Người Việt với hội chứng tình yêu hàng hiệu



(VnMedia) - Kinh tế Việt Nam nhiều năm gần đây liên tục đạt mức tăng trưởng cao, kéo theo đó là sức tiêu thụ hàng hóa cao cấp cũng tăng nhanh không ngừng. Các thành phố lớn ở Việt Nam đang được coi là một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ đổ bộ.


Chiếc điện thoại giá… 720 triệu đồng


Dù giá cả hàng hóa leo thang khiến nhiều người dân phải tiết kiệm chi tiêu nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ người Việt dường như không bị cơn bão giá tác động.


Một năm trước đây, bộ sưu tập xe sang của đại gia lừng lẫy phố núi xuất hiện trên báo chí nước ngoài đã từng gây xôn xao dư luận. Nhưng thực ra cũng không phải là chuyện khó nếu muốn ngắm tận mắt những chiếc xe đó trên đường phố Hà Nội.


Một người bạn nhiều năm sống ở nước ngoài thốt lên với tôi :”Ở nước ngoài, nhìn thấy một chiếc xe hạng sang cỡ vài trăm ngìn USD trên đường phố là chuyện khá hiếm. Vậy mà ở Việt Nam, Bentley chạy ngoài đường nhiều như… lợn con”. Trước đây, mỗi lần một chiếc siêu xe cập cảng lại gây xôn xao báo giới thì nay những thông tin như vậy đã ít dần bởi đã bão hòa. Dạo quanh khu vực Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, những chiếc xe thương hiệu xe nổi tiếng như Bentley, Aston Martin, Phantom… lượn “vè vè”, sánh vai cùng những chiếc xe xích lô hàng ngày chở khách du lịch dạo phố cổ.


Chiếc xe Bentley trị giá cả triệu đô không phải hiếm trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Thọ


Rời khỏi phố xá, bước chân vào khu mua sắm của khách sạn Metropole, các cửa hàng lộng lẫy với đủ loại thương hiệu nổi tiếng thế giới nằm chen chúc cạnh nhau trong một không gian khá chật hẹp. Từ Hermes, Cartier, Louis Vuitton, Salvatore Ferregamo, Bally, cho đến Rolex, Vertu..., có cửa hàng chỉ vẻn vẹn 10m2. Tuy nhiên, không vì chật hẹp mà lượng khách đến mua sắm ít đi. Được biết, doanh số của các cửa hàng tại đây đều có sự tăng trưởng ấn tượng qua mỗi năm. Tuy lượng khách vào ra tại đây không tấp nập ồn ào như ở các trung tâm mua sắm thông thường, tuy nhiên nếu nói về doanh số, so với các trung tâm rộng hàng chục ngàn m2, thật khó có thể biết ai hơn ai.



Một nhân viên cửa hàng Louis Vuitton cho biết, những hóa đơn mua túi xách, ví, đồ phụ kiện trên 10.000 USD là chuyện… thường ngày. Được biết, thương hiệu được mệnh danh là niềm “đam mê” của các bà các cô mỗi năm lại đều đặn tăng giá 5 – 6% và chưa bao giờ có chuyện giảm giá cho bất kỳ dịp nào, bất kỳ món hàng nào. Còn tại cửa hàng Hermes, mặc dù đây là thương hiệu nổi tiếng với những chiếc túi Birkin, Kelly... đã đi vào huyền thoại, nhưng túi xách bày bán hầu như không có. Nguyên nhân được cho biết là… không đủ để bán, người có nhu cầu thường phải đặt trước hàng tháng trời mới nhận được chiếc túi yêu thích của mình, với giá thông thường từ 10.000 USD trở lên.



Tại hai cửa hàng Rolex nằm ở vị trí khá khuất nẻo, chúng tôi thấy chứng kiến một khách hàng người Việt vào chọn mua một chiếc đồng hồ Rolex giá 12.000 USD, trả bằng tiền mặt. Chưa hết, tại cửa hàng Vertu cạnh đó, một khách hàng khác mua chiếc điện thoại Vertu giá... 720 triệu đồng. Được biết, các khách hàng mua sắm tại đây chủ yếu là người Việt và thường trả hoàn toàn bằng tiền mặt.


Hóa đơn mua chiếc điện thoại trị giá 720 triệu đồng tại cửa hàng Vertu ngày 29/4/2011. Ảnh: VnMedia


Sang phía bên kia đường, tại vị trí trước kia là cửa hàng đồ… tầm tầm Espirit nay đã được thay thế bằng thương hiệu Gucci hoành tráng với không gian rộng lớn hơn hẳn. Bên cạnh đó, một loạt các cửa hàng mới đang mọc lên. Cửa hàng Luala vừa mới khai trương hoàng tráng cách đây nửa tháng là một sưu tập chọn lọc từ hơn 20 thương hiệu cao cấp như Manolo Blahik,Tom Ford, Vera Wang, Missoni, Alexander Wang, Nina Ricci... Cách đó không xa, cạnh của hàng Escada là tấm biển Valentino coming soon, nơi các công nhân xây dựng hối hả chuẩn bị cho việc khai trương cửa hàng.


"Tình yêu hàng hiệu" ngày càng tăng


Nhưng chừng đó vẫn không đủ cho cơn khát hàng hiệu, các bà các cô vẫn rỉ tai nhau về các chuyến đi mua sắm hàng hiệu tại châu Âu, nơi được là “rẻ nhất” để mua hàng cao cấp, đặc biệt với việc hoàn thuế 7 – 10% cho khách du lịch. Và có cung lập tức có cầu, chỉ bằng vài chữ tìm kiếm trên Google, bạn có thể tìm thấy hàng loạt người tự nhận là tiếp viên hàng không, hoặc người nhà là tiếp viên hàng không có thể nhận mua đồ hiệu theo đơn đặt hàng, với điều kiện đặt trước 50% hoặc 100% số tiền.


Đây là con đường đưa không ít hàng hóa cao cấp vào Việt Nam sau mỗi chuyến bay. Sức mua của những khách du lịch kiểu này lớn đến nỗi, cách đây vài năm, các cửa hiệu Louis Vuitton tại Pháp đã ra chính sách, mỗi khách du lịch, tương ứng với mỗi visa chỉ được mua một món đồ tại một cửa hàng. Quy định này chủ yếu nhằm vào khách du lịch châu Á, nơi thuế đánh vào hàng xa xỉ cao và người dân đặc biệt yêu thích hàng hiệu.


Những cô bé, cậu bé nghỉ chân trước cửa hiệu Gucci trên phố Lý Thái Tổ ngày 16/4. Ảnh: V.M


Trong cuốn sách “The cult of the luxury brand” (dịch ở Việt Nam với cái tên Tình yêu hàng hiệu), hai tác giả Radha Chadha, Paul Husband đã cho biết châu Á là nơi chiếm một nửa doanh số của toàn ngành công nghiệp hàng hiệu trị giá 80 tỷ USD (số liệu năm 2006). Không ở nơi nào khác trên thế giới, hàng hiệu lại có sức mạnh lớn như ở châu Á, nơi trang phục nói rất nhiều điều về bản thân bạn.


Đương nhiên, người Việt Nam cũng không nằm ngoài đánh giá này. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng năm, số lượng hàng hóa cao cấp về Việt Nam, số lượng hãng tham gia thị trường Việt Nam sẽ ngày một nhiều lên. Đây chính là một yếu tố không nhỏ làm chỉ số nhập siêu của Việt Nam tăng đều hàng năm cho dù Nhà nước đã điều chỉnh bằng nhiều biện pháp. Cơn sốt hàng hiệu đang đặt ra một bài toán khó đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đó là: Làm sao để hạn chế nhập siêu và làm sao để người Việt yêu chuộng hàng Việt.



http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=222499&catid=26