Mười tám năm theo bệnh mẹ


SGTT.VN - Giữa trưa nắng, người ta thấy một người đàn ông mặc blouse trắng, tay xách cà mên, bước thẳng về phía phòng chạy thận của bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM. Vừa vào phòng, thấy mẹ già đang trở người vì nhức mỏi, anh để vội chiếc cà mên, hai tay nắn vai, bóp chân, thoa tay cho mẹ, rồi kiên nhẫn múc từng muỗng cơm cho mẹ ăn. Người mẹ xong bữa, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, người con mới bắt đầu bữa ăn của mình.



Hình ảnh quen thuộc của mẹ con bác sĩ Thắng bao năm qua. Ảnh: Nguyên Cao


Thân cò lặn lội


Đó là câu chuyện của bác sĩ Trịnh Đình Thắng, phó khoa nội tiêu hoá bệnh viện Nhân dân 115. Anh chia sẻ: “Mẹ tôi bị suy thận mãn tính đã 18 năm nay, cũng là 18 năm tôi nhẫn nại theo dõi bệnh tình của mẹ. Với người khác thì khoảng thời gian đó quá dài, có thể là nỗi nhọc nhằn của người thân. Nhưng với anh em tôi, từng ấy thời gian chẳng sá gì so với sự hy sinh của mẹ”.


Tâm trí của anh Thắng chất đầy những dấu ấn về mẹ. Anh kể: “Mẹ tôi chỉ là một phụ nữ nông thôn chân chất vùng Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. 19 tuổi, mẹ kết hôn với bố, một thân bà vừa nuôi chồng ăn học, rồi cả em chồng và năm đứa con. Bữa cơm gia đình thời đó thường chỉ có gốc rau má luộc. Mười tuổi, tôi muốn thoát cảnh nghèo, nằng nặc theo bố vào Nam, một mình tự lo ăn học. Rồi đến năm 1982, mẹ đưa cả gia đình vào. Cả nhà bảy người chen chúc ở căn hộ tập thể chừng 30m2 ở đường Trần Bình Trọng, quận 5. 9 – 10 giờ đêm mẹ tôi đi mua nếp, đậu về ngâm. 2 – 3 giờ sáng mẹ đã thức để nấu xôi, làm nhân bánh mì. Mỗi ngày mẹ bán vài chục ký xôi, cả trăm ổ bánh để nuôi sống gia đình. Kinh tế gia đình dựa hết vào đôi tay mẹ. Vất vả là vậy, nhưng thấy anh em tôi đứa nào lơ là việc học là mẹ đánh đòn, nhắc nhở. Hồi bé tôi thích nghề giáo, nhưng thi đại học lại theo ngành y vì đó là nguyện vọng của mẹ. Vốn không được đi học, nên mẹ muốn anh em tôi học thêm phần của bà”.


Dành cả tuổi xuân cho mẹ


Những tưởng khi con cái trưởng thành, đời mẹ sẽ an nhàn. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui, bà Trịnh Thị Sen, mẹ bác sĩ Thắng bất ngờ mắc bệnh suy thận. “Đó là năm 1994, tôi đang học năm thứ tư. Kết quả bác sĩ báo làm tôi sốc thật. Nhưng lúc đó mấy chị gái, rồi em trai tôi vẫn còn trên ghế giảng đường, nên tôi giấu cả nhà bệnh tình của mẹ. Chỉ mình tôi âm thầm theo dõi bệnh cho mẹ; mẹ đi đâu, làm gì tôi cũng phải bỏ việc, bỏ học đi theo chăm sóc, trông chừng. Lo cho mẹ mà lòng tôi như có bão, vì không biết đến khi nào mẹ buộc phải chạy thận. Năm 2002, khi siêu âm, nhìn thấy thận của mẹ ngày một teo lại, tôi đành phải nói với bố và cả nhà về bệnh tình của mẹ và thời gian chạy thận đã đến. Cả nhà đều sốc, nhưng ai cũng tập trung vào chữa trị cho mẹ”, anh Thắng thổ lộ về quá trình cùng mẹ chữa bệnh.


Nhờ con trai theo ngành y hiểu được bệnh tình của mẹ, kịp thời kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho người bị suy thận, nên người mẹ không phải chạy thận cấp cứu. Nhưng bà cụ lại bị kèm cả chứng cao huyết áp và tiểu đường, nên mỗi lần lên thực đơn cho mẹ, lòng anh Thắng lại đau thắt: “Mẹ không được ăn các loại thực phẩm chứa kali, nhiều nước. Các loại rau phải luộc qua hai lần để giảm kali. Mẹ tôi dù khát lắm cũng không được uống nhiều nước, khát quá thì tôi thấm khăn, nhỏ giọt cho mẹ đỡ khô họng”. Cũng nhờ chế độ dinh dưỡng nghiêm khắc này mà sức khoẻ bà Sen được duy trì ổn định suốt 18 năm qua.


Cũng từng ấy năm, người ta chứng kiến khi thì ông bố hơn 70, lúc lại người con trai thay nhau mớm từng thìa cơm cho mẹ trong bệnh viện. Các bác sĩ chuyên làm việc ở phòng chạy thận cho rằng, bác sĩ Thắng mải chăm lo cho mẹ mà quên mất hạnh phúc riêng mình. Hỏi anh, anh chỉ cười trừ: “Tình yêu dành cho mẹ và những năm tháng miệt mài làm việc đã lấp đầy những khoảng trống trong tôi”.


BÀI VÀ ẢNH: NGUYÊN CAO


Mong con yên bề gia thất


Nằm trên giường bệnh với ngổn ngang dây ống dẫn chạy thận giăng quanh người, bà Trịnh Thị Sen, 71 tuổi, tâm sự: “Năm 2007, tôi đang phải chạy thận mỗi ngày thì bị tai biến nặng, bị nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, rồi xuất huyết não, tưởng không qua khỏi. Nhưng, bệnh viện đã cứu tôi sống lại. Sau ba tháng mê sảng, tôi tỉnh lại giữa vòng tay chồng và các con. Đình Thắng là đứa con trai theo tôi suốt chặng đường bệnh tật; khi chồng tôi vắng nhà, Thắng thay bố chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ, ngay cả chuyện đấm bóp, tắm rửa, những việc chỉ có phụ nữ mới làm được. Tôi nằm lâu trên giường, sợ lưng mẹ bị ẩm, bong da, Thắng tìm mua kem dưỡng về thoa lên lưng cho tôi dễ chịu hơn. Đời tôi đã vui khi có hai con trai cùng theo ngành y, các con gái thì theo ngành kinh tế. Giờ tôi cũng gần đất xa trời, đã hưởng hết diễm phúc người thân dành cho mình, chỉ một ước muốn con cái lập gia đình, yên thân, hạnh phúc”.


http://sgtt.vn/Loi-song/163585/Muoi-tam-nam-theo-benh-me.html