thì phải hoàn trả. Nhưng chúng ta thường cho rằng ở lâu thì “ăn mày đuổi thần miếu” và lấy đó làm của mình, giống như Phật giáo gọi đó là “chấp ngã”, thật ra thân thể này không phải là của ta. Do đó, “hiến tặng thân xác” kỳ thật là “hoàn trả thân xác”. Vì thân “tứ đại” là của tự nhiên, chúng ta chỉ tạm thời bảo quản có thời hạn. Bảo quản lâu rồi thì lại muốn chiếm làm của riêng, giống như “khách trọ giành quyền làm chủ”. Còn cha mẹ của VĐV Đỗ Xuân Tâm thì: “Con tôi vẫn còn nguyên tại Trường ĐH Y - dược, lâu lâu nhớ con lại vô thăm và vẫn thấy con còn đó”.


Bài 2: Ba đời làm nghề bảo quản xác


Lê Huân - Trung Ngôn - Hoàng Văn Minh


http://laodong.com.vn/Phong-su/Qua-tang-cho-su-song/61688.bld