Trước khi mổ, thể trạng bệnh nhân bình thường, còn tự đi xe môtô đến bệnh viện làm các thủ tục nhập viện và tự lên bàn mổ. Gia đình bàng hoàng, bệnh viện và kíp mổ chối bỏ trách nhiệm. Bác sĩ Tô Thị Kiều Dung, người trực tiếp mổ chỉ có bằng ngoại sản; bác sĩ phụ mổ số 1 Vũ Đỗ chưa có chứng chỉ ngoại khoa nhưng đã cầm dao mổ nhiều năm.



Đông đảo người thân, bạn bè đến viếng Nguyễn Mai Sơn


Ông Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Chi Lăng thì nói: “Không cho họ mổ thì chúng tôi phải đóng cửa bệnh viện”. Phía sau cái chết thương tâm đó là những vấn đề lớn hơn của ngành y tế.


CÁI CHẾT ĐỘT NGỘT


Nạn nhân là anh Nguyễn Mai Sơn, SN 1978 tại Nam Định, tạm trú 246 tập thể Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội; là kỹ sư xây dựng công tác tại Cty Sông Đà 1, Tổng Cty xây dựng Sông Đà. Cuối năm 2003, anh Sơn bị tràn khí màng phổi, vào Bệnh viện lao và bệnh phổi Trung ương (BVL&BP) điều trị, sau một tuần hút khí được ra viện về cơ quan tiếp tục công tác. Ngày 16-8-2005, Sơn thấy tức ngực nên tự đi xe máy đến BVL&BP để khám, điều trị tại khoa Cấp cứu. Ngày 23-8-2005, khoa Cấp cứu làm thủ tục cho Sơn ra viện, nhưng khi rút ống khí ra, y tá đã quên không bịt gạc vào điểm mở làm khí tràn lại vào phổi khiến bệnh nhân (BN) phải tiếp tục điều trị. Bệnh viện không thông báo cho gia đình BN lý do gì khiến BN vừa được thông báo làm thủ tục ra viện đã lập tức phải giữ lại điều trị như vậy. Ngày 29-8-2005, Nguyễn Mai Sơn làm thủ tục chuyển sang khoa Ngoại, đến ngày 6-9-2005 thì làm xong tất cả các xét nghiệm phục vụ cho ca phẫu thuật. Các kết quả xét nghiệm kết luận trong giới hạn cho phép phẫu thuật, sức khỏe BN bình thường. 7 giờ 10 sáng 7-9-2005, Sơn tự đến phòng mổ bằng xe máy. Trước khi mổ, Sơn còn xin phép bác sĩ (BS) gây mê Đỗ Văn Lợi ra ngoài đi vệ sinh. 9 giờ 10 phút, ca mổ bắt đầu; 9 giờ 40, một nam hộ lý gọi người nhà của Sơn vào gặp BS Dung (mổ chính). Bà Mai Thị Hải, mẹ Sơn, đến cửa phòng mổ nhưng người ta không cho vào; 10 giờ, BS Dung gọi điện cho bà Trịnh Thị Liên (làm tại khoa Dược của BV, bạn của bà Hải) lên gặp. Bà Liên bàng hoàng khi thấy Nguyễn Mai Sơn đã chết trên bàn mổ; 10 giờ 40 phút, một y tá từ phòng mổ ra gọi bà Mai Thị Hải vào gặp BS Dung, nhưng đến cửa phòng, nam y tá kia vẫn không cho vào. Bà Hải phải dúi vào tay anh ta 20 ngàn đồng mới được vào phòng mổ thì đã thấy bà Liên đang vật vã khóc lóc, ôm chặt lấy bà báo tin dữ. Người mẹ bất hạnh ngất lịm, mê man suốt ba ngày liền... Cái chết của Nguyễn Mai Sơn làm cả gia đình, người thân bàng hoàng, đau đớn. Sơn là con trai cả trong gia đình hai anh em, cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thông minh, học giỏi, thi đỗ liền ba trường đại học, sau bốn năm đã có hai bằng đại học chính quy và hai bằng đại học tại chức, nhanh chóng trở thành kỹ sư xây dựng giỏi chuyên môn, được anh em, bạn bè ở Cty quý mến; là niềm tự hào, hy vọng của cả gia đình, dòng họ. Hơn một nghìn người không kể đường xa, công việc đã về Nam Định đưa tiễn chàng thanh niên tài hoa, vắn số. Họ không cầm được nước mắt và càng bất bình trước cách ứng xử của BV cùng những người tham gia kíp mổ dẫn đến cái chết của Nguyễn Mai Sơn...


“TAY MỔ” KHÔNG THỂ THIẾU?


Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước những thông tin liên quan đến kíp mổ trực tiếp phẫu thuật cho Sơn cũng như cách làm việc của BVL&BP. Kíp mổ cho Sơn gồm bốn người là BS Tô Thị Kiều Dung; BS Vũ Đỗ, phụ mổ 1; BS Phạm Lê Huy và BS Đỗ Văn Lợi. Trong đó, BS Tô Thị Kiều Dung làm phẫu thuật viên chính. Là Phó trưởng khoa Ngoại nhưng BS Dung chỉ tốt nghiệp ngoại sản tại Đại học Y Thái Bình. Bác sĩ phụ mổ số 1 Vũ Đỗ cũng chưa hề có một chứng chỉ ngoại khoa nào! Làm việc với luật sư của gia đình BN Sơn, ông Nguyễn Chi Lăng, Phó giám đốc BVL&BP tiết lộ BS Dung đã cầm dao mổ suốt 20 năm nay, BS Đỗ cũng đã mổ gần 20 năm. Ông Lăng khẳng định, theo quan điểm của cá nhân ông thì BS Dung, BS Đỗ vẫn đủ điều kiện cầm dao mổ theo quy định, quy chế của BVL&BP. Chúng tôi không bình luận thêm mà chỉ xin nêu vài vụ việc có liên quan đến BS Dung khi cầm dao mổ tại BVL&BP: Năm 2003, ca mổ của BS Dung đã làm chết BN tên Thủy mới 23 tuổi, làm việc tại Ngân hàng Cổ phần thương mại quân đội, khi Thủy chuẩn bị có một tổ ấm gia đình. Năm 2005, ca mổ của BS Dung đã bỏ quên gạc trong bụng BN Lê Văn Dũng (quê Hưng Yên), và đến nay là cái chết ngay trên bàn mổ của BN Nguyễn


Di ảnh Nguyễn Mai Sơn


Mai Sơn khi kíp mổ còn chưa đóng phẫu trường! Có “ưu ái” nào mà một BS không có trình độ chuyên môn, từng liên quan đến nhiều vụ việc như vậy vẫn được tham gia mổ. Ông Phó giám đốc Nguyễn Chi Lăng cho rằng, làm nhiều thì có sơ suất nhiều, hơn nữa không phải tất cả BN tử vong đều do chủ quan của BS. Hỏi: Vậy trường hợp bỏ quên gạc trong bụng BN Dũng ở Hưng Yên thì nguyên nhân do BS hay BN? Ông Lăng: “Tôi không thụ lý vụ ấy”(!?). Bất ngờ nhất là ông Phó giám đốc BV thanh minh cho BS Dung: “Nếu không cho họ mổ thì chúng tôi phải đóng cửa BV vì thiếu người mổ”. Xin chuyển lời ông Phó giám đốc BV cho lãnh đạo ngành y tế. Phải chăng ngành y nước ta thiếu BS chuyên khoa ngoại đến như vậy, hay đây chỉ là “trường hợp đặc biệt” tại BVL&BP? Chúng tôi được biết, ngày 21-9-2005 (chỉ sau cái chết của BN Nguyễn Mai Sơn hai tuần), BS Dung tiếp tục được giao phụ trách kíp mổ một ca khác!


ĐẨY TRÁCH NHIỆM CHO NGƯỜI CHẾT!


Gia đình BN Nguyễn Mai Sơn chất vấn vì sao kíp mổ thực hiện phẫu thuật mà không yêu cầu gia đình làm giấy cam kết trước khi mổ, Phó giám đốc Nguyễn Chi Lăng bảo: “Không nên băn khoăn về chuyện này vì thực ra nó chỉ là thủ tục hành chính” (!?). Về sau, khi BS Dung nói có ký, nhưng là BN Sơn tự ký, thì ông Lăng lại nói “chúng tôi tưởng không có” (!). Theo BS Dung thì BN Sơn có ký vào giấy cam kết trước khi mổ vì từ 18 tuổi trở lên BN được quyền tự ký. Đây là điều hết sức mâu thuẫn và khó chấp nhận vì trước đó, trong hai lần BV thực hiện hút khí tràn màng phổi cho BN Sơn - một công việc đơn giản và ít nguy hiểm hơn kỳ mổ ngày 7-9-2005 rất nhiều, BV vẫn yêu cầu mẹ và em trai BN phải ký giấy cam kết. Có lẽ nào một ca phẫu thuật như vậy BV lại để BN tự ký trong khi mẹ và em trai BN cũng có mặt? Bây giờ BS Dung nói BN Sơn đã tự ký giấy cam kết, khác nào đẩy trách nhiệm cho người đã chết (?!).


Đáng trách nữa là cách cư xử của BVL&BP và kíp mổ. Từ khi Nguyễn Mai Sơn tử vong đến nay đã hơn 2 tháng, BVL&BP không hề có một văn bản chính thức nào gửi đến gia đình nạn nhân. Trong khi đó, gia đình bệnh nhân phải nhiều lần tìm đến BV, hẹn gặp lãnh đạo BV và kíp mổ nhưng không được trả lời thỏa đáng, cho rằng cái chết của Sơn là “bất khả kháng”. Bà Hải cho biết, trước khi ca mổ diễn ra, bà có hỏi một BS thì người này nói “đây là ca mổ đơn giản nhất trong ngày, chị đừng quan trọng hóa vấn đề”. Rõ ràng những lý do mà lãnh đạo BV và kíp mổ đưa ra có quá nhiều mâu thuẫn khó chấp nhận.


Sau những ngày mê man bất tỉnh, sống mà như điên như dại vì nỗi đau mất con quá lớn, bà Mai Thị Hải gượng dậy khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội, viết đơn gửi BVL&BP đề nghị làm rõ sự việc, nhưng BV không trả lời. Bà tiếp tục gửi đơn tới Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra bộ lại yêu cầu bà quay về BV giải quyết! Đơn của bà được gửi nhiều cơ quan chức năng khác nhưng cũng không thấy hồi âm. Bà trực tiếp viết thư nhờ bà Trịnh Thị Liên (làm tại khoa Dược, BVL&BP) đưa tận tay BS Tô Thị Kiều Dung và BS Vũ Đỗ nhưng hai người không nhận. Bác sĩ Dung còn quay ra trách đồng nghiệp: “Chị định dồn tôi vào chân tường hay sao”(?!). Bà Hải lại gọi điện trực tiếp cho BS Dung, biết bà Hải là mẹ Sơn, bà Dung hét lên trong điện thoại: “Tôi không muốn gặp bà”, rồi cúp máy. Đến nay, việc làm duy nhất của kíp mổ này là gửi về gia đình nạn nhân 50 triệu đồng (sau vài lần “ngã giá” số tiền từ 30 triệu lên 40 triệu rồi 50 triệu đồng) với lý do “rủi ro nghề nghiệp”.


Tiếp chuyện chúng tôi, người mẹ bất hạnh Mai Thị Hải nói trong nước mắt: “Hơn hai tháng nay không đêm nào tôi không khóc. Tôi không đồng ý với kết luận rủi ro nghề nghiệp dẫn đến cái chết của con trai tôi, không đồng ý với số tiền 50 triệu đồng kíp mổ gửi về gia đình tôi, con tôi không phải là món hàng để đem ra trả giá. Con tôi chết rồi, không sống lại được nhưng tôi đề nghị BV làm rõ trách nhiệm những người gây ra cái chết của con tôi để những BN khác không phải chết oan ức, đớn đau như con tôi nữa”.