Mô hình trường học mới:


]Học sinh tự học với sự hướng dẫn của giáo viên



VĨNH HÀ | 29/03/2013 05:07 (GMT + 7)


TT - “Nếu phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” chủ yếu đưa ra mục tiêu, mong muốn thì việc thực hiện mô hình trường học mới trao cho thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh cách làm”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chia sẻ về việc thay đổi mô hình lớp học đang triển khai rộng rãi ở 63 tỉnh thành hiện nay tại hội thảo bàn về vấn đề này ngày 28-3.


Không phải lớp học được bố trí theo kiểu truyền thống, ở đó học sinh nghe thầy cô giảng bài và ghi chép mà là mô hình lớp học bao gồm mối quan hệ giữa học sinh - học sinh, giữa các giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh và giáo viên với học sinh. Mỗi lớp học sẽ thành lập hội đồng tự quản học sinh do học sinh tự bầu ra, xây dựng các góc học tập, thư viện lớp học, góc cộng đồng trong lớp học, các hộp thư thể hiện tình yêu thương, sự chia sẻ... Học sinh trong lớp cũng được bố trí ngồi học theo nhóm 4-6 học sinh - ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết.


Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết hoạt động giáo dục theo mô hình trên không phải theo cách giáo viên dạy học sinh tiếp thu mà là hoạt động tự học với sự hướng dẫn của giáo viên. Mỗi nhóm học sinh tự chủ động đọc tài liệu theo chỉ dẫn của giáo viên. Giáo viên sẽ đến từng nhóm đặt câu hỏi gợi ý cho học sinh cùng thảo luận. Ngoài hoạt động học tập chính còn có các hoạt động sáng tạo khác như trò chơi toán học, trò chơi tiếng Việt, trò chơi tự nhiên xã hội...


“Lớp học trở nên gần gũi với trẻ từ các góc trang trí của chính cha mẹ học sinh, thầy cô và học sinh tự làm và từ cách chủ động tiếp cận kiến thức” - cô Vi Thị Thủy Anh, Trường tiểu học Châu Hội 1 (Quỳ Châu, Nghệ An), cho biết.


Còn theo nhận xét của thầy Trần Thế Sơn, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Nghệ An, mô hình trên là cách “bắt trẻ tự bơi”, “bắt giáo viên cũng phải tự bơi”. Bởi không chỉ học sinh phải vận động mà thầy cô giáo cũng phải năng động, tự tìm hiểu, tự bồi dưỡng và luôn linh hoạt trong mỗi giờ học.


“Trước đây từng có địa phương thí điểm kiểu lớp học chia theo nhóm, nhưng đã bị dư luận phản đối do nghi ngờ vào hiệu quả giáo dục. Nhưng thực tế triển khai mô hình trường học mới của Bộ GD-ĐT cho thấy đây là cách làm hoàn toàn mang lại hiệu quả, không chỉ đối với học sinh ở vùng thuận lợi mà cả học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó” - ông Sơn nói.


Tuy hào hứng với mô hình trường học mới nhưng nhiều thầy cô, các nhà quản lý tại hội thảo đã bộc lộ băn khoăn về việc phải thực hiện đánh giá học sinh thế nào, đánh giá công tác chuyên môn, chất lượng giờ dạy của giáo viên ra sao.


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD-ĐT đã xây dựng hướng dẫn về đánh giá đối với mô hình này. Nhưng trong lúc chờ đợi hướng dẫn, đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện chỉ đạo: coi trọng đánh giá học sinh trong quá trình học theo hướng động viên, khích lệ, chỉ dẫn học sinh cách vượt qua khó khăn. Việc đánh giá này được triển khai theo các kênh: học sinh đánh giá học sinh, giáo viên đánh giá học sinh, phụ huynh đánh giá học sinh... Tuyệt đối không so sánh học sinh này hơn, kém học sinh kia. Cũng không đặt ra mục tiêu học sinh phải đồng loạt đạt được mục tiêu mà để các em học sinh tự hoàn thành theo khả năng của mỗi em.


Ông Hiển cũng khẳng định: Các trường không tổ chức dự giờ để xếp loại giờ dạy của giáo viên. Việc dự giờ phải thường xuyên với mục đích cùng trao đổi, góp ý và điều chỉnh. Cách đánh giá giáo viên cũng không căn cứ vào hành động của giáo viên trong tiết học mà căn cứ vào hành động của học sinh, cách tổ chức cho học sinh hoạt động của giáo viên.


nguồn http://tuoitre.vn/Giao-duc/540200/hoc-sinh-tu-hoc-voi-su-huong-dan-cua-giao-vien.html