Khi lãi suất theo tháng bị áp trần 14% một năm, lãi suất theo ngày, tuần cũng chỉ tối đa 6%, một số nhà băng ít có thế mạnh bắt đầu phải "gồng mình" để giữ chân khách gửi tiền.


> Tiền tiết kiệm đang chảy khỏi ngân hàng/ Ngân hàng Nhà nước cũng 'bó tay' với vi phạm lãi suất


> Ngân hàng 'đua' giữ chân khách


Nhân viên một ngân hàng thương mại chi nhánh tại Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ khi lãi suất bị đẩy về cao nhất chỉ 14% một năm, một số khách đã rục rịch rút tiền. "Lãi suất bị cào bằng, rõ ràng tâm lý người dân thích gửi ở những đơn vị lớn, để an toàn nguồn tiền", chị này lý giải. Do đó, nhiệm vụ nhân viên tín dụng của chi nhánh là làm sao giữ chân được khách gửi tiền.


Chị cho biết, từ tuần trước đã phải lên kế hoạch trấn an một số khách có ý định rút tiền chuyển sang nhà băng khác. Tính toán theo cấp số nhân, chị chỉ ra cho một vị khách, so với gửi tiết kiệm theo tháng ăn lãi suất 14% một năm, gửi ngày, chỉ lãi hơn khá ít. Số tiền chênh khoảng 20.000 đồng với các khoản gửi 300 triệu đồng.


Sau khi lãi suất bị quy về một mối, cao nhất chỉ 14% một năm với kỳ hạn tháng và 6% với kỳ hạn ngày, tuần, một số đơn vị đang tích cực giữ chân khách


Sau khi lãi suất bị quy về một mối, cao nhất chỉ 14% một năm với kỳ hạn tháng và 6% với kỳ hạn ngày, tuần, một số đơn vị đang tích cực giữ chân khách "ruột" để cân đối lượng vốn.


Sau khi lãi suất bị quy về một mối, cao nhất chỉ 14% một năm với kỳ hạn tháng và 6% với kỳ hạn ngày, tuần, một số đơn vị đang tích cực giữ chân khách "ruột" để cân đối lượng vốn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.


"Khách hàng cứ khăng khăng nếu gửi ngày 'ăn' lãi 14%, lãi suất có thể lên tới trên 15% một năm. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một cách 'lách' nên ngày nào tôi cũng gọi điện thuyết phục, cuối cùng khách cũng gửi lại", chị nói.


Còn anh Sang, nhân viên một ngân hàng trên phố Xã Đàn cũng cho hay, thời gian này, vẫn phải tìm cách giữ chân khách hàng cũ. Trước hôm 8/9, nhà băng này cũng áp dụng lãi cao lên tới 18% một năm cho các khoản gửi 100 triệu đồng trở lên, nhưng sau đó đồng loạt lùi về cao nhất 14% một năm. Đến khi thông tư 30 có hiệu lực, lãi suất dưới 1 tháng tối đa cũng chỉ 6% một năm, anh này bắt đầu tính đến chuyện kéo chân khách hàng "ruột". "Hiện tại, chúng tôi đang kiến nghị triển khai chương trình tặng quà có giá trị một chút cho khách hàng cũ và mới, tùy theo lượng tiền đem gửi và ban giám đốc đang xem xét", anh Sang cho biết.


Theo một số ngân hàng, hiện nay, huy động từ dân cư không còn là ưu tiên số một, khi thị trường liên ngân hàng có nguồn vốn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, để đảm bảo cân bằng và giữ chân khách hàng, đây vẫn là một nghiệp vụ các đơn vị phải cạnh tranh khi lãi suất bị áp về một mức.


Trong khi đó, những nhà băng có quy mô lớn hơn, lại khá ung dung. Không nói thẳng về chuyện dòng vốn dân cư đang chảy từ các đơn vị nhỏ sang nhà băng lớn, song Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ngay cả khi lãi suất về 14% như hiện nay, ngân hàng ông cũng không lo lắng gì về vốn huy động.


Lãnh đạo này còn tự tin cho biết, gần như Agribank vẫn là một trong những đơn vị có thanh khoản tốt nhất hiện nay. "Chúng tôi gần như không tham gia vào thị trường mở vì thừa vốn. Và từ đầu năm đến nay, ngân hàng tôi đều tham gia cung ứng vốn cho thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ thanh khoản cho các đơn vị khác", Chủ tịch Agribank cho biết.


Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước dựa trên báo cáo của các ngân hàng thương mại, tuần từ 17/9 đến 23/9, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 117.000 tỷ, bằng USD đạt trên 2.640 triệu USD, bình quân đạt 23.390 tỷ đồng và 528 triệu USD mỗi ngày.


So với tuần trước, giao dịch liên ngân hàng có xu hướng tăng. Cụ thể, VND tăng hơn 18.000 tỷ đồng và gần 270 triệu USD, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm, một tuần.


Tuệ Minh


http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/10/ngan-hang-nho-chat-vat-giu-khach-gui-tien/