Hai tháng sau khi Kathleen Thoren sinh con trai thứ ba, chị đã chết ở tuổi 25 vì căn bệnh tụ máu, để cho người chồng trẻ 3 đứa con (Míckey 7 tuổi, Kelsey 2 tuổi và Brandy 2 tháng). Biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy Thoren chết vì lượng hormone trực tiếp đi vào tĩnh mạch từ miếng dán tránh thai, do hãng Ortho Evra sản xuất, đã gây nên bệnh tụ máu. Chị sử dụng miếng dán này vài tuần trước khi chết. Thoren chỉ là một trong nhiều trường hợp bị tử vong tương tự.


Theo hãng thông tấn AP, Tổ chức Lương thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhà sản xuất miếng dán tránh thai Ortho McNeil đã biết rõ những vấn đề có thể xảy ra cho những người dùng miếng dán tránh thai từ trước khi sản phẩm này được tung ra thị trường, nhưng cả FDA và Ortho McNeil đều khăng khăng rằng việc sử dụng miếng dán này cũng an toàn như dùng viên thuốc tránh thai.


Những người phụ nữ đã chết đều là những bà mẹ trẻ tuổi, ở tuổi này hiếm quai bị bệnh tụ máu và nếu họ không dùng miếng dán tránh thai. Zakiya Kennedy, sinh viên thời trang 18 tuổi ở Manhattan (New York) đã sụp xuống và chết ngay trong một ga điện ngầm ở New York tháng tư năm ngoái. Sasha Webber, 25 tuổi có 2 con, sống ở New York, chết vì bị đau tim vào tháng 3 năm ngoái sau khi dùng miếng dán được 6 tuần.


Năm 2000, các bác sĩ ở FDA theo dõi các trường hợp dùng plastic mỏng như tờ giấy này đã cảnh báo bệnh tụ máu có thể là một vấn đề, nếu miếng dán này được cấp phép lưu hành.


Qua các thử nghiệm, có 2 phụ nữ dùng miếng dán (trong số hơn 3000 người thử nghiệm) đã phải nhập viện vì bệnh tụ máu đã lan đến phổi. Hãng Ortho McNeil cho rằng một trong hai trường hợp này không thể tính vào vì bệnh nhân đã bị phẫu thuật trước đó. Nhưng trong báo cáo về kết quả thử nghiệm miếng dán, một quan chức tham gia đánh giá của FDA đã viết chữ in và gạch dưới ý kiến của ông để tỏ rõ sự phản đối về những lý giải của hãng Ortho McNeil.


Ông viết: "Với tư cách là người tham gia đánh giá, tôi không đồng ý với kết luận trên của nhà sản xuất. Cả hai trường hợp đều bị tắc mạch máu ở phổi - một tình trạng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao". Ông nói thêm: "Cần phải tiếp tục nghiên cứu về bệnh tụ máu ở những người sử dụng miếng dán sau khi sản phẩm được bán trên thị trường". Nhưng khi miếng dán đã được FDA cho phép lưu hành vào năm 2001, không có một yêu cầu nào về việc tiếp tục nghiên cứu ngoại trừ những yêu cầu báo cáo định kỳ của FDA.


Chỉ sau khi hãng AP quyết liệt yêu cầu FDA cung cấp thông tin theo Luật Tự do Thông tin, FDA mới cung cấp cho AP một cơ sở dữ liệu gồm 16 000 báo cáo về các phản ứng khác nhau từ mẩn ngứa tới tử vong liên quan đến miếng dán này. Trong số những báo cáo đó, AP tìm thấy có 23 trường hợp tử vong liên quan đến miếng dán. Các bác sĩ khám nghiệm 23 tử thi này và phát hiện 17 người bị chết do tụ máu.


Mặc dù lượng oestrogen trong miếng dán ngừa thai và viên thuốc tương đương nhau nhưng khi uống thuốc, hormone được chuyển hoa trong ruột trước khi đi vào mạch máu, còn khi dùng miếng dán, hormone đi trực tiếp vào mạch máu.


Người viết bài này đã thử đi tìm mua miếng dán tránh thai ở TP.HCM. Ở cửa hàng thuốc Lan Anh ngay góc đường Tôn thất Tùng và Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, chị bán hàng nói rằng mới bán hết hộp cuối cùng ngày hôm trước và hẹn mấy hôm nữa mới có hàng về. Chị nói rằng miếng dán cửa hàng bán là hàng của Mỹ.


Thiết nghĩ các cơ quan y tế chức năng nên có biện pháp kiểm tra lại độ an toàn của miếng dán tránh thai khi cho lưu hành trên thị trường VN vì độ rủi ro có khả năng gây tử vong cho người sử dụng. Những phụ nữ đang sử dụng và có ý định sử dụng biện pháp này, nên quan tâm đến những thay đổi nhỏ trên cơ thể và biểu hiện khác thường về sức khoe để đến bác sĩ khám ngay, trước khi mọi chuyện quá muộn như trường hợp của những phụ nữ như Thoren.


Hồng Vân - Theo AP (Bangkok Post)


Trích từ báo Phụ nữ chủ nhật