Bây giờ đang “tháng sáu mùa thi”. Nhìn những khu cổng trường nô nức phụ huynh, bợt bạt, vật vạ lo cho con theo lối “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mà đôi khi con cái còn hư, còn dốt; bỗng dưng tôi buốt lòng nhớ đến Hà Văn Tới.



Hà Văn Tới bên giá vẽ truyền thần cho du khách tại phố cổ Hà Nội.


Sinh ra không biết bố là ai, mẹ phát bệnh tâm thần đi lang thang ăn xin ở quán chợ, nép thân đàn bà ngủ tạm mái lều quê, rồi lắm khi không nhớ đường tìm về nhà mình. Tới đã quyết tâm về Hà Nội học một lúc hai trường đại học. Suốt mười mấy năm qua, bà mẹ hoang tưởng chủ yếu dành thời gian cấm Tới đi học, không cho Tới đi làm…


“Lén chụp ảnh, vì sợ mẹ sẽ không bao giờ trở về”


Tới năm nay 23 tuổi, người làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; hiện đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi quen Tới bởi hai hình ảnh trái ngược nhau cùng ập vào ký ức trong một thời gian ngắn. Không biết có phải do ông trời sắp đặt nên mới oái oăm như thế không? Một đêm, nhiều tuyến phố cấm tiệt các loại xe. Phố đi bộ toàn phần. Cậu bé khôi ngô ngồi bên vỉa hè, dựng giá, treo biển ký họa chân dung rất lãng tử. Nhoáy một cái, ông tây balô hiện ra trên giấy trắng, rồi bà chị Việt Nam trầm tư bước ra từ những nét chì rất mảnh. Ai đó trầm trồ, có tờ đôla Mỹ “bo” trên tay Hà Văn Tới. Tôi bấm vài kiểu ảnh.


Ít ngày sau, lên Cao Bằng công tác, vẫn đeo đẳng những cuốn sách, những bộ phim về số phận người “điên” đi lang thang vô định tự hủy hoại thân xác mình và đồng loại ngoài “đường đời gió bụi”. Tôi dừng lại khi gặp một “bà điên”. Quần áo tả tơi, nói cười lảm nhảm. Một cậu thanh niên đứng phía khuôn hình tôi đang chụp. Cậu cũng cầm một cái máy ảnh bé như bao diêm. Ôi, Hà Văn Tới - gã trai người Tày trong đêm phố cổ!


“Mẹ em đấy. Mẹ không nhớ đường về nhà - nói rồi, Tới lặng đi - Em chụp ảnh mẹ, bởi không còn cách nào khác. Em không ngăn được mẹ đi lang thang. Em sợ sẽ có ngày mẹ không bao giờ trở về nữa, anh ạ”. Tới kể với tôi về mẹ mình. Em không xưng “mẹ em”, mà chỉ gọi là “mẹ”, dường như em muốn viết hoa cái chữ đó, dẫu mẹ em đích thực là một người “điên”.


Ký ức của em chỉ rặt những chuyện buồn. Ông ngoại có hai bà, gia cảnh đều nghèo như nhau. Bà ngoại Triệu Thị Nịnh của Tới 70 tuổi rồi, bà vẫn chưa bao giờ hết nghèo khó. Bà có hai người con, mẹ Tới tên là Triệu Hà Thị Tiến đã đành phận “tâm thần”, em trai mẹ thì lam lũ đủ đường.


Sinh ra không biết bố là ai, Tới từng lang thang theo mẹ vào tận Cầu Sắt (Ea Súp, Đắc Lắc) trồng điều. Mẹ “ra đi” với nỗi “sợ hãi” bị... tấn công đầy hoang tưởng. Sau đó trở về, mẹ lại bớt bệnh, biết trồng sắn bạt ngàn, gọi cả xe Uoát của lái buôn đến “xuất hàng”.


Mẹ có khi còn đảm đang ngồi bán bánh rán ở cổng trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng rất tưng bừng. Buôn nhãn, buôn vịt, buôn gà đủ kiểu. Ai ngờ, đùng một cái, mẹ được người ta làm mối, rồi lấy gá một ông về hưu bằng tuổi... bà ngoại Tới, sống với nhau vài năm. Có khi ngẫu hứng bán cả đàn lợn nhầng nhầng vừa mới thoát cảnh lợn sữa đi cho... vui. Cả nhà hoảng quá cho mẹ Tới nhập khoa Tâm thần của Bệnh viện tỉnh. Mẹ bảo Tới đi mua bánh cuốn cho mẹ ăn. Tới mang bánh nóng trở về, thì mẹ biến mất. Mẹ đi đúng 1 tháng sau mới trở về... xã Hoàng Tung.


Người dân thị xã Cao Bằng và vài xã huyện Hòa An nhiều khi thấy... quen mắt với hình ảnh đi lang thang của mẹ Tới. Khi nhóm phóng viên chúng tôi về địa phương tìm hiểu, ông Thư - Bí thư Đảng ủy xã - xác tín các thông tin xong, ai nấy thảng thốt: Thương mẹ Tới thì đã đành, nhưng ngẫm số phận Tới lại còn xót xa hơn!


Một cậu bé vơ với giữa đời. Đi bán hàng thuê, đi đưa gas cho một cửa hàng ngoài thị xã bao năm, rồi đi đào đất như “nô lệ” để kiếm ăn. Nó làm lụng đến xanh rớt, quắt queo. Đến mức nhà báo đi cùng tôi cứ “ối chao ôi”, cứ xuýt xoa bật cười vì hóa ra nhân vật của mình hôm nay lại chính là thằng bé bao năm vè vè cái xe máy “tự chế” chở gas đến nhà mình. “Thị xã bé trong một tầm tiếng gọi” là thế.


Tới cười hiền: “Có dạo em lại làm thuê ở lò mổ gần thị xã, mỗi sáng ngủ dậy quật một con bò, con trâu! Vất vả quá, lúc đến xin việc ở cửa hàng bán gas, cô ấy bảo: Mày có làm được không? Gầy, da xanh thế? Mà mày có nghiện ma túy không đấy. Em bảo, cô yên tâm. Sau này, cô chú ấy tin tưởng giao cả nhà, cả cửa hàng cho em. Em ở luôn nhà cô chú ấy như con cái”.


Đang “hanh thông” kiếm tiền ăn học, thì mẹ của Tới bỗng dưng... bớt điên dại. “Bà tìm đến cửa hàng ấy, bảo rằng bán gas cho người ta đun, cái khí ấy độc hại lắm, chết người đấy. Về ngay, mẹ mở cho mày một cửa hiệu chữa xe đạp mà kiếm ăn”. Mẹ Tới bị tâm thần thể hoang tưởng, lúc nào cũng sợ bị đầu độc, bị giết chóc, sợ chiến tranh ập đến. Vì thế bà chạy rất nhanh, thoắt một cái là biến mất trong nỗi hoảng hốt. Bà chạy như thể chậm chân một bước là sẽ chết.


“Có lúc mẹ xé bỏ quần áo, xuống ao dầm nước cả ngày. Lên bờ thì có khi cũng vào nhà. Nhà đất, giường tre, bà ngoại 70 tuổi đi nhặt lá trải lên cho mẹ nằm. Mẹ cứ lột áo, nằm dưới đất. Cơm rau, có khi tỉnh táo thì nấu ngon nghẻ lắm, lúc u mê thì nhặt thứ thiu thối về ăn. Áo mới em mua thì vứt bỏ, vì cho rằng trong đó có ướp tẩm chất độc để giết mẹ. Thuốc chữa tâm thần em cho thì mẹ bảo “nó đầu độc”. Em năn nỉ mẹ uống. Mẹ ném thuốc vào miệng, giữ nó ở kẽ răng, em quay ra lấy hớp nước là mẹ nhè thuốc ném qua vai mẹ.


Mẹ thích nhất là lê la ngoài đường, có khi đêm cũng ngủ ngoài cái phản thịt người ta bán ở góc chợ. Trước đó, bà từng nhốt mẹ trong nhà, yêu cầu thực hiện biện pháp “triệt sản” tránh việc mẹ có thai trong vô thức... - Tới bật khóc thút thít - Em ngồi học, cứ nghĩ đến mẹ là người bải hoải, không làm được gì nữa”.



Mẹ của Hà Văn Tới trên bước đường lang thang vô định (ảnh do chính Tới chụp).



“Mẹ viết đơn xin nhà trường không cho em làm SV!”


Sau cái vụ bị mẹ cấm không cho đi bán hàng, Tới làm gì là cứ giấu mẹ hết. Vậy mà hễ bớt lên cơn “tâm thần” là mẹ đi tìm, hoặc viết thư, hoặc gọi điện thoại kêu Tới về với mẹ ngay, kẻo người ta sẽ giết con, giết mẹ, nguy hiểm lắm, chết đến nơi rồi. Tới không bao giờ giận mẹ mình, nhưng “cũng có lúc em chỉ biết ậm ừ, dạ vâng chờ cho mẹ nói hết, rồi em buông máy, thương mẹ vô cùng”.


Có lần đang học ở huyện, Tới thấy mẹ xông vào lớp. Bà bảo, thằng Tới hư hỏng lắm, chúng bạn đừng chơi với nó, không cho nó đi học nữa. Nhiều bạn chưa biết mẹ em bị tâm thần, rất choáng váng. “Lúc em đỗ một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật, chuẩn bị đi nhập học, thì mẹ làm toáng lên. Mẹ bảo, trường ấy... độc hại, lừa đảo. Không biết đào tạo, con đi học là... chết đấy. Rồi bà viết đơn cho nhà trường với “quyền phủ quyết” không cho con trai bà đi học. Mà nó phải ở nhà mở hiệu sửa xe đạp”. Bây giờ, Tới rất sợ mẹ biết em học ở hai trường đại học kia, để rồi đến... phá bĩnh.


Tới về Hà Nội học với hai bàn tay trắng. Địa phương thương quá, họ quyên góp được 5 triệu tiễn chân thằng bé. Tới về thủ đô, làm thuê cho một quán gà rán Philippines, mỗi ngày làm từ 17h đến 22h, mỗi tháng được 800.000đ để lấy tiền ăn học. Sau này thấy “lương” thấp, ngày nào cũng “bấm thẻ” ở chỗ người ta quản lý khắc nghiệt, lại thêm công việc học tập hai trường đại học cùng tất bật quá, Tới bỏ, sang làm bưng bê cho một quán bán ốc buổi tối ở khu Phùng Khoang, gần nơi em trọ học.


Cậu bé chất phác, điển trai, vạm vỡ xì xụp ăn mì tôm trong phòng trọ lợp phibrô ximăng ẩm thấp (thuê cùng hai sinh viên khác). Trên bàn có khẩu hiệu “Can đảm để thành công”, “Tự đột phá mình!”. Phải nói, cậu bé quá thiệt thòi này đã về thủ đô lập nghiệp với tất cả sự can trường của mình. Uống ngụm nước, Tới ra quán ốc luộc bưng bê. Ở đó, họ có một góc phố bình yên, chị Phan Thị Lam - chủ quán ốc - quý Tới như em trai.


Có khi chủ quán, người bưng bê “chạy như cờ lông công” và ẩm khách, thực khách cùng nhau cụng một ly rượu nhỏ, họ thân thiết như người trong một nhà. Bấy giờ đã là 0h, đêm thủ đô nghiêng dần về phía bình minh. Ai bảo Hà Nội có quá nhiều góc chộn rộn và bon chen nhỉ? Những ngày Hà Nội quá rét mướt hoặc không dưng mà “ẩm thực ốc” vắng khách, Tới lại vác giá vẽ vào phố cổ Hà Nội ngồi ở vỉa hè vẽ chân dung thiên hạ.


Em đôi khi vẽ cả hai “phiên bản”, lưu giữ riêng cho mình một chân dung người lạ trong góc nhà trọ sinh viên. Tới bảo, bưng bê quán ốc hay ký họa chân dung, em thấy dường như không phải mình đang làm thuê kiếm sống nữa. Nó cũng là niềm vui.


Thi thoảng Tới lại gọi cho tôi. “Có ai cứu được mẹ em không? Lang thang thế thì mẹ chết mất, ăn bẩn thỉu, xé quần áo, quên lối về nhà mình, mẹ em có thuộc diện người tâm thần, được các chuyên gia điều trị và quản lý không hả anh?” - nói rồi, Tới im lặng rất lâu. Em khóc.


Hải Trình - Doãn Hoàng


http://laodong.com.vn/Phong-su/Me-khong-nho-duong-ve-nha/70224.bld