Nhỏ người, nhưng đầu rất to, hiền lành song cũng không kém phần tinh nghịch và đặc biệt rất si tình... là ấn tượng của của thầy giáo thời phổ thông về Ngô Bảo Châu.


Dạy Toán cho Ngô Bảo Châu hai năm cuối cấp THPT ở khối chuyên Toán - Tin, ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên), thầy Đỗ Thanh Sơn cho biết, trong 34 năm đứng trên bục giảng, học trò mà ông nhớ nhất là Châu.


Ấn tượng đầu tiên của thầy Sơn về Châu là cậu bé có cái đầu rất to, người nhỏ, thấp, trông loắt choắt nhưng nhanh nhẹn và cười tươi. "Tôi tự nhủ thằng bé này đầu to chắc thông minh lắm. Khi trực tiếp dạy thì đã chứng thực được điều mình suy đoán là thật", ông Sơn nhớ lại.


Thầy Sơn cho hay, trong lớp Châu thường giảng bài cho các bạn học yếu hơn và thường trao đổi phương pháp giải với các bạn. Học trò giỏi của thầy Sơn nhiều lắm, xuất sắc như Châu cũng có. Thế nhưng đứng trước một bài toán khó, không giải được họ không tiếc nuối nhiều. Chỉ có Châu là dù có khó đến mấy cũng cố tìm ra cách giải. Hôm nay chưa giải được thì cậu miệt mài suy nghĩ để ngày mai, ngày kia, thậm chí một tuần, đến khi nào có kết quả mới thôi.


"Tôi tự thấy mình cũng chăm chỉ, nhưng nói đến sự chăm chỉ mà sáng tạo của Bảo Châu thì đôi lúc thầy cũng còn phải học", thầy Sơn cười.


Thầy Sơn nhớ, năm 1988 khi ra đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi của trường, môn hình học hầu như các thầy không cần chấm vì học sinh không làm được. Nhưng riêng Ngô Bảo Châu xuất sắc đạt điểm tuyệt đối. Các thầy trong khoa nói đùa "ông ra đề kiểu gì mà có mỗi Ngô Bảo Châu làm được". Ông Sơn cười đáp "tôi ra đề để chọn học sinh giỏi chứ không phải để lập đội tuyển".


Sau khi đạt hai HCV Olympic Toán học, Ngô Bảo Châu vẫn kiên trì học thầy Sơn để thi vào đại học. Có lần thầy đùa "em được HCV rồi, không cần học nữa đâu, kiểu gì nhà nước cũng có chính sách cho em". Thế nhưng Châu chỉ cười và càng miệt mài hơn với những bài hình học thầy ra.


Là người trực tiếp giảng dạy cũng như dìu dắt Ngô Bảo Châu trong đội tuyển học sinh giỏi, thầy Phạm Văn Hùng, Phó chủ nhiệm khoa Toán - Tin, ĐH Tổng hợp, cho biết hai thầy trò rất thân thiết.


Nhận xét về người trò cũ, thầy Hùng nói: "Đó là người kiên trì, nghiêm túc, ít nói, hiền lành. Học giỏi, nhưng không vì thế mà kiêu ngạo rời xa bạn bè. Châu rất hòa đồng, có lần nghịch còn bị bắt lên ban giám hiệu làm kiểm điểm nữa".



GS Ngô Bảo Châu và cha, GS Ngô Văn Cẩn. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng.


Ngoài việc học giỏi, thầy Hùng còn biết chuyện tình của Châu với Bảo Thanh, người bạn học chung trường từ thời THCS Trưng Vương và sau này trở thành vợ. Vì chơi với mẹ Bảo Thanh nên thầy biết Bảo Châu và Bảo Thanh có tình cảm với nhau. Bảo Châu si tình đến nỗi bố mẹ cậu phải tuyên bố "học xong đại học mới được cưới vợ".


"Bạn bè cùng lớp mến Châu lắm bởi không chỉ học giỏi, cậu ấy còn hòa nhã với mọi người, rất rạch ròi giữa chơi và học. Từ thời học phổ thông và cho đến khi thành danh ở nước ngoài quay về nước, Châu hầu như không thay đổi, vẫn giản dị và khiêm nhường", thầy Hùng nói.


Năm 1989, thầy Hùng là phó đoàn dẫn học sinh đi dự thi Olimpic toán quốc tế ở Cộng hòa liên bang Đức. Tại đây, thầy đã cùng với trò cưng đi thăm thú khắp nơi. Khi ra trường, Châu tặng thầy một cuốn sổ ghi chép các bài toán hay, cách giải mới, suy nghĩ mới của cậu về toán học.


"21 năm rồi tôi vẫn giữ cuốn sổ ấy, thi thoảng lấy ra đọc và phát hiện rằng có rất nhiều bài toán hay trong đó", thầy Hùng tâm sự.


Hoàng Thùy


http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/08/3BA1F70F/