(VnMedia) - Một số người mẹ vì sợ con mình gặp nguy hiểm, sợ phải đứng ra làm chứng khi cứu người bị nạn nên thường không muốn con “dính” vào những chuyện của người khác. Chính lối sống bàng quan, thiếu trách nhiệm của một số người mẹ đã dẫn đến những hậu quả rất lớn cho người khác và cho cả chính con cái mình.



Lối sống bàng quan, thiếu trách nhiệm từ cha mẹ



Dư luận tỉnh Phú Yên vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng trước vụ việc xảy ra vào chiều 9/12/2011. Vào chiều hôm đó, em Võ Kim Thành (SN 1995, ở xã An Thạch, huyện Tuy An) và 4 người bạn đến xã An Thạch chơi. Khi đến đoạn qua cầu Lò Gốm cũ, chiếc xe máy do Thành và một người bạn khác đi cùng không may bị mất tay lái nên ngã xuống đường, hất văng Thành và người bạn xuống sông Cái.


Khi thấy bạn bị tai nạn và có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, thay vì nhảy xuống nước cứu bạn hay hô hào lên cho mọi người cùng biết, 3 người bạn đi trên chiếc xe máy còn lại đã lặng lẽ rồ ga chạy mất vì sợ liên lụy. Hậu quả của lối sống vô trách nhiệm của 3 người bạn đó là em Thành bị nước nhấn chìm.


Xã hội hiện nay có vô số những vụ việc tương tự diễn ra hằng ngày, trong đó có không ít phụ huynh làm những chuyện vô trách nhiệm để những đứa trẻ phải bắt chước theo. Như vụ việc có thật tại thành phố Hồ Chí Minh mà anh Nguyễn Minh Mẫn (sinh sống tại Phường 10) đã chứng kiến.



“Vào khoảng giữa tháng 10 năm trước, có một người đàn ông vừa rút tiền từ Ngân hàng về cơ quan, khi đang đi trên đường thì bị 2 đối tượng theo dõi và chúng ra tay cướp giật túi xách, trong khi giằng co với chúng thì toàn bộ số tiền rớt ra ngoài.



Nếu như người dân có trách nhiệm, đáng lẽ ra họ phải cùng với người đàn ông này bắt cướp. Nhưng trên thự tế, họ đã đứng ngoài cuộc vì sợ bị trả thù, sợ liên lụy. Điều đáng trách hơn, trong số những người dân đó có người còn nhặt tiền của người bị hại mà không hề trả lại”, anh Mẫn bức xúc.



Có cùng chung nhận định với anh Mẫn, một bạn có nick name nakata_yeuemnhieu chia sẻ trên diễn đàn trẻ thơ về lối sống vô trách nhiệm của không ít bậc phụ huynh: “Hiện nay nhiều người đang sống theo kiểu cố gắng kiếm thật nhiều tiền và khi đã có tiền, họ bắt đầu lao vào những cuộc hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp... và có lối sống xa sỉ.


Dần dần, họ sống vô trách nhiệm chỉ biết cho bản thân mà không còn quan tâm đến người xung quanh, họ sẽ làm ngơ khi thấy người bị tai nạn ngoài đường mà không thèm đến giúp với một số lý do: tôi muộn giờ làm rồi, tôi phải kiếm tiền, tôi phải đi chơi với bạn bè, người yêu... hay cứu làm gì để mang họa vào thân?!”.



Có không ít trẻ sống vô trách nhiệm với những người già, người ăn xin



Sống có trách nhiệm vì chính bản thân



Trở lại với sự việc vô trách nhiệm của 3 người bạn ở Phú Yên, cô Nguyễn Thị Thu Hương (giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hoà) cho rằng, “lối sống vô trách nhiệm của 3 em này là rất đáng lên án nhưng thực chất nó cũng xuất phát từ thái độ lạnh nhạt, vô cảm của những người thân trong gia đình các em. Từ đó các em chỉ biết sống cho bản thân mình và quên đi cảm giác của những người xung quanh."


"Hầu như các em rất ít khi nghĩ rằng, nếu một ngày nào đó người thân của các em hay chính bản thân các em bị hoàn cảnh tương tự như thế nhưng ai cũng bàng quan, vô trách nhiệm, không ai cứu giúp thì sẽ như thế nào?" - cô Hương đặt câu hỏi.



Để dạy trẻ biết sống có trách nhiệm hơn với cuộc sống, theo thầy Nguyễn Đức – Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội: “Vấn đề chỉ là ở chỗ, để dạy con cho hiệu quả và đúng đắn, thì những bậc làm cha làm mẹ nên “điều hòa” lại chính mình. Những người trẻ ở thời nào cũng cần được sự quan tâm đặc biệt, nhưng ở mỗi thời kỳ lại cần thể hiện sự quan tâm tới con cái khác nhau.


"Tôi có cảm giác như bây giờ bố mẹ thường quá áp đặt mà không để ý đến con cái đang nghĩ gì, trong khi đó cái “tôi” được khẳng định của giới trẻ bây giờ là rất lớn và đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, các em sẵn sàng chế giễu những người già cô đơn, những người ăn xin hay bàng quan trước nỗi đau, nỗi khó khăn về vật chất của các bạn cùng trang lứa”.



Còn theo các chuyên gia tâm lý về giáo dục tuổi mới lớn, có một cách rất hữu hiệu để dạy con sống có trách nhiệm, đó chính là bảo con làm việc nhà. Nếu bạn cho con một món tiền nho nhỏ khi con làm việc nhà thì đó cũng là cách tốt để dạy con biết làm việc để có tiền, biết tiết kiệm và chi dùng hợp lý.



Sống có trách nhiệm cũng có nghĩa là biết nhận trách nhiệm trước mọi việc. Con bạn cần phải biết rằng, việc gì các em làm cũng đều có hậu quả. Nếu con bạn làm điều gì không tốt thì bạn cần phải làm gì đó để dạy các em biết sống có trách nhiệm hơn trong tương lai.



Khi con bạn làm điều gì sai thì các em cần phải hiểu nên xin lỗi. Một lời xin lỗi trực diện sẽ khiến con bạn có trách nhiệm hơn trước mỗi hành vi sai của mình và cũng dạy các em biết đồng cảm với những người bị tổn thương”.


Hoàng Khánh



http://vnmedia.vn/VN/da-y-con-nen-nguo-i/la-m-ba-n-vo-i-con/464_292189/nen_hay_khong_day_con_cuu_giup_nguoi_khac.html