Ngô Mỹ Uyên - Tôi có bạn trai khắp thế giới


Dù đã đến, sinh sống và làm việc ở hơn 60 nước trên thế giới, nhưng chất Á Đông của Hoa hậu thời trang quốc tế không hề nhạt phai mà còn đậm đà hơn. Sở hữu căn nhà được đoán có giá trị nhiều chục triệu đô la, nhưng Ngô Mỹ Uyên không chịu nhận mình là đại gia và chị bảo mua máy bay riêng là phản cảm và không thông minh...


Bí quyết nào đã giúp chị đạt được những thành tựu như ngày hôm nay?


Đó là Uyên đã vượt qua được cái tính nhút nhát của mình và dám học, dám làm điều mình thích. Khi mới bước vô ngành giải trí thì Uyên rất nhút nhát và rụt rè. Để che đậy điều đó, Uyên đã phải "gồng" mình như kiểu con chim xù lông ra mỗi khi nó gặp điều sợ hãi. Và qua những lần làm ngược lại như thế Uyên đã khám phá ra rằng mình có thể thoát khỏi vỏ bọc của sự nhút nhát.


Ngô Mỹ Uyên


Từ lần vượt ngưỡng đó, Uyên cảm nhận được sự khác biệt và bắt đầu tự học hỏi, phát triển bản thân. Uyên là người ham học, học được cái này lại muốn học thêm cái khác nữa, mà môi trường giải trí ở Việt Nam đòi hỏi nhiều ở người diễn viên, nào là phải biết hát, biết làm mọi thứ, nên để thành công mình phải cố gắng tìm tòi, làm và làm.


Theo chị, để thành công, ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi thì mình cần có những phẩm chất gì?


Theo Uyên, điều gì mình làm thành công đều phải xuất phát từ Tâm. Nếu một người làm việc với cái tâm, từ tâm của mình thì sẽ dễ thành công. Uyên luôn làm việc với cái tâm vì gia đình, vì quê hương của mình mà phát triển, nên khi Uyên ra nước ngoài, học hỏi những cái hay của họ để về làm việc trong nước, và phục vụ cho người Việt mình thì Uyên cảm thấy có ý nghĩa hơn. Và việc gì cảm thấy có ý nghĩa thì Uyên thích làm và làm cho tới luôn.


Chị có nghĩ đi một ngày đàng học một sàng khôn?


Khi vào nghề, làm việc trong nước mình có cảm giác hài lòng, không thấy có gì đặc sắc, nhưng sau khi có cơ hội đại diện nước mình tham gia cuộc thi Hoa hậu thời trang quốc tế tổ chức tại Ai Cập, Uyên đã cảm thấy mình lớn lên hơn nhiều, thấy mình phát triển với một cách khác hẳn.


Nếu chỉ quanh quẩn ở trong nước thôi thì cũng như ếch ngồi đáy giếng


Nếu chỉ quanh quẩn ở trong nước thôi thì cũng như ếch ngồi đáy giếng, chỉ thấy "khoảng trời" có bấy nhiêu. Khi đi làm việc ở nước ngoài, có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa, có tầm nhìn khác nhau, phong cách khác nhau thì mình học hỏi được rất nhiều điều. Dĩ nhiên, có người cũng đi nhiều nhưng không học được bao nhiêu vì thiếu mục đích nên họ không quan tâm. Ngoài ra, để học hỏi được nhiều thì còn phụ thuộc cách tư duy nữa. Mà khả năng tư duy thì mỗi người mỗi khác và phải tự rèn luyện thôi.


Là người đi lại nhiều trên toàn cầu, nếu có đủ tiền thì chị có sẵn sàng mua máy bay riêng?


Không. Mỗi một chiếc xe, tàu hay máy bay đều cần một chi phí thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành nó. Những người làm kinh doanh có thể mua vì tính thấy có lợi cho công việc, lại trừ được thuế, hoặc họ có dư tiền, thích thì mua, còn mình chỉ là người làm công, không dư tiền để làm việc đó, nên nếu mình mua thì đó là một quyết định phản cảm và không thông minh.


Uyên có nhiều người bạn là triệu phú nhưng có lối sống giản dị. Họ vẫn đi máy bay với vé hạng thường chứ không phải hạng thương gia, và với họ, mua tài sản gì là một quyết định kinh doanh chứ không phải là một hành động để khoe của.


Với những tài sản mà chị sở hữu thì chị đang thuộc hàng đại gia đấy, chị có thấy điều đó?


Uyên nghĩ, đại gia ở Việt Nam mình cũng có rất nhiều. Trên thế giới đại gia có nhiều tầng lớp, tỷ phú khác, triệu phú khác và họ có danh sách xếp hạng công bố rõ ràng hàng năm. Ở Việt Nam mình chưa có hệ thống có thể theo dõi, thống kê được tài sản cá nhân nên chưa có được danh sách này.


Uyên là nghệ sĩ thì làm gì có nhiều tiền, những gì mọi người thấy chỉ là vẻ hào nhoáng bề ngoài thôi. Làm nghệ sĩ thì không có nhiều tiền để đầu tư vào những thứ sinh lợi nhuận lớn như truyền thông, bất động sản, kinh doanh... nên thu nhập thậm chí còn tệ hơn một nhân viên làm trong tập đoàn lớn đấy.


Người mẫu Việt Nam ra nước ngoài làm việc có điều gì thuận lợi, khó khăn, thưa chị?


Người mẫu Việt Nam mình có nhiều ưu thế trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, như: can đảm, cố gắng và có tinh thần lạc quan.


Nhưng đối với phần lớn người nước ngoài, thông tin về Việt Nam hiện tại vẫn ít được cập nhật. Khi Uyên mới sang, người ta nhìn mình là người đến từ nước thứ ba, đồng nghĩa với định kiến của họ là mình không có khả năng làm gì hết, thậm chí họ còn tin rằng ở Việt Nam tờ báo không có mà đọc. Vì thế, những năm đầu Uyên phải vất vả chứng tỏ rằng Uyên có thể làm được, không những với sếp mà cả những người đồng nghiệp nữa. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình không phải trải toàn hoa hồng.


Trong gia đình, người phụ nữ có tôn trọng người đàn ông thì mới tạo ra hạnh phúc. Nếu bình đẳng thì mình đâu cần đàn ông để làm gì? Tự mình một mình được rồi.



Dù sao đi nữa thì sự phát triển của mình cũng chậm hơn so với thế giới, chẳng hạn, một cô gái 15 tuổi ở Việt Nam và một cô gái 15 tuổi trên thế giới hoàn toàn khác. Ở môi trường Á Châu, mình lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ, còn bên Tây, 15 tuổi nó đã ra đời rồi, nó đã có sự từng trải hơn nhiều. Nhưng mỗi bên có những ưu nhược điểm khác nhau. Uyên đi nước ngoài học hỏi cái hay nhưng vẫn giữ cái tốt của mình và họ cũng thấy ở mình nhiều thứ tốt mà họ muốn học.


Người mẫu, diễn viên phải hiểu bản thân mình trước, vì như vậy mới biết mình đã đi đến đâu, làm được những gì. Còn nếu không biết mình là ai, mình đang ở đâu thì không thể phát triển bản thân được, cho dù có sống và làm việc ở đâu, với ai.


Theo chị, người Việt mình có thói quen gì cản trở sự hòa nhập và tiến thân khi làm việc trong môi trường quốc tế?


Tự ti! Chính bản thân Uyên cũng thế. Trước đây, khi ra nước ngoài, Uyên cứ nghĩ nước mình nghèo, chậm phát triển, mình không đủ khả năng nên mình tự ti. Phải vượt qua vỏ bọc tự ti đó thì Uyên mới tiến bộ và làm việc ở nước ngoài được đến ngày hôm nay. Mình có lòng can đảm rồi nhưng chưa đủ, vì trong ngành giải trí, sự thiếu bình đẳng giữa người da màu và da trắng vẫn còn, phải đúng giọng Mỹ người ta mới nghe, dù mình giỏi tới đâu nhưng nói giọng Á Châu người ta cũng không thích và phải để phụ đề vào. Nhưng đó vẫn là văn hóa thôi, mình phải hòa nhập.


Làm người của công chúng khó tránh khỏi những lời gièm pha, đồn đoán sai sự thật. Nếu rơi vào tình huống đó, chị thường làm gì?


Những năm 1994-1997, nước mình mới mở cửa, các ê-kíp nước ngoài vào làm việc, và Uyên kín lịch chụp hình quảng cáo bìa, ti vi... Nhìn mình lúc nào cũng đi với người nước ngoài, hay xuất ngoại, nên người ta đặt đủ điều cho Uyên, thậm chí còn gọi Uyên là Call Girl. Nhưng rồi sau nhiều năm họ thấy Uyên chỉ có một người bạn trai Việt Nam duy nhất thì điều tiếng dèm pha kia cũng tự mất, và họ cũng thấy mình là người đứng đắn. Uyên nghĩ, cứ sống đoàng hoàng thì tự nó cũng chứng minh rằng những lời dèm pha kia là sai.


Ở nước ngoài do sự cạnh tranh quá cao, nên với diễn viên thì càng được biết đến càng tốt, miễn là được lên báo, lên truyền hình, nên scandal nhiều khi lại có lợi, do đó họ thường chẳng có gì lo ngại về chyện đó.


Hồi trước, có lần Uyên tham gia hát trong chương trình Người đẹp hát, trang phục do Việt Hùng may, nhưng làm quá gấp, tối hát thì sáng Hùng mới may, nên đường chỉ không được kỹ. Khi Uyên đang biểu diễn trên sân khấu thì chiếc áo ống rớt xuống, làm lộ áo lót bên trong. Sáng hôm sau thấy báo đưa tin rùm beng, mọi người trong phòng thu tỏ vẻ ái ngại, xì xào bảo chắc Uyên mất tinh thần lắm về vụ báo chí đưa và khuyên Uyên về nghỉ ngơi. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận của mọi người, còn với Uyên, tai nạn nghề nghiệp là bình thường, chẳng có gì nghiêm trọng.


Theo Uyên, đã là nghệ sĩ thì phải có tính cương trực, không nên dao động trước những tai nạn nghề nghiệp. Trên sàn diễn quốc tế điều đó cũng bình thường vì đó không phải điều xấu.


Người bạn đời lý tưởng trong suy nghĩ của chị là một người như thế nào?


Đầu tiên là người đó phải hiểu và thông cảm với đặc trưng của nghề giải trí mà Uyên đang theo. Nhưng đến giờ này, trên thế giới chưa có ai thông cảm được với Uyên vì ai cũng muốn thời gian của mình hết. Mà Uyên lại thích đi làm, nếu ở bên bạn trai nhiều thì mất thời gian không làm được những việc mình thích, nên Uyên phải cố gắng sắp xếp, rảnh được chút nào là Uyên chạy "rẹc" đến tranh thủ gặp. Uyên lại làm việc ở nhiều nước trên thế giới nên bạn của Uyên cũng nằm rải khắp nơi. (cười)


Thứ hai, phải là người tâm đầu ý hợp. Uyên là người ưa thể thao, mùa đông Uyên đi trượt tuyết, mùa hè Uyên đi lặn, đi tàu, cưỡi ngựa, bắn súng, chơi và nghe nhạc cổ điển, xem phim ảnh... Uyên thích ẩm thực nên đến đâu cũng tìm hiểu đầu bếp nổi tiếng ở đó và đến nhà hàng của họ ăn, nhiều khi phải đặt trước cả tháng. Đồ uống thì Uyên sưu tầm các loại rượu trên thế giới theo nhiều đẳng cấp, đó cũng là một sở thích. Ngoài ra, Uyên còn thích đánh golf nữa.


Những người bạn của Uyên luôn quan sát và thấy "lệch" so với Uyên cái gì thì họ học bổ sung để còn... đồng hành. (cười) Uyên nghĩ đó cũng là một cách giúp họ phấn đấu và họ cũng giúp mình hoàn thiện hơn. Điều đó làm Uyên rất hứng khởi.


Tuy nhiên, chưa biết có ai kiên trì với Uyên đến phút chót không. Giờ Uyên vẫn rất yêu công việc và điều này đã khiến các bạn của Uyên giận, nhưng đành chịu thôi và dần dà mình giải thích sau chứ biết làm sao. May mắn là còn rất nhiều bạn của Uyên vẫn đang... chờ. (cười)


Và chị đã "nhắm" được ai chưa?


Uyên có nhiều bạn nhưng chưa quyết định chọn người nào làm bạn đời, vì người này có điểm mình thích, có điểm phù hợp thì lại đòi phải lập gia đình ngay hay làm việc này việc kia mà mình làm không được.


Như vậy có quá tham?


Uyên là người quá tham, Uyên muốn tất cả. (cười)


Theo chị, người phụ nữ có nên chủ động tỏ tình trước không?


Được chứ. Nếu Uyên thích Uyên vẫn làm. Vì có một số người mình tiếp xúc mình thích, nhưng thấy họ nhút nhát, rụt rè, thì mình chủ động thôi, không lý do gì phải chờ cả.


Người "hạng nhất" hiện thời của chị là ai, anh ấy có điểm gì thu hút chị?


Là người Ý. Uyên thích anh ấy ở sự trẻ trung, lãng mạn, hài hước và có những sở thích giống như Uyên, nhưng lại là người ngoại đạo với ngành giải trí. (cười)


Trong gia đình, chị quan niệm thế nào về bình đẳng nam nữ?


Uyên vẫn muốn người đàn ông là người trụ cột, và mình là người sau lưng họ. Trong gia đình, người phụ nữ có tôn trọng người đàn ông thì mới tạo ra hạnh phúc. Nếu bình đẳng thì mình đâu cần đàn ông để làm gì? Tự mình một mình được rồi.


Uyên là người khó tính nên giờ Uyên kiếm người rất khó. Những người đàn ông có sự nghiệp khác thì họ không biết gì về môi trường làm việc của Uyên, và như thế là khó khăn rồi. Là nghệ sĩ, mình có thể thích ứng được với đàn ông ở những ngành nghề khác, nhưng ngược lại, họ không thích ứng được với nghề của mình.


Và Uyên cũng không thích mạo hiểm chuyện nuôi con một mình.


Hiện chị có sợ gì không?


Có chứ! Sợ cô đơn, sợ cuộc sống không có ý nghĩa. Thành ra nhiều khi ở nhà mà không có bố mẹ, không có em gái, Uyên chẳng biết làm gì cả. Nên nhiều khi Uyên lo cho cả nhà hơi quá đáng, nhưng điều đó làm Uyên cảm thấy có ý nghĩa. Uyên rất sợ cảm giác sống một mình và bất cần ai.


Giữa tình yêu trai gái và tình yêu nghề nghiệp chị thấy có gì giống, khác nhau?


Tình yêu nghề nghiệp là hoài bão mình cố gắng để đạt được. Tình yêu trai gái là cái nhẹ nhàng, vui vẻ, hưng phấn nhưng nó không phải là thứ mình cố gắng mà có được, vì nó tự nhiên, lãng mạn. Tình yêu như trò xếp hình, nếu các miếng không khớp thì mình cố mấy nó cũng không khớp, không miễn cưỡng được. Nghề nghiệp thì có thể, không hợp cũng làm được. Tình yêu thì có duyên số, không hợp thì không thành được.


Ngôi nhà triệu đô của chị giờ rất nổi tiếng. Chị không sợ kẻ trộm nhòm ngó?


Trộm "viếng" rồi đấy, mới tháng 10 năm ngoái nè. Nó leo vào rồi lấy tiền, điện thoại rồi leo ra. Camera quay thấy mặt nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm ra được. Hiện Uyên phải thuê bảo vệ. Trước đây mình chủ quan nghĩ chỗ ở an ninh tốt, và cái khóa cửa hư cũng không chịu sửa ngay mà cứ lần nữa, nên trộm nó "đường hoàng" đi vô. Hôm đó, sau khi hoàn thành chương trình từ thiện trao máy trợ thính cho mấy ngàn em khiếm thính ở Việt Nam, Uyên mở tiệc ở nhà để cảm ơn mọi người trong đoàn làm việc của nhà sản xuất máy và đoàn quay phim của Hollywood. Xong tiệc, 1-2h sáng, ai cũng mệt nhừ và đó là lúc trộm nó leo vô...


Chị thấy thị trường cho nghề ảo thuật ở nước mình hiện giờ thế nào? Chị có ý định mở trường dạy ảo thuật ở Việt Nam?


Uyên chưa có dịp đi xem biểu diễn ảo thuật ở Việt Nam, nhưng Uyên rất vui khi có một số ảo thuật gia trong nước liên lạc điện thoại, nói là họ muốn tiếp cận để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ khi Uyên diễn ở Việt Nam.


Việc mở trường nếu có kinh phí của đại gia thì mình sẽ làm được. (cười) Ở Việt Nam đất đai rất mắc mỏ, và nếu làm phải đầu tư hết quỹ thời gian của mình. Bởi mở trường thì phải có trách nhiệm, phải có mục đích tạo ra giá trị gì, chứ không phải lấy cái tên rồi bỏ bê. Đó cũng là mơ ước của Uyên và khi có đủ tài chính Uyên sẽ làm.


Cảm ơn chị!


Theo Trần Trung Thành


Thế Giới Đàn Ông


http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/vanhoa/464371/index.html