(Vietimes) http://www.vietimes.com.vn/vn/nguoiquansat/5867/i%20ndex.viet


Thứ bảy, 18/10/2008, 14:25 GMT+7


Thốt nhiên, nghe thấy tên "Mùa đông ấm", tôi lại nhớ tới "Tuyết tháng 4", "Tuyết rơi mùa hè"… - những cái tit oái oăm cho những chuyện tình lãng mạn trên phim, trong nhạc. Liên tưởng của tôi hoàn toàn không ăn nhập. Không có phim Hàn Quốc hay V-pop ở đây. "Mùa đông ấm" là điều mà một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đang dốc sức đem về cho các em nhỏ vùng cao quê tôi, nơi chỉ có hai mùa Lũ và Rét, trong những này cuối năm sắp tới.



>>
Băng tuyết: Bi kịch của nỗi đau và... vẻ đẹp




Các em nhỏ vùng cao với Tình nguyện viên MÙA ĐÔNG ẤM - Ảnh: MDA


"Khi tất cả mọi người đều hướng đến Sapa như điểm đến của hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, với tuyết trắng bao phủ Hoàng Liên Sơn…


Thì ít ai biết đến một Nguyên Bình cũng đang phải co mình trong cái rét dưới 0 độ. Nhiều nơi, tuyết phủ trắng xóa, nước đóng băng trên các cành cây. Tuyết rơi và băng giá làm nhiều trâu bò chết; nông dân thiệt hại lớn về người và của.


Một năm hiền hòa trôi qua với 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, thì một năm ở đây chỉ có 2 mùa Lũ và Rét.


Là một trong 3 huyện khó khăn nhất của Cao Bằng, huyện vùng cao Nguyên Bình chỉ có 5.4% trên tổng diện tích 83.000 ha đất tự nhiên có khả năng canh tác nông nghiệp. Vì vậy cuộc sống của đồng bào các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo đói chiếm gần một nửa.


Chẳng phải khó khăn khi muốn kiếm tìm hình ảnh những em bé đang phải co ro vì lạnh, ngày ngày chống chịu với cái khắc nghiệt của mùa đông bằng những manh áo rách, chân trần đốt đuốc từ sáng tinh mơ để vượt qua suối sâu, thác ghềnh để đến trường…


Bạn đã biết đến một MÙA ĐÔNG ẤM – HÀ GIANG 2007, với 5 tấn quần áo cho hơn 3000 trẻ em nghèo.


Tôi tin rằng bạn cũng sẽ sẵn lòng cùng chúng tôi tiếp tục Hành trình nối những vòng tay, đến với trẻ em vùng cao Nguyên Bình.


Hãy chia sẻ yêu thương để nhận về một MÙA ĐÔNG ẤM".


Thư ngỏ của Nhóm Mùa đông ấm (Warm Winter Group) mà tôi tình cờ đọc được trên mênh mông thế giới mạng khiến tôi ấm lòng. Những ngày hoa sữa thơm nhất, ở giữa Hà Nội, giữa rất nhiều những cuộc vui chơi ích kỷ, đôi khi là những đêm thác loạn của không ít dân chơi 8X, 9X Hà Thành, vẫn có những bạn trẻ đồng trang lứa ấy hướng trái tim mình về nơi phên giậu xa xôi, nơi cuộc sống còn quá nhiều gian khó của Tổ quốc.





Giấy ủy quyền của đơn vị bảo trợ về tư cách pháp nhân cho Mùa Đông Ấm - Cao Bằng 2008 - Tỉnh đoàn Cao Bằng


Cho đi yêu thương và nhận về muôn vàn yêu thương – trải nghiệm ấy của những tình nguyện viên dường đang ngày được nhân lên. Nhớ lại những ngày đầu của phong trào mùa hè tình nguyện – mùa hè xanh – của sinh viên, thanh niên Việt Nam cuối những năm 90 của thế kỷ trước, có lẽ không ít cựu tình nguyện viên thuở ấy phải vui mừng thừa nhận, các bạn trẻ hôm nay đang ngày càng chủ động hơn, tích cực hơn, chuyên nghiệp hơn trong quá trình "làm tình nguyện" của mình. Hồi tưởng mùa hè tình nguyện cuối cùng trong đời sinh viên của mình, cách nay 7 năm, chúng tôi cũng những tấm lòng sôi sục ý hướng sẻ chia yêu thương, lá lành đùm lá rách như các bạn trẻ Mùa đông ấm hôm nay; đội TNT (Tình Nguyện Trẻ) chúng tôi khi đó có lẽ là một trong những đội tình nguyện tự phát đầu tiên, cũng những cuộc họp bàn kế hoạch "tác chiến", tập văn nghệ, đi xin tài trợ… Chỉ có điều, thời đó, chúng tôi chưa có điện thoại di động, internet với Y!M cũng chưa phổ biến, lại càng chưa biết tạo lập, tham gia những diễn đàn trên mạng hay có những kế hoạch truyền thông. Song TNT khi ấy đã vượt qua tất cả để có được những xe quần áo mới, cũ, sách vở, đồ dùng học tập,… có đủ tiền để xây thư viện cho một xã ở huyện Thông Nông (Cao Bằng).


Warm Winter hôm nay, như tôi thấy, đã hoàn toàn làm chủ chương trình hoạt động của mình, với mục đích hết sức rõ ràng: Xây dựng và thực thi các hoạt động mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận; Nâng cao ý thức tình nguyện vì cộng đồng của thanh niên; Làm cầu nối chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn giữa các đối tượng thiếu may mắn và xã hội; Xây dựng mô hình chuẩn về dự án hoạt động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.




Hai trong số những lá thư, tiền lạc quyên và món quà kỷ niệm của học sinh Hà Nội gửi các bạn nhỏ vùng cao. Các em nhỏ đã để dành một phần quà sáng của mình để gửi tặng các bạn. Những lá thư này đã được chương trình đọc trong lễ trao tặng đồ quyên góp, và gửi lại tại các trường học ở đó. - Ảnh: MDA




Phân loại quần áo đã quyên góp được - một công đoạn mà các bạn TNV vui mừng thực hiện - Ảnh: MDA


Các bạn cũng xác định rõ lợi ích của chương trình, mà ở đó, người hưởng lợi trực tiếp là khoảng 2500-3500 em nhỏ từ 1 đến 15 tuổi ở 4 xã khó khăn thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), sẽ nhận được "4 tấn quần áo, vở viết và các đồ dùng học tập"; 20 trẻ em nghèo có tinh thần vươn lên trong cuộc sống cũng sẽ được trao 20 suất học bổng, mỗi suất 100.000 VND. Không chỉ có vậy, các bạn còn ý thức được những lợi ích gián tiếp mà các tình nguyện viên được hưởng, đó là được "tham gia các hoạt động nhóm và học tập cách thức làm việc nhóm"; được "tìm hiểu kiến thức bản địa và cuộc sống của cộng đồng thông qua thời gian làm việc tại địa phương."


Địa chỉ tiếp nhận của Mùa Đông Ấm:



1. Anh Nguyễn Duy Minh: Số 15 ngõ 111 Xuân Diệu, Quảng An,Tây Hồ


ĐT: 0906268478 (Thời gian tiếp nhận: cả ngày)


2.Chị Lê Phương Thảo : Số 62 Phố Đội Cấn


ĐT : 0973348245 (Thời gian tiếp nhận: cả ngày)


3.Chị Đào Thu Trang : Số 310 đường Bưởi


ĐT: 0983325798 (Thời gian tiếp nhận: cả ngày )


4.Anh Thuận : Số nhà 25 ngõ 27 Lương Định Của – Đống Đa – Hà Nội


ĐT : 0942466588 (Thời gian tiếp nhận: từ 9h – 11h và sau 19h )


5.Bác Tuyết : Số 1 ngõ 22 Hàng Vôi – Hoàn Kiếm – Hà Nội


ĐT : (04) 38521056 (Thời gian tiếp nhận: sau 16h)


Đóng góp về tài chính xin gửi về:


Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, VIETCOMBANK


Số tài khoản: 0021001929864


Đồng chủ tài khoản: Nguyễn Huy Bắc


Vũ Hồng Hạnh


1 Chuyên viên mạng TT Internet Việt Nam, 1 sinh viên Bbus6, La Trobe University, 1 sinh viên Báo mạng ĐT K26 (Học viện BC&TT), 1 sinh viên Lớp ĐKTĐ 3, Học Viện KTQS, 1 Chuyên viên Marketing Cty CP Dược phẩm Trường Thọ - đó là 5 thành viên trong Ban điều phối chương trình. Họ đã dựng một Đề án chi tiết, ở đó, mỗi người trong số họ phụ trách một phần việc chuyên biệt nhưng liên kết chặt chẽ: Trưởng ban chủ trì việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi thực hiện các công việc của chương trình. Điều phối TNV: xác định nhu cầu, tuyển, đào tạo và phân bổ TNV; Tìm kiếm địa điểm tiếp nhận; Phụ trách tiếp nhận và phân loại.


Bộ phận tài chính: Chịu trách nhiệm lập dự trù, quản lý thu, chi tài chính; Bộ phận truyền thông Xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông theo từng giai đoạn, xây dựng các tài liệu truyền thông như: Thư ngỏ, thông cáo báo chí, tin nhắn .v.v…; Phối hợp các đơn vị liên quan để đảm bảo công tác truyền thông cho chương trình (bao gồm cả công tác hậu chương trình).


Bộ phận tài trợ: Xây dựng hồ sơ tài trợ, lập danh sách các nhà tài trợ, lên kế hoạch làm việc, và phân bổ nhân sự làm việc với các nhà tài trợ.


Bộ phận giám sát: Giám sát tình hình thực hiện công việc của các bộ phận: Nội dung, tiến độ, vướng mắc, v.v…; Tổng hợp hoạt động của các bộ phận và báo cáo thường xuyên với Ban điều phối


Ban cố vấn: Tham mưu cho Ban điều phối trong các tất cả các vấn đề của chương trình.


Chương trình đã bắt đầu khởi động từ 15/10 và kéo dài tới hết tháng 12 năm 2008.


Vậy là, từ mùa hè tình nguyện, đã có những mùa đông tình nguyện. Từ những đội tình nguyện tự lập hoàn toàn mang tính chất tự phát, đã có những đội tình nguyện tự giác, chủ động cao độ. Trong thành phần các đội tình nguyện, ngoài sinh viên, thanh niên, nay có cả những trung niên, lão niên tình nguyện trong ban cố vấn, mà thường khi họ chỉ đơn giản gọi mình là một tình nguyện viên.


Tôi đang đứng trên đất Cao Bằng, nơi mùa đông năm nay sẽ ấm hơn, bất chấp lo ngại về những ngày giá lạnh khắc nghiệt lại đến. Đàn em nhỏ đang tới trường trong cái nắng mùa thu quê núi, nắng vàng dường héo trong gió se sắt. Nỗi lo một mùa đông băng giá không biết đã kịp neo đâu đó trong những hình hài bé nhỏ kia hay chưa, nhưng trong câu chuyện của mẹ tôi, chị dâu tôi, nỗi ám ảnh về những con trâu bò chết hàng loạt vào mùa đông năm ngoái lại trở về. Bên bếp lửa một đêm chưa giá lạnh, tôi kể cho mẹ tôi, chị tôi và các cháu tôi nghe chuyện về những Mùa đông ấm sắp về. Và, tôi mường tượng, ở xa xôi kia, những nụ cười lấp lánh.


Nhuệ Anh (Vietimes)