Một cặp vợ chồng từ Hải Phòng mua đến 17 cặp vé VIP đêm live show của Bằng Kiều. Giá vé chợ đen lên đến 12 triệu/cặp. Có lẽ chưa bao giờ giá vé coi ca nhạc ở Việt Nam cao lên đến mức này.


Gần 400 chỗ ngồi tại sân khấu Lan Anh vào đêm live show của Bằng Kiều, 26.10, đã gần kín chỗ dù giá vé thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 3,5 triệu, giờ chót giá vé chợ đen còn lên đến 12 triệu/ cặp. Còn ở Hà Nội, trước ngày diễn là 28.10, một cặp vợ chồng từ Hải Phòng lên mua đến 17 cặp vé VIP, dù giá cao ngất ngưởng: 4 triệu đồng/ vé.


Xem Bằng Kiều hát để thể hiện đẳng cấp?



Có lẽ chưa bao giờ giá vé coi ca nhạc ở Việt Nam cao lên đến mức này. Liệu Bằng Kiều có phải là gương mặt xuất sắc nhất của làng nhạc Việt Nam ở cả trong nước và hải ngoại? Liệu tình yêu âm nhạc của người Việt Nam là tràn đầy bất chấp khó khăn kinh tế?


Hay nhìn một cách tiêu cực, đây chỉ là những cơn sốt giả về một đám đông nhà giàu mới muốn chứng tỏ tình yêu nghệ thuật và sẵn sàng chi trả cho âm nhạc tương tự những bữa ăn sang và món hàng thời thượng?


Ngay khi thông tin Bằng Kiều về nước, khán giả Việt đã xôn xao. Sở hữu chất giọng cao hiếm có, Bằng Kiều đã trở thành một gương mặt xuất hiện đều đặn trên một chương trình ca nhạc nổi tiếng ở hải ngoại (Thúy Nga Paris By Night), thậm chí nhà sản xuất chương trình còn tận dụng anh trên cả sân khấu hài với những màn kịch nhàn nhạt.


Trước khi rời Việt Nam sang Mỹ, Bằng Kiều chưa từng ở vị trí số 1 trong làng giải trí và lúc đó, anh chỉ là một trong những nam ca sĩ có chất giọng đẹp tách ra từ ban nhạc Quả Dưa Hấu. Sự hút khách của anh, dường như chỉ bắt đầu khi có lệnh cấm anh về nước trình diễn vì những phát ngôn của anh về môi trường nghệ thuật trong nước.


Mà đời, có quy luật rồi, cái gì càng cấm thì càng thu hút, càng cấm thì càng quý. Đêm nhạc của anh, vì thế, có thể nói đã được “PR” một cách miễn phí trong nhiều năm trước.



Sự trở về của Bằng Kiều được giới truyền thông săn đón ráo riết


Cầm được một chiếc vé xem Bằng Kiều trong tay là nỗi ước ao của nhiều người, dù không phải ai cũng có thể giải thích vì sao lại khát khao đến vậy. Không như nhiều ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại thời kỳ trước như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Hương Lan…, Bằng Kiều không ghi dấu ấn bằng một dòng nhạc cụ thể mà dường như gì anh cũng hát, từ sang, sến, hiếm có đến thị trường.


Tất nhiên, mọi thứ đều được khoác bằng một “chiếc áo đẹp” và hiếm có. Bằng Kiều, có thể nói là một dạng dễ tính. Những màn hài vô thưởng vô phạt anh còn làm được thì huống hồ là những giai điệu.



Truyền thông làm mờ mắt công chúng


Quay trở lại chuyện hiệu ứng từ đám đông dành cho Bằng Kiều. Những thợ săn ảnh ở thị trường báo lá cải mới nổi của Việt Nam rập khuôn một lối từ Hollywood, từ cách làm nhòe ảnh, zoom in cho đến những màn dàn cảnh cho có vẻ truy lùng dù sự thật vô cùng đơn giản. Và thế là, không chỉ có Bằng Kiều in concert 2012 mà còn có Bằng Kiều và vợ đi ăn tối, con trai Bằng Kiều đi khách sạn, gia đình Bằng Kiều đi bơi. Và dự đoán trong tương lai sẽ có cả Bằng Kiều đi ăn bún đậu.


Không có gì bất ngờ khi đêm diễn kết thúc, hàng loạt trang báo mạng tung những lời khen chót vót dù gút lại, họ cũng chả biết khen gì khác ngoài Bằng Kiều và chất giọng cao. Trang mạng xã hội của các nhà báo cập nhật từng bức ảnh trong live show, kể từng chi tiết về một đêm diễn mà mình được mời (tất nhiên) để có nhiệm vụ ca tụng.


Hiếm hoi lắm mới có một lời tỉnh táo. Dù chất giọng hay hiếm có như đã nói, Bằng Kiều lại khá tham lam khi chọn cho mình quá nhiều loại nhạc. Đó là chưa kể, không gian âm nhạc ở một nơi loãng dành cho mấy ngàn người như sân khấu Lan Anh không thích hợp cho việc thưởng thức chất giọng đẹp một cách đích thực. Sự bình tĩnh đã không có khi hiệu ứng đám đông đang lôi kéo tất cả.


Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ khi Khánh Hà, Tuấn Ngọc về nước những ngày đầu. Những lời ca tụng đẹp nhất đã dành cho họ trên mặt báo, và rồi sau đó, như một món ăn đã trở nên quen thuộc, những mỹ từ cũng thưa thớt dần, tỷ lệ thuận với giá vé xem show cũng kéo xuống từ từ.


Làm sao không khỏi chạnh lòng khi âm nhạc và nghệ thuật đang bị công chúng Việt cư xử như một món hàng. Có hàng mới-thời thượng, hàng giảm giá cuối mùa. Họ bị tác động bởi những màn trình diễn truyền thông tuyệt hảo mà hiếm khi tự ngồi nhìn nhận âm nhạc đích thực không cần phải có những đêm điên cuồng, bột phát để rồi sau đó bi đát và thê lương.


Không gian âm nhạc tại Hà Nội là một minh chứng điển hình khi chương trình định kỳ này quy tụ tất cả những giọng ca đẹp của Việt Nam, sống sót và được tung hô trong một năm đầu với giá vé có lúc đến 3 triệu đồng, để rồi bây giờ lại đóng cửa vô thời hạn vì doanh thu không đủ chi như trước.


Tình yêu nghệ thuật là điều cần phải được học hỏi, xây dựng, duy trì suốt đời một con người. Nó chẳng phải là một chiếc áo đẹp, cũng chẳng là một món hàng. Tình yêu đích thực nó bền bỉ và thầm lặng hơn.


Rồi đây, trước sức hút và hào quang thoáng chốc, Bằng Kiều có thể sẽ về nước thường xuyên hơn. Rồi anh sẽ đi diễn phòng trà, rồi sẽ không còn thợ săn ảnh nào theo chân anh nữa, rồi anh cũng sẽ bớt thời thượng. Lúc đó, Bằng Kiều mới thực sự tìm được những khán giả yêu mến, trân trọng giọng hát anh một cách thực sự. Và chưa chắc, cặp vợ chồng Hải Phòng nào đó từng bỏ tiền mua 17 cặp vé có còn đi xem anh lại, khi giá vé rẻ hơn nhiều lần.



Theo Thế Giới & Hội Nhập


http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/95207/liveshow-bang-kieu--nghe-thuat-hay-mon-hang-thoi-thuong.html