(Nguoiduatin.vn) - Thương hiệu Mai Linh vẫn tràn trề sức mạnh nhưng con số lỗ lên tới gần 29 tỷ đồng sau 6 tháng, mỗi tháng trả lãi ngân hàng 8-12 tỷ đồng cho thấy tập đoàn đang có những dấu hiệu của sự tụt dốc.


Nghi vấn khuất tất trong BCTC 2011 của Mai Linh


Nhân viên hãng taxi Mai Linh đình công



Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính dẫn những số liệu mới công bố của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (MLG) cho thấy, trong cơ cấu nguồn vốn gần 5.580 tỷ đồng của MLG tại thời điểm 30/6, “Nợ phải trả” đã chiếm 4.690 tỷ đồng, tương đương 84%. Chỉ tính riêng khoản vay dài hạn từ ngân hàng của MLG con số đã lên đến hơn 830 tỷ đồng. Theo công bố của MLG, khoản vay này có thời hạn từ 48 đến 60 tháng với lãi suất 1-1,42%/tháng, tương ứng mỗi tháng MLG sẽ phải trả lãi vay dài hạn cho ngân hàng từ 8-12 tỷ đồng.


Chưa kể MLG còn vay tín chấp các đối tượng khác 685 tỷ đồng với lãi suất 1,8-1,84%, nhưng lại không cho biết đây là lãi suất cho kỳ hạn nào. Nếu đây là lãi suất tính theo năm có thể MLG vay được nguồn vốn giá rẻ, nhưng xem ra khá phi thực tế; còn nếu đây là mức lãi tính theo tháng thì lại khá cao, vì 1,8-1,84%/tháng quy ra năm sẽ lên đến 21-22%/năm. MLG cũng có hơn 300 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng với lãi suất 1,42-1,75%/tháng, tương ứng 17-21%/năm.



Mai Linh đang có dấu hiệu tụt dốc nghiêm trọng



Đặt trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay từ 20%/năm có thể xem là quá sức chịu đựng đối với nhiều doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của MLG trong 6 tháng đầu năm 2012 là hơn 272 tỷ đồng, gấp đôi chi phí quản lý doanh nghiệp, gấp 4 lần chi phí bán hàng và tương đương 67% lợi nhuận gộp. Hiện nay có những doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất chỉ bằng phân nửa lãi suất của MLG, tức vào khoảng 10%/năm hoặc 12-14%/năm là khá phổ biến. Vậy tại sao MLG lại phải vay với lãi suất cao như vậy?


Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc thua lỗ trầm trọng của tập đoàn này trong khi thương hiệu Mai Linh vẫn là một cái tên "hot".


Theo phân tích đánh giá của các nhà chuyên môn, thế mạnh của MLG là kinh doanh vận tải, nhưng sa lầy vì tham vọng đầu tư đa ngành. Cũng tương tự, MLG hạch toán giá gốc của các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 226 tỷ đồng vào bảng cân đối kế toán, nhưng lại không trích lập dự phòng cho các khoản này. Tuy vậy, các công ty con của MLG như Mai Linh Đông Nam Bộ, Mai Linh Đông Đô, Du lịch Mai Linh… cũng chưa rõ có làm ăn có lãi hay không. Chưa kể trong danh mục đầu tư của Mai Linh còn có hơn 23 tỷ đồng dành cho “cá nhân và tổ chức khác” mà không rõ đây là hoạt động đầu tư gì? Giả định trích lập dự phòng một tỷ lệ khá “nhẹ nhàng” là 10% cho các khoản mục phải thu và đầu tư dài hạn của Mai Linh, giá trị trích lập sẽ lên đến gần 140 tỷ đồng.


Trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của MLG, có tổng cộng 57 công ty con được hợp nhất và 2 công ty con không được hợp nhất. Nhìn vào tên những công ty con của MLG như SX&TM Mai Linh, Địa ốc Mai Linh, Cà phê Arabica Mai Linh và một loạt công ty Mai Linh gắn với tên các tỉnh, thành trong cả nước, cảm giác đầu tiên sẽ là cực kỳ rối.


Với quy mô vốn điều lệ 876 tỷ đồng MLG cũng không phải là công ty quá lớn, tương xứng với danh xưng “tập đoàn”. Ngành taxi nói riêng và vận tải nói chung đem lại nguồn thu khá tốt cho MLG và có thể nói đây là một ngành khá hiệu quả. Vậy, kết quả kinh doanh kém cỏi của MLG có phải có phải bắt nguồn từ những hoạt động khác?


Báo cáo 6 tháng đầu năm 2012 của MLG ghi nhận một sự khác biệt rất lớn so với các báo cáo trước đây, khi công ty đã chủ động công bố một cách chi tiết hơn và việc này lý ra đã phải làm từ rất lâu. Đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi phải chăng MLG không muốn hay do có quá nhiều số liệu phức tạp phải rà soát nên giờ mới công bố?


Tuấn Khanh (Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính)



http://www.nguoiduatin.vn/mai-linh-dang-tren-da-xuong-doc-a59022.html