Ngột ngạt ở chung với đại gia đình chồng


Sau gần chục năm ở cùng gia đình tứ đại đồng đường nhà chồng, chị Duyên (Tây Hồ, Hà Nội) cảm thấy mình như một người khác.


Chị Duyên kể, gia đình chồng chị nổi tiếng khắp làng vì nề nếp, gia phong. Ngày đầu về làm dâu, chị đã sợ "mất mật" khi bị bà nội gần 80 tuổi của chồng chỉnh cách mời nước "Chị làm lại đi, không tôi chả dám uống, mời nước người lớn tuổi thì phải bưng hai tay, đầu cúi thấp, nói mạch lạc lễ phép".


Điều tối kỵ trong nhà chị là vợ chồng thể hiện tình cảm trước mặt người lớn. Sau vài lần bị nhìn xéo, chị biết ý và chỉ dám trêu hay níu tay anh xã trong phòng riêng, lúc đêm về. "Buổi tối phải xuống phòng khách xem TV hay trò chuyện cùng các cụ, đừng có chui lên phòng mà rúc rích, sẽ bị góp ý ngay", chị kể.


Sau khi chị sinh hai con, cuộc sống chung lại càng ngột ngạt. "Cụ nội quá chiều cháu, ông bà thì giành mọi việc chăm sóc các bé nhưng con khóc, con ngã, con lười ăn... là quay sang đổ lỗi cho mình. Sợ nhất những lần con ốm, cho con uống thuốc, con nôn, khóc là cả cụ lẫn ông bà đều lao vào, người giằng con ra khỏi tay mình, người chì chiết", chị Duyên giọng ngấn nước.


Chồng chị biết nỗi khổ của vợ, nhưng vì muốn giữ hòa khí nên coi như không hay và khuyên chị nín nhịn.


Ngày hạnh phúc nhất trong đời chị là dịp cả bà nội và bố mẹ chồng vào Nam ăn cưới người họ hàng 3 ngày. "Chỉ đơn giản là được ăn những món mình thích, được ôm chồng ôm con ngủ muộn thêm một chút, được đi lại trong nhà mà không lo có ai đang nhìn... mà thấy đời như lên tiên", chị nói.


Ảnh minh họa: Asianbride.us.


Cũng chung sống trong gia đình đông người nhà chồng, Xinh (Đông Anh, Hà Nội) lúc nào cũng muốn bung ra, dù mới kết hôn chưa đầy năm.


Nhà chồng Xinh (Đông Anh, Hà Nội) có 3 người con trai, cùng làm chung trong một xưởng gia công nhựa. 3 người vừa là chủ vừa là thợ, không có lương, cần chi tiêu khoản gì thì báo với kế toán kiêm thủ quỹ là mẹ chồng, các khoản khác như tiền điện thoại, xăng xe... đều do công ty gia đình chi trả. Ba nàng dâu đi làm ngoài, mỗi tháng nộp lại cho mẹ chồng một khoản nhất định, còn lại mua đồ dùng cá nhân, sắm sữa, bỉm, quần áo cho con.


Hằng ngày, cả gia đình gồm 10 người: ông bà, 3 cặp vợ chồng trẻ, 2 đứa cháu ăn chung 2 bữa sáng và tối. Buổi sáng, các nàng dâu phải dậy trước nấu cơm và cho con ăn rồi đi làm, các anh chồng ăn xong thì đến xưởng, trưa ăn tại đó, tối mới về.


"Ở đông, riêng việc ăn uống cũng khó. Chị dâu cả không ăn được nước mắm, trong khi ông bà bữa nào cũng phải chấm, nấu gì cũng phải nêm mắm. Ông bà đun thì món nào cũng nhũn ra, kể cả rau, mình nuốt không nổi. Mình nấu thì ông bà nhăn mặt lắc đầu. Đó là chưa kể bữa cơm nào cũng nháo nhào vì nào trẻ con khóc, nghịch, xô đổ bát đũa, nào người lớn mắng, hét.", Xinh chia sẻ.


Cô cho biết, ngay cả chuyện mặc cũng không được theo ý mình. Có chiếc váy đẹp thích nhưng lại phải nghĩ xem bố mẹ, anh chị, chồng có vừa mắt không. "Hôm mình mặc bộ đồ ở nhà hơi ngắn trên gối tí bị mẹ chồng bảo 'nhà một đống đàn ông, trơ trẽn' làm mình muốn độn thổ", Xinh kể.


Chưa có con, có một khoản nho nhỏ tích cóp được từ hồi đi làm, thỉnh thoảng muốn đi du lịch nhưng Xinh không thuyết phục nổi chồng vì anh cho là "mình ở chung, làm gì cũng phải nhìn trên nhìn dưới. Ở nhà này chưa ai đi bao giờ, nên mình cũng không được".


"Sau giờ làm mình không muốn về nhà, nhưng không về không được vì lại phải gọi điện báo cáo lý do và xin phép phụ huynh. Thật sự rất mệt mỏi và chán cảnh sống này", Xinh than thở.


Ở chung với bố mẹ, anh chị chồng, không được tự chủ về kinh tế, chị Loan (Chương Mỹ, Hà Nội) lại chịu nỗi khổ khác. Người ngoài nhìn vào ai cũng nói chị sướng khi vừa lấy chồng năm trước năm sau đã được bố mẹ chồng xây cho nhà cao cửa rộng. Thế nhưng, bản thân chị nhiều lúc mong ở trong căn nhà nhỏ mà là của riêng mình còn hơn.


Chuyện là, sau khi hai con trai lấy vợ, bố mẹ chồng Loan bán đi một phần đất rồi vay mượn thêm xây hai căn hộ 3 tầng sát nhau cho hai anh con trai. Ông bà ở với anh cả và tuyên bố: dù ở hai nhà khác nhau, ăn riêng, nhưng các con vẫn phải làm chung tại trang trại gia đình để lấy tiền trả cho hết nợ, sau đó, ai muốn ra ngoài làm mới được.


Thế rồi, sự cố xảy ra, anh chồng Loan chơi cá độ, nợ cả tỷ đồng. Vì vẫn ở chung, nên số tiền này cả nhà phải gồng để trả.


"Nhiều khi nghĩ mà thấy nản, mình chả vay ai, thế mà giờ nai lưng ra trả nợ, không biết bao giờ cho hết", chị Loan chia sẻ.


Không chỉ chuyện tiền nong, việc cho con ăn gì, mặc gì cũng phải đắn đo, nhìn sang con nhà anh chị chồng. "Muốn mua cho con hộp sữa chua hay ăn thêm váng sữa mà không dám, dù chỉ cần mình cố làm thêm chút là đủ mua, vì đang mang tiếng phải thắt lưng buộc bụng trả nợ", cô thợ may kể.


Tiến sĩ Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên cho rằng lựa chọn sống chung với đại gia đình hay ở riêng là tùy theo quan điểm sống, tính cách của mỗi người.


Theo bà, nhiều người coi việc sống chung thể hiện giá trị gia đình, sự đoàn kết, nếp nhà. Vì thế, trong cuộc sống chung dù gặp phải những điều không vừa lòng họ vẫn có thể cố gắng bỏ qua, nín nhường để đạt được giá trị mình mong muốn. Tuy nhiên, nhiều người, nhất là các bạn trẻ hiện đại thường khao khát thể hiện cái tôi, cá tính, tự do. Khi đó, cuộc sống chung giữa nhiều thế hệ, sự khác biệt, gò bó có thể làm họ thấy ngột ngạt.


Nhà tâm lý cho biết, để giữ hòa khí khi sống chung trong một đại gia đình, các thành viên phải triệt tiêu bớt cái tôi. Và không phải lúc nào sự hy sinh cá nhân để vì cái "chung" này cũng đáng được nêu gương.


Vương Linh


http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/ngot-ngat-o-chung-voi-dai-gia-dinh-chong-2436652.html