Hiện không biết cụ thể số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc là bao nhiêu và cuộc sống của họ ra sao, sống hay chết, có bị cưỡng bức hay ép buộc hiến nội tạng không? Thực sự đây là một câu hỏi lớn đối với chính quyền và xã hội.


Tội phạm thường núp dưới hình thức xuất cảnh trái phép, kết hôn giả, lừa đưa ra nước ngoài lao động, du lịch… Không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà gần đây tình trạng lừa bán đàn ông ra nước ngoài để cưỡng bức lao động, cũng đã khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng


Ở một số địa phương phía Bắc như Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng đã xuất hiện loại tội phạm chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, trẻ sơ sinh đưa sang Trung Quốc bán. Thậm chí đã xuất hiện nạn buôn bán trẻ em còn trong bào thai, nạn lợi dụng cho người nước ngoài nhận con nuôi để lập hồ sơ giả lừa bán trẻ ra nước ngoài.


Tại các tỉnh phía Nam đặc biệt là miền Tây Nam Bộ hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp với người nước ngoài để đưa phụ nữ ra nước ngoài. Như Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 5 vụ với 26 đối tượng tổ chức cho người Hàn Quốc xem mặt 300 cô gái đến từ các tỉnh, thành phố để chọn làm vợ, các đối tượng môi giới khai nhận từ đầu năm 2009 đến nay đã tổ chức hàng chục vụ như vậy.


Săn người bán sang Trung Quốc là một dạng tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Đối tượng phạm tội buôn người chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp thường cấu kết với những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lừa gạt đưa phụ nữ trẻ em ra nước ngoài bán. Dạng tội phạm này đã nhiều năm nay vẫn đang hoành hành như một vấn nạn và mối đe dọa luôn nhằm vào các cô gái trẻ, đặc biệt là các em gái đang ở tuổi mới lớn ít hiểu biết.


Trường hợp Trần Thị Thu Hằng, 26 tuổi, trú tại xã Phú Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã lừa gạt các cháu Triệu Thị L., Triệu Thị T., Triệu Thị H. và Ma Thị P., cùng 15, 16 tuổi và ở cùng một xã với Hằng. Rồi đưa lên Lào Cai trông con và trông cửa hàng với lương cao, từ 1,5 triệu đến 4 triệu/tháng. Thấy một số tiền lớn như thế, cả 4 cô bé đồng ý ngay. Tiếp đó, đích thân Hằng đưa 4 cháu lên Lào Cai và gọi bán cho các động mại dâm ở Trung Quốc.


Trường hợp phạm tội của Nguyễn Anh Tuấn Tú, 19 tuổi, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và 5 đồng phạm khác từ tháng 5 đến tháng 8/2007, Tú và các đồng phạm đã câu kết với nhau rồi lên mạng chát, tìm và bắt quen với các cô gái trẻ. Từ sự quen biết trên mạng, Tú và các đồng phạm lừa 7 cô gái sinh năm từ 1989 đến 1991, trú ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi bán họ lấy 62 triệu đồng. Sau khi tới xứ người, những cô gái này bị ép bán dâm nhiều lần. Đối mặt với tội ác này hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo từ 6 đến 11 năm tù.


Trường hợp phạm tội của Trần Thị Thu Hằng, 26 tuổi, trú tại xã Phú Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tính từ đầu năm 2008, Hằng đã lừa 7 bé gái và phụ nữ đi làm nghề trông trẻ rồi bán sang Trung Quốc. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ về hành vi phạm tội của Hằng, ngày 16/10/2008, Công an tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành khởi tố bị can đối với Hằng về hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em.


Mới đây, ngày 14/7/2009, Cơ quan điều tra Công an Phú Thọ đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Đức Toàn (27 tuổi), ở tập thể lắp ghép Trương Định, quận Hoàng Mai và Phạm Tuyết Anh (21 tuổi), ở tổ 9 Hương Sơn, Thái Nguyên về hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em. Bước đầu làm rõ sau khi mua cháu V.L. (17 tuổi), ở Phú Thọ với giá 1,5 triệu đồng, 2 đối tượng đã bắt ép cháu bán dâm từ đầu tháng 6/2009 đến nay. Theo cơ quan Công an, đối với loại tội phạm này, sau khi mua bán các nạn nhân trong nội địa với mục đích làm gái mại dâm một thời gian, các đối tượng sẽ móc nối bán tiếp ra nước ngoài. Đây là loại tội phạm "ẩn", rất khó phát hiện, cần có thông tin và phối hợp của gia đình trong việc giải cứu nạn nhân.


Trên đây chỉ là vài ví dụ về những vụ "buôn bán phụ nữ" mà công an đã phát hiện và khởi tố. Những vụ án đã được phát hiện chắc chỉ là một con số rất nhỏ so với số các vụ đã xẩy ra. Có biết bao nhiêu mạng người hiện đang bị giam cầm bức hại, có biết bao nhiêu linh hồn đã mãi ra đi và không còn có cơ hội tố cáo kẻ đã chủ tâm đẩy cuộc đời họ vào địa ngục. Đẩy một mạng người từ chỗ sống đến chỗ chết mà chỉ chịu án tù vài năm khiến người ta có cảm giác bọn buôn người đang coi việc săn người Việt Nam là một nghề kiếm sống an toàn. Sự việc hiện còn có thể xảy ra theo chiều hướng cực đoan; kiểu như, một người nước ngoài cần để thỏa mãn tình dục, để cưỡng bức lao động, cần phải có nội tạng để thay thế... thì chỉ phải bỏ ra ít tiền là mua đuợc một mạng người Việt Nam.


Để làm giảm bớt mối đe dọa, chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình và nhà trường phải lập tức vào cuộc. Trước tiên là khâu tuyên truyền giáo dục đối với những tầng lớp thanh niên trẻ mới lớn, giúp họ cảnh giác với loại hình tội phạm mới này.


http://vitinfo.com.vn/muctin/anpl/la63338/default.htm