http://www.zing.vn/news/kinh-doanh/loan-bang-ve-sinh-nhai-nhu-that/a264195.html


"Mình thấy nhiều hãng BVS rất lạ như Lan Tim, An Ly, Koteik, Koletr..., chưa nghe tên bao giờ, mẫu mã cũng khá giống với những loại BVS thông thường nhưng nhìn kỹ thì không thấy có hạn sản xuất và ngày sử dụng".


Những sản phẩm băng vệ sinh (BVS) phụ nữ lạ hoắc được báy bán tràn lan tại nhiều điểm bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ với giá bán chỉ bằng 1/3 giá được đưa ra trên bao bì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho khá đông người sử dụng.


Tràn lan BVS kém chất lượng


Vào một cửa hàng tạp hóa ở Hải Dương hỏi mua BVS, người viết được chủ quán đưa ra những sản phẩm mang những nhãn hiệu lạ tai như Lan Tim, An Ly, Koteik, Koletr… Khi được hỏi những sản phẩm này lấy từ đâu thì có chủ quán cho biết là do người của nhà sản xuất đưa tới, một quán khác thì lấy lại từ đại lý về bán lẻ.


Lan Tim, An Ly, Koteik, Koletr... là những sản phẩm BVS dành cho phụ nữ xa lạ với nhiều người và có lẽ nó chỉ được biết đến bởi những người phụ nữ tỉnh lẻ, họ là những người không có điều kiện kinh tế để sử dụng những loại đắt tiền, hơn nữa khi mua hàng họ lại ít để ý tới các thông tin ghi trên bao bì mà chỉ quan tâm là giá cả vừa phải.


Chị H., đang sống và làm việc ở Hà Nội, cho biết: "Về đây mình thấy nhiều hãng BVS rất lạ, chưa nghe tên bao giờ, mẫu mã cũng khá giống với những loại BVS thông thường nhưng nhìn kỹ thì không thấy có hạn sản xuất và ngày sử dụng nên mình không dám mua".


Chị Thu, 22 tuổi, thường sử dụng những sản phẩm BVS được bày bán tại một cửa hàng nhỏ cho biết: "Đi mua đồ này chỉ nhanh chóng cho xong chứ ít khi đứng lại mà xem mẫu mã hay thông tin sản phẩm. Hơn nữa, mấy quán quanh đây cũng toàn bán những loại nghe tên rất lạ, trước đây còn có loại không có tên. Nhưng mình dùng quen rồi nên cứ thế dùng thôi, với lại giá lại rẻ, phù hợp với người vùng quê mình".


Nhà sản xuất... "chiều khách"


Ghé vào vài quán bán hàng nhỏ lẻ, người viết hỏi mua về mỗi loại một túi. Rồi theo số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm, tôi gọi điện tới nhà sản xuất và nêu ra thắc mắc của mình rằng tại sao giá bán sản phẩm lại thấp hơn nhiều so với giá gốc ghi trên mặt túi.


Gọi đến số điện thoại 0913259**4 của nhà sản xuất ghi trên sản phẩm Lan Tim (bao bì ghi là sản xuất tại nhà máy công nghiệp Đông Đô, khu công nghiệp Từ Sơn- Bắc Ninh), một người thanh niên nhấc máy. Khi tôi trình bày thắc mắc rằng tại sao giá sản phẩm ghi trên mặt túi là 6000 đồng/túi mà bán tới tay người tiêu dùng lại chỉ có 4000 đồng thì nhận được câu trả lời với một giọng ấp úng: “À… đấy là…do người đặt hàng đặt thế, người ta muốn ghi giá cao để thu lời nhiều nhưng có thể gặp em người ta mới bán rẻ…Đấy là bọn anh chiều khách”.


Lại đem câu hỏi trên gọi điện tới số điện thoại 0912651**3 của hãng Koletr (sản xuất tại khu công nghiệp Bình Dương), vẫn là người thanh niên kia nhấc máy, tôi vừa nêu câu hỏi, ngay lập tức người thanh niên này nhận ra tôi ngay vì tôi vừa kết thúc cuộc gọi trước với anh ta. Thắc mắc này chồng lên thắc mắc kia. Tại sao hai hãng sản phẩm khác nhau, hai nhà sản xuất khác nhau và hai số điện thoại khác nhau lại đều cùng một người nghe máy? Câu hỏi vừa được đưa ra thì anh ta liền trả lời: “Anh là người điều hành, nên quản lý rộng lắm” rồi tắt máy.


Nhà sản xuất lảng tránh thắc mắc người tiêu dùng


Chưa muốn dừng lại, tôi gọi điện tới nhà sản xuất của hãng sản phẩm An Ly và nêu ra thắc mắc của mình, một người đàn ông khoảng 30 tuổi trả lời lại với nội dung: “Bây giờ hàng giả nhiều lắm nên các cô mua phải để ý, xem xét cẩn thận”. Nhưng khi được hỏi trên bao bì ghi đầy đủ các thông tin về sản phẩm, về nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, trông giống hệt (mà thực chất là nhái) với các loại BVS thông thường thì làm sao người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là giả, đâu là thật mà mua, kết quả nhận được cũng chỉ là những câu nói kiểu khuyên "người tiêu dùng phải biết chọn lựa cẩn thận trước khi mua".


Trong cuộc trò chuyện với nhà sản xuất của hãng BVS Koteik, khi tôi nói rằng “mua hàng giá rẻ thì người ta sẽ nghĩ là sản phẩm không đảm bảo chất lượng?”, người trực tổng đài vội thanh minh: “Hàng này là hàng tốt, hàng bình dân nhất, còn loại tốt hơn nữa” rồi nói lảng sang những chuyện khác, tránh những câu hỏi liên quan đến sản phẩm của tôi.


Giá rẻ bất ngờ


Có lẽ chưa bao giờ người ta lại mua được túi băng vệ sinh với một mức giá "hời” như vậy. 3.500 đồng cho một túi BVS An Ly ghi giá 7.500 đồng. Chỉ với 2.500 đồng bạn đã mua được một túi BVS Koteik ghi 7.500 đồng và chỉ mất 3.500 đồng để mua một túi Koletr với giá gốc ghi trên sản phẩm là 9.500 đồng. 3000 đồng/ gói An Ly 7 miếng trong khi giá thực là 7.500 đồng. Số tiền mà người tiêu dùng phải bỏ ra chỉ bằng 1/3 số tiền ghi trên bao bì. Với một sự chênh lệch mức giá lớn như vậy thì liệu rằng chất lượng của những hãng sản phẩm này có đảm bảo chất lượng cho người sử dụng?


Một điều đáng chú ý nữa là bao bì nhìn qua có vẻ giống với các hãng khác, có đầy đủ các thông tin về sản phẩm, về nhà sản xuất, hướng dẫn cách sử dụng, không quên kèm theo những lời quảng cáo như “100% nguyên liệu nhập ngoại, khô thoáng, eo thon, mềm mại và mịn màng" nhưng tuyệt nhiên không hề tìm thấy bất kỳ dòng nào ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Có hãng Koletr ghi hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất thì người sử dụng lại không thể tìm thấy ngày sản xuất ghi ở đâu trên bao bì.


Việc sử dụng những sản phẩm băng vệ sinh là hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng sẽ có thể gây ra nhiều tác hại cho chính bản thân người sử dụng. Tổng đài tư vấn sức khỏe 19008909 cho biết hậu quả có thể gây ra từ việc sử dụng những loại BVS kém chất lượng là dẫn tới dị ứng, tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Trong trường hợp sử dụng BVS kém chất lượng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai, cũng có trường hợp dẫn tới vô sinh. Ngoài ra với những loại có bề mặt cứng còn có thể dẫn tới cọ xước và gây ra nhiễm khuẩn cao.


Nguồn Zing.vn