Medaudo: Thành đạt nhờ kinh doanh trên mạng


Thành đạt vậy, nhưng medaudo vẫn luôn dành thời gian cho chồng con: "Bận thì bận, việc tự mình chăm sóc hạnh phúc tự gieo trồng vẫn hay ho lắm."


Gặp Nguyễn Thị Thu Hiền – Medaudo, tôi cứ băn khoăn không biết gọi chị là nhà văn đi buôn hay nhà buôn viết văn. Bởi lẽ, lúc chị viết cuốn sách đình đám Khi lấy chàng cũng là thời điểm chị đã bắt đầu công việc buôn bán. Và giờ đây, chị là một người bán hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu online uy tín vào bậc nhất miền Bắc. Hãy cùng chị chia sẻ những khó khăn cũng như niềm vui trong gia đình với nghề kinh doanh trên mạng.


"Nhà buôn" bận rộn thế, sắp xếp gia đình rồi buôn bán như thế nào hả "nhà buôn"?


Medaudo và 2 con.


Sáng thì lo quần áo ăn uống cho con gái lớn đi học. Khoảng tới 10h trưa, bắt đầu ngồi gom đơn hàng của khách, trả lời các thắc mắc và ghi sổ những đơn hàng đã chốt để chuyển trong ngày. Trong lúc ấy, khách tới mua hàng vẫn phải bán nhé. 12h trưa, chốt đơn hàng xong các điểm trong ngày, đóng hàng. 13h giao hàng cho xe ôm. Đôi khi tới 3h chiều mới được ăn cơm sáng ấy. Chiều, tranh thủ làm sổ sách, cân đối công nợ những khách lấy buôn. Đóng hàng đi tỉnh, kiểm lỗi hàng hoá, phân loại hàng hoá… Loáng một cái đã đến giờ đón con, cho con ăn, tắm cho chúng nó. Tối, ngồi kiểm tra và trả lời đơn hàng để sáng hôm sau người ta đọc, người ta chốt đơn hàng là vừa. Rồi nghiên cứu và tìm hiểu sản phẩm trên web. Xong xuôi cũng phải 2h sáng mới đi ngủ. Còn những hôm nào mà đi tỉnh nhập hàng thì lịch trên không còn đúng nữa. Tất cả mọi thứ phải gác lại, bọn trẻ con thì phải nhờ bà ngoại và bác giúp việc, còn khách hàng thì trả lời họ muộn hơn.


Khó khăn trong kinh doanh khiến mình cũng phải suy tính nhiều lắm đúng không chị?


Khi nhập hàng cũng phải nghĩ lắm, xem khách của mình họ sẽ mặc đi đâu, làm gì ? Những người mặc ở lứa tuổi nào, ứng dụng của mẫu mã này có được nhiều hơn mẫu khác không? Chỉ cần một lần phán đoán sai, nhập mẫu sai về, ví dụ số lượng 100 chiếc, có khi chỉ bán được 10 chiếc, còn đâu ngồi nhìn mà khóc. Rồi hàng bảo quản không tốt, chuột nó hỏi thăm xem mẫu nào thơm ngon, thế là nó nếm thử, chủ cửa hàng chỉ còn nước tự giữ mà diện Tết thôi. Hoặc hàng khi nhập về đẹp mê li, mẫu mã hợp thời. Nhưng nào ai ngờ khách mang về sử dụng bị phai. Cái này mình cũng không ngờ được mà. Người thông cảm cho thì không sao, người khó tính sẽ nhớ mãi và mang kể cho người khác.


Còn cả những khách hàng khó tính nữa chứ, kinh doanh trên mạng mà gặp phải tiếng xấu từ một thổi lên trăm là lao đao ngay.


Chính xác. Nhiều khi khách mua online đánh giá hàng qua ảnh và đánh đồng ảnh giống nhau là một loại hàng. Có khi là hàng xuất xịn dư ra, nhưng cũng có khi là hàng lỗi loại ra, mà cũng có khi là hàng người ta mua vải về làm thêm số lượng theo mẫu đó. Và chính vì vậy giá cũng khác nhau. Hoặc là khi chúng ta không quen trả phí vận chuyển, chủ cửa hàng lại hì hụi tự trả tiền chuyển hàng cho bác xe ôm, em ạ, chưa kể những ngày mưa gió bão bùng, hay không liên lạc được với người mua vì... điện thoại họ để rung. Chưa kể có những trường hợp khách hàng cầm hàng mang vào trong cơ quan, gọi hết phòng ban này đến phòng ban khác sang thử, sang chọn, sang đánh giá. Làm bác xe ôm đứng đợi cả tiếng đồng hồ ở ngoài...


Medaudo thời trẻ.


Nhưng cũng có dịch vụ nào thuận lợi hơn cho chị em chứ, vì nguyên tắc thế thì cũng gây nhiều hạn chế mà?


Quan trọng là hai bên hiểu nhau để đi đến điểm chung, mua bán xong ai cũng thoải mái và vui vẻ đúng không nào? Để hạn chế những cái không mong muốn hoặc không hiểu nhau ở cả hai bên, trước hết phải quy ước sẵn một số vấn đề sau:


1. Mua hàng có chọn lựa không? Có những hoàn cảnh không chọn lựa được như mưa gió không mang hàng màu trắng đi được, hoặc áo mùa đông cồng kềnh không mang đi để chọn được, hoặc hàng ở nhà đang thiếu làm sao mang đi để chọn được.


2. Hàng có những chi tiết gì không giống với ảnh không. Cái này nói luôn sẽ tránh khỏi việc mang tới nơi khách bảo lừa họ, không giống như họ tưởng tượng.


3. Giá vận chuyển là bao nhiêu? Cái này cũng nói rõ kẻo mang tới nơi lại gọi điện qua gọi điện lại mặc cả với kì kèo.


4. Có chế độ ưu đãi gì cho khách không ?


5. Với các đơn hàng chuyển hàng đi cho khách, ngoài hoá đơn đưa cho khách ghi chi tiết từng khoản. Tên , địa chỉ và số điện thoại của họ. Mình cũng phải có hoá đơn lưu. Để ngộ nhỡ có thắc mắc gì, cả hai bên tra cứu lại còn dễ.


Nhiều người đã lợi dụng sự giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về chất lượng này để trà trộn bán hàng rẻ với giá đắt. Chị nghĩ sao về điều này?


Cái này cũng khó để nói cho đủ ý mình muốn nói. Nhưng nói thật, từ “lợi dụng” ở shop này hay shop khác nó còn phụ thuộc vào cái tâm của người bán. Từ “đắt và rẻ” cũng còn phụ thuộc vào đánh giá của người mua nữa cơ. Vấn đề là ở chỗ người bán không nói rõ hoặc không nói thật, còn người mua thì thích mua hàng xịn nhưng lại đánh giá sai tiêu chí. Làm như thế, quả thật người bán mới là đáng trách. Tất nhiên, mỗi người có nhu cầu khác nhau nên mình cũng cần có nhiều mặt hàng với nhiều giá cả khác nhau để có thể mở rộng lượng khách hàng. Có hàng rẻ tiền nhưng cũng có hàng đắt tiền. Tuy vậy, hàng xấu đẹp ra sao đều phải nói rõ, nói thật với khách. Người ta mặc đẹp, mua được hàng giá hợp lý, sẽ lại có người tới mình mua thôi. Chứ người ta bị lừa, chỉ một lần và mãi mãi, chẳng gặp lại người ta nữa đâu. Các cụ có câu “nó lú nhưng chú nó khôn” mà.


Còn bí quyết nào chia sẻ với độc giả nữa không hả Medaudo?


Có một điểm nữa là khi bán hàng quen rồi, mình có thể nhìn khách mà đoán ra size quần áo họ mặc, gu thẩm mỹ họ thích, và nhìn nước da để có thể giới thiệu ngay cho họ những món đồ đoán họ sẽ thích. Khi ấy, thử lên vừa và đẹp, họ sẽ lấy ngay. Còn cứ bảo khách thử tràn lan, sẽ dẫn đến việc cả khách cả chủ đều mệt mà vẫn không hiệu quả. Hay có những khách quen rồi, mình nhớ được họ có cái áo này, hoặc váy kia, khi nào có món đồ nào kết hợp được và đẹp, mình sẽ chỉ cho họ, khi ấy họ sẽ mua ngay. Hoặc có những khách hàng đặc biệt hơn, khó chọn hơn thì khi nào có món đồ nào phù hợp, mình sẽ nhắn họ biết, khi đó hàng cũng được bán nhanh hơn.


Ông xã có "ý kiến" gì về công việc của vợ mình không nhỉ?


Cũng may mình và ông xã cùng gánh vác chung một nghề. Đôi khi có những lúc “ò í e” nhưng chẳng giận nhau lâu được, vì nhiều việc cần đến nhau quá nên lại phải mở miệng nhờ. Và cũng may mình cũng làm việc ở nhà, không thuê cửa hàng cửa hiệu gì nên vừa anh anh em em được, vừa đỡ áp lực thuê cửa hàng. Bận thì bận, việc tự mình chăm sóc hạnh phúc tự gieo trồng vẫn hay ho lắm.


Còn các cháu có cháu nào xác suất lớn trở thành "nhà buôn tương lai" không?


Mình nuôi con hơi lạ, nhiều khách tới nhà cũng buồn cười. Con bé lớn ba tuổi, mình gọi ra ngồi tập đếm hàng cho khách. Lúc đầu chỉ đếm linh tinh, sau vì ngày nào chẳng có hàng để đếm, nên giờ đếm hàng từ 1 đến 10 rồi xếp ra một chồng riêng thành thục lắm. Con bé em lúc 1 tuổi cũng đã biết màu gì, áo đâu, quần đâu rồi. Cứ vừa bán hàng vừa chỉ cho nó biết đây là màu gì, miết rồi nó cũng quen mà. Giờ 15 tháng, thấy khách bảo: “Chị ơi, tính tiền” là nàng ta lạch bạch đi lấy máy tính và hoá đơn cho mẹ rồi. Biết đếm từ 1 tới 10 rồi. Một trợ thủ rất đắc lực.


Nhưng hơn hết, mục đích cuối cùng là mình muốn các con gái của mình thích lao động, một đứa trẻ lớn lên biết kiếm được ra đồng tiền vất vả như thế nào thì sẽ biết tiêu tiền ra làm sao. Mình cũng muốn chúng nó đón nhận kiến thức từ những cái bình dị và dễ thương quanh mình nhất.


Có lần mình đọc bài báo: “Đừng bao giờ quên ôm trẻ”, thế là từ đó, mỗi ngày ít nhất một lần, phải dành thời gian ôm chúng nó vào lòng để nói rằng: “mẹ yêu các con lắm”... Đứa nào cũng thế, dù mẹ bận không suốt ngày ở bên được, nhưng được ôm là thích chí tít mắt rồi.


Vâng, cảm ơn chị về những thông tin thú vị hôm nay! Chúc "nhà buôn" làm ăn càng ngày càng thuận lợi.


Đỗ Hà


http://www.chaobuoisang.net/medaudo-thanh-dat-nho-kinh-doanh-tren-mang-720382.htm