Chuyến bay Tiger Airways hạ cánh xuống nhà ga Singapore trong mưa tầm tã, ngay dưới chân thang máy bay đã có nhân viên nhanh tay xoè dù trao từng khách. Lên xe buýt vào trung tâm, thấy ngay bảng thông báo: từ ngày 8.10.2011, giá cước vận tải công cộng ở Singapore tăng 2 xu một chuyến. Tự nhiên tôi thấy dễ chịu, vẫn là sự minh bạch và tiện lợi cố hữu ở đây.


Tôi ngồi trước Singapore Post Centre chờ anh bạn người bản xứ Leung Teng Wui đón đi uống trà chiều. Mùi thức ăn toả ra từ mấy tiệm sủi cảo chiên có bảng hiệu: “Đã ở đây 26 năm” làm quên đi cảm giác khá ngột ngạt do khói bụi cháy rừng bay từ Indonesia tới. Dân Singapore không thích phải đi bộ vất vả, nên dưới tầng hầm và chung quanh các toà nhà văn phòng đều đầy các quầy hàng ăn.



Công viên cây nhân tạo và nhà kính đang được xây dựng ở Marine Bay Sands.


Dung hoà mọi nhu cầu hợp lý


Wui chở tôi luồn lách qua những đoạn đường đang được mở từ phía đông xuống phía nam của Singapore, qua khu phức hợp thể thao khổng lồ ở Kallang, nơi việc xây cất bị gián đoạn bởi suy thoái kinh tế, nay lại nhộn nhịp công trường. Xuống phía nam gần vịnh Marina South, cách đây 18 năm còn là rừng cây rậm rạp vắng hoe, nay sừng sững mấy toà Marina Bay Sands và khu công viên lớn Garden by the Bay hoành tráng, nghe đâu vốn đầu tư trên 1 tỉ đôla Singapore. Quốc đảo này thay đổi từng ngày… Wui bảo, hồi mới học ở Mỹ về, anh phải làm quen với việc lái bên trái đường, với bí quyết: không bao giờ được phỏng đoán bất cứ chuyện gì trên đường, luôn luôn nhìn về phía trước xem các xe khác chạy như thế nào để không rẽ ngược.


Khi nghe tôi nói về chuyện mình dự định sẽ đi lại bằng các phương tiện công cộng để tiết kiệm và bảo vệ môi trường, Wui gật gù tán thành: “Đúng rồi, chúng ta phải bắt tiền bạc nó làm việc cật lực hơn cho mình chứ!” Tốt nghiệp thủ khoa khoa kiến trúc đại học Quốc gia Singapore, nhận học bổng chính phủ sang học và tốt nghiệp hạng ưu thạc sĩ quản lý quy hoạch ở đại học Harvard, Wui có khả năng diễn đạt khúc chiết về mọi vấn đề và thái độ lạc quan trong bất kỳ tình huống nào. Ngoài ra, anh cũng giống như những người Singapore khác, luôn luôn ngó nghiêng tìm thang máy mặc dù cầu thang bộ ở ngay trước mắt. Nhận xét một cách ghen tị thì người Singapore có vẻ lười, lúc nào cũng muốn sự tiện lợi. Và họ có lối tư duy “luôn là nhất” nên mới bỏ cả tỉ đô ra làm cái công viên 101 ha ngay trong lòng đô thị mới Marina South. Bỏ ngần ấy tiền để làm các nhà lạnh trồng cây mang từ khắp nơi trên thế giới về, và mấy cái cây giả khổng lồ thật là tốn kém. Song nhiều khi để cạnh tranh tạo khác biệt, người ta phải đầu tư lớn. Sẽ có lợi ích lâu dài, cho sự phát triển du lịch chẳng hạn.


“Tôi công nhận là có thể nói hơi ngoa ngoắt là chúng tôi lười, nói rộng lượng hơn là chúng tôi thích sự tiện lợi”. Wui bày tỏ thêm: Dù sao thì những chính sách công cộng phải quan tâm đến cái sự lười ấy mới có thể đem lại tiện lợi tối đa cho cộng đồng. “Và chính sách công cộng nói chung phải tính đến những nhu cầu bình thường nhất của người dân”. Chúng chỉ trở thành tối ưu khi có thể dung hoà mọi nhu cầu một cách hợp lý nhất và phải có khả năng thực thi cao.


Chịu đựng để được hạnh phúc


Leung Teng Wui biểu lộ quan điểm rằng, từng cá nhân có nhiều nhu cầu: tiền và phúc lợi, thời gian, sự tiện lợi, sức khoẻ, v.v. Cộng đồng lại có lợi ích chung: như giảm thiểu nạn kẹt xe, tăng diện tích cây xanh và các tiện ích giải trí công cộng, tăng giường bệnh viện, tăng thị phần phương tiện giao thông công cộng. Chính sách công cộng chỉ hữu hiệu khi làm cho các nhu cầu cá nhân – đôi khi mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng – trở nên có giá. Và để đạt được những nhu cầu đó thì cá nhân phải trả tiền. Làm như vậy thì bao giờ cũng giảm thiểu được lực cản của các lợi ích cá nhân trong việc thực thi các chính sách công cộng.


Chính phủ Singapore đã sớm nhận ra rằng tỷ lệ diện tích đường giao thông của họ chiếm 12% diện tích toàn đảo quốc, tức cao hơn mức lý tưởng 9% trên thế giới. Phải giữ nguyên diện tích đường, mà dân ai cũng muốn có xe riêng. Không thể bắt dân không mua xe nếu người ta có tiền, nhưng sẽ hạn chế việc này rất nhiều nếu làm cho nó trở nên đắt đỏ. Thuế nhập khẩu xe hơi cao (31%), phí đăng ký (100 – 5.000 đôla Singapore), thuế tiêu thụ đặc biệt gắt gao (140% giá thị trường), rồi giấy chứng nhận quyền lăn bánh COE khắt khe (giá cao, khấu hao cao, không chuyển nhượng giữa các xe, thấp nhất là 35.000 đôla Singapore). Số người cắn răng chi cho việc có xe riêng sẽ giảm đi đáng kể. Để giảm hơn nữa số xe chạy trên đường, chính phủ còn ban hành loại cho xe chạy cuối tuần rẻ hơn.


Leung Teng Wui nói vui: “Chính phủ nước tôi áp dụng chính sách “ai ai cũng phải chịu đựng” (equal misery), khi chưa thể làm được chuyện “ai ai cũng được hạnh phúc” (equal happiness)”. Song có lẽ đây là một sự chịu đựng hạnh phúc, khi cộng đồng đạt được lợi ích cao nhất.


Chúng tôi ghé một tiệm càphê ở Marina Barrage (Đê Biển) trong buổi chiều. Đây là công trình rất tâm huyết của lãnh tụ Lý Quang Diệu. Khi còn làm thủ tướng, ông đã chỉ đạo kế hoạch này từ cách đây hơn 20 năm, nhằm xây dựng một đập ngăn nước mặn, chống lụt lội và trữ nước công nghiệp. Song vì chi phí quá lớn và kỹ thuật quá phức tạp, thành tựu kỹ nghệ lớn này mới được hoàn tất vào cuối năm 2009. Đập tạo nên một hồ nước nhân tạo lớn nhất Singapore, với độ mặn không ngừng được giảm đi do hứng một lượng lớn nước mưa, và do đập chỉ được mở ra khi có mưa lớn. Phía xa xa là những cần cẩu sơn đủ màu sắc. Trên cao là những cánh diều của học sinh vừa đến đây học ngoại khoá về kỹ thuật, vừa vui chơi.


Không, người Singapore không lười nhác. Họ biết tính toán nhưng mơ mộng, cần mẫn nhưng biết hưởng thụ, hơi cứng nhắc nhưng cũng có đầu óc nghệ thuật khiến chúng ta không khỏi ngưỡng mộ.


http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/154285/Nguoi-Singapore-co%E2%80%A6-luoi.html