Bình Định không chỉ nổi tiếng bởi võ, bởi biển Quy Nhơn hiền hòa, thơ mộng. Nơi đó còn rất nhiều món ăn ngon: Tré, nem chua chợ Huyện, mực rim và rượu bầu đá uống nửa chén đã say.


Có người nói, nếu đã một lần lỡ thưởng thức các món ngon của đất võ, bạn sẽ nhớ mãi. Cái sự nhớ ấy sẽ dai dẳng không nguôi, nó buộc bạn phải thử lại bằng được nếu có dịp ghé qua hoặc nhờ người thân, bạn bè tìm mua.



1. Nhớ mãi món Tré



Tré là món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung. Mỗi địa phương có cách làm riêng, Tré Bình Định được du khách gần xa nhớ tới bởi cái vị chua chua, ngọt ngọt, thơm dịu và đặc biệt là hình dáng giống cán chiếc chổi rơm thơm mùi lúa mới.



Nhiều du khách đã phong cho Tré Bình Định thuộc hàng top ten trong các loại Tré ở miền Trung. Tré Bình Định chủ yếu được làm từ thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt 3 chỉ cùng với gia vị đăng trưng: Vừng (mè), thính (gạo, thính bánh tráng giã nhỏ), riềng, ớt hiểm (cực cay), lá ổi non để cuốn bên ngoài, tỏi…



Để làm nên vị riêng rất ngon của Tré Bình Định chính là do tay người gói Tré. Thịt lợn sau khi được trần sơ qua nước sôi (“cao tay” hơn có một số “nghệ nhân” lành nghề nhúng qua chảo mỡ sôi sùng sục chỉ trong tích tắc). 3 sôi không thiếu hai lạnh, thịt sau khi trần qua sẽ ngâm qua sôi để nguội để thịt giòn lại không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, sau đó nêm nếm các loại gia vị thật khéo.



Khâu gói bánh cũng kỳ công. Những lá ổi non được đặc thật phẳng phiu phía dưới, bọc ngoài là lá chuối bánh tẻ, hỗn hợp Tré dải đều lên trên, rồi khéo vừa vê, vừa quấn thật chắc tay. Tré Bình Định giữ được lâu hơn và có vị thơm mát là nhờ lớp “áo” rơm bên ngoài bao phủ.



Người làm Tré đã “tuyển” những cọng rơm lúa mới,, khéo tách hết lớp lá khô bên ngoài, rồi xếp lại đều chằn chặn. Tré được “ủ” bên trong lớp “áo” rơm dày chừng 3 cm bó chặt hai đầu bằng lạt và cuốn xung quanh bằng dây dứa. Nếu ai lần đầu qua Bình Đình, chắc rất ngạc nhiên mởi những chiếc “cán chổi” được treo lủng lẳng ở đây.



2. Nem chợ Huyện: chỉ nghĩ đã thèm


Người Bình Định thường nhắc đến câu ca dao khi nói về một món đặc sản đậm đà hương vị quê hương miền đất võ: “Ai về Vinh Thạnh quê em. Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng.”


Thịt nạc làm nem phải săn, tươi, được cắt theo chiều ngang thớ thịt chừng 3 phân, thái nhỏ, để ráo nước rồi mới cho vào cối quết (giã). Thợ làm nem là những người trai lực lưỡng. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, không có quãng thời gian ngừng tay lâu, chỉ dừng lại khi thịt đã "chín". Mỗi cối thịt chỉ nặng chừng vài ký. Trong lúc quết họ còn gia thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác. Khi thịt đã chín, nhuyễn người ta gia thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ như con bún, hoặc như hạt lựu.



Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Tuỳ theo sở thích, có người chỉ ăn độc một thứ nem để tận hưởng hương vị của thịt; có người lại thích cuốn với bánh tráng mỏng để thưởng thức cái dai, cái giòn của đặc sản này



Nem tươi ăn liền, ai muốn để dành hoặc làm quà cho người thân thì mua nem chua. Nem chua là nem tươi được gói bằng lá vông, bên ngoài bọc lá chuối. Ngày nay người ta dùng lá ổi thay cho lá vông nhưng nem được gói bằng lá vông ngon và dịu hơn. Sau khi gói được ba ngày thì nem sẽ đến độ chín, chua như món dưa cay tuyệt vời.



3. Giản dị mực sữa rim



Không nổi tiếng như các vùng biển khác, biển Bình Định có một vẻ đẹp bình dị. Con người nơi đây cũng vô cùng hiếu khách. Nếu một lần tới nơi đây bạn sẽ rất ấn tượng bởi vẻ hoang sơ của biển cả và hơn thế là những món ăn dung dị làm đắm say lòng người.



Những chú mực sữa mini, thân trắng nõn nã, thịt mềm, thơm phưng phức được những ngư dân chăm chút phơi năng cho vừa khô. Tiếp đó là món “nước sốt” hảo hạn được chế từ hỗn hợp đường-tiêu-nước mắm, ít ớt khô, mấy trái me. Nhúng cả thân hình còm còm của chú mực sữa này vào tạo thành món mực rim tuyệt vời. Mực ngấm đều gia vị, ăn chua chua, cay cay, mặn mặn làm mồi nhậu với rượu bầu đá thì hết sẩy.



4. Mê say rượu bầu đá



Rượu Bầu Đá (RBĐ) là đặc sản của quê hương Bình Định, có xuất xứ từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn).Nấu rượu là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Tương truyền từ ngày xưa, khi Bình Định còn là kinh đô của Chiêm Thành, RBĐ là thức uống chỉ được dùng để tiến cống lên vua Chế Mân, và nguồn nước dùng để nấu rượu cũng chỉ duy nhất lấy từ một bầu đá trong vùng. Không dùng loại nước này, RBĐ sẽ bị thay đổi mùi vị và màu sắc, mất đi cái đặc trưng cần có của rượu.



Xưa nay RBĐ chỉ sản xuất bằng thủ công, đặc biệt là tất cả các dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Muốn có rượu ngon, khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.



Người nấu rượu lâu năm có thể không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất. Theo những người sành về rượu, thì RBĐ có những nét riêng không có nơi nào có được.


Đưa rượu lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Chính nhờ những đặc trưng này mà danh tiếng của RBĐ vang xa, RBĐ đã có mặt khắp nơi trong cả nước và được người tiêu dùng chấp nhận.


http://***********/du-lich/20110328104118323/Ngon-qua-dac-san-dat-vo-Binh-Dinh/