Lệ Quyên: 'Tôi từng bị khán giả đuổi xuống sân khấu!'


"Cay đắng trong nghề hát thì ca sĩ trẻ - những người chuyên hát lót là hiểu và cảm nhận rõ ràng nhất. Tôi vẫn còn nhớ mãi những gì mình từng trải qua, và sẽ còn nhớ đến khi nào không cầm mic nữa", Lê Quyên chia sẻ.


Chủ nhân của album Khúc tình xưa 2 này được xem như một trong rất ít những ca sĩ miền Bắc thực sự thành công và được yêu mến tại TP.HCM. Không những thế, mảnh đất phương Nam này còn ưu ái khi "tặng" cho cô một tổ ấm viên mãn cùng với người chồng thành đạt và cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu. Cô ca sĩ được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc xưa" cũng không ngần ngại chia sẻ về quãng thời gian mà mình từng là "bản sao" của những ca sĩ thành danh trước như Phương Thanh, Cẩm Ly, Mỹ Tâm...


"Quá khứ là một phần trong thành công của tôi"


- Với những danh tiếng đã tạo dựng được trong showbiz mà không cần phải vướng vào bất cứ một scandal nào đáng kể, chị có bao giờ tự nhận thấy rằng mình là một trường hợp khá lạ?


- (Cười). Tôi lạ chứ! Rất lạ là đằng khác. Nói thật lòng, nếu để nghĩ ra một vài chiêu trò, hay thêm vào sự nghiệp một số scandal thì chắc chắn là không thể làm khó được tôi đâu. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều đó là cần thiết. Với lại, một trong những điều khiến tôi sợ nhất là áp lực của dư luận, nên sẽ chẳng bao giờ tôi chủ định làm việc này. Tôi tin mình là một ca sĩ có thực lực và có thể đi lên bằng chính khả năng. Thành công đến với tôi còn nhờ yếu tố may mắn, cái duyên trong nghề mà tôi có được và những tình cảm của khán giả.


- Nhưng với những ai đã từng quen chị từ cái thời còn là ca sĩ phòng trà với mức cát-sê dăm ba trăm ngàn thì hẳn sẽ biết con đường đi tới thành công đối với chị chẳng dễ dàng gì?


- Để "với" được tới mức cát-xê như bạn vừa nói thôi, tôi cũng đã phải mất tới vài năm để phấn đấu rồi. Đối với các bạn ca sĩ trẻ bây giờ thì đúng là tôi nổi tiếng khá muộn. Muộn vì tôi đã bắt đầu từ một con số 0 tròn trĩnh nhưng đây cũng là điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất. Người ta thường hay nói, "có bột mới gột nên hồ", còn tôi thường hay tự đùa rằng mình gột nên hồ từ... nước lã. Bởi vậy nên tôi luôn cảm thấy trân trọng với những gì mình làm được, dù chỉ là những điều rất nhỏ nhặt.


- Vậy khi đã trở thành một ngôi sao với cái tên đủ tạo nên doanh thu cho một chương trình như bây giờ, liệu chị có "ngại" khi nhắc đến cái thời điểm còn là... "nước lã" của mình không?


- Quãng thời gian quá khứ ấy là một phần trong thành công của tôi, vậy tại sao phải ngại? Nhưng đúng là đôi khi nhắc đến, vẫn có thể khiến tôi rơi nước mắt đấy! Cay đắng trong nghề hát thì ca sĩ trẻ - những người chuyên hát lót là hiểu và cảm nhận rõ ràng nhất. Thực sự cho tới giờ phút này, khi đã có được cho mình một chỗ đứng, tôi vẫn còn nhớ mãi những gì mà mình đã từng trải qua, và sẽ còn nhớ đến khi nào không cầm mic nữa thì thôi. Khi không có danh phận thì chuyện bị bầu sô, chủ quán mắng sa sả ngay trước mặt người khác là bình thường. Tủi nhục lắm nhưng vẫn phải cắn răng chịu. Có những hôm trời mưa như trút, hát xong, tôi vừa khóc vừa đội mưa để về cho mau vì sợ gia đình lo.


Song điều kinh khủng nhất của tôi ngày xưa hay bất kỳ một ca sĩ nào trong vị thế hát lót đều đã từng gặp là bị khán giả đuổi xuống khỏi sân khấu. Họ không chửi tôi hát dở mà vì họ không thích nghe tôi hát nữa, họ chỉ thích xem “sao” hát thôi. Không ít người phũ phàng ném vỏ chai nước, quăng rác, giấy và làm những hành động cực kỳ thiếu văn hoá. Vì vậy, tôi đồng cảm và rất thương những người ca sĩ đang có bước khởi đầu như tôi trước kia - cái thuở lận đận không danh phận, sức lao động bị bóc lột và danh dự vào coi thường…


Nhưng cũng chẳng thể đổ hết lỗi cho khán giả. Bởi như tôi khi ấy làm gì có tiền để mua ca khúc hay, mà nếu có, chưa chắc nhạc sĩ đã muốn giao sáng tác của họ cho mình. Thế nên ca sĩ trẻ tụi tôi chỉ biết cover lại những bài hit của các ca sĩ tên tuổi. Khi ấy tôi là một cái gì đó không rõ rệt, bài nào hay tôi hát và dù có trình bày tốt đến mấy đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là một ca sĩ ăn theo người ta. Lúc đó mong ước cháy bỏng nhất của tôi là có được ca khúc cho riêng mình, để mà không phải là Phương Thanh hay Mỹ Tâm, không bị người ta gọi là một bản sao ăn theo Thanh Thảo, Mỹ Lệ, Cẩm Ly...


- Nhưng rồi chị cũng đã có được những thành công. Đó chẳng phải là phần thưởng xứng đáng cho những gì đã phải trải qua đó sao?


- Vâng! Và tôi thấy mình là một trong số ít những trường hợp may mắn, bởi trong nghề này, rất nhiều người đã phải bỏ cuộc. Dù họ rất yêu nghề nhưng cũng đành từ bỏ cũng chỉ vì những điều như thế. Họ không tìm được lối đi, lối thoát cho chính mình và họ buộc phải dừng lại.


- "Thầy già con hát trẻ", dăm bảy năm miệt mài cho hy vọng đến một lúc thành công giống như chị có vẻ là khá hi hữu và dường như hơi... khó đi. Chị nghĩ sao về sự đánh đổi để nhanh chóng có được thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi?


- Tôi không bao giờ phán xét người khác và cũng luôn nghĩ rằng mình còn chưa đủ tư cách để phán xét bất kỳ ai. Trong cuộc đời này, mỗi người lại có một quan điểm khác nhau về sự đúng - sai, phụ thuộc vào việc nhìn nhận của họ. Nếu họ chấp nhận đánh đổi để rồi được thành công thì điều đầu tiên phải khẳng định là họ có bản lĩnh, họ hơn mình rồi. Tất nhiên, được - mất thì rõ ràng lắm, nếu họ tự cảm thấy chấp nhận được thì không có gì đáng nói cả.


"Tôi thì có lý lẽ riêng để bảo vệ dòng nhạc của mình!"


- Có bao giờ chị nghĩ mình sinh nhầm thời? Biết đâu nếu lui lại thêm vài năm, sự nghiệp của chị sẽ dễ dàng hơn, giống như rất nhiều những ca sĩ trẻ bây giờ, trở thành "ngôi sao tuổi teen" chỉ bằng vẻ ngoài xinh đẹp và ăn mặc hợp thời?


- Chuyện thành danh và thành công trong nghệ thuật là một điều rất vô chừng, khó nắm bắt và đoán định. Không thể nói được rằng việc trở thành ngôi sao của lứa tuổi teen là dễ hay khó. Trước hết phải có phong cách gần gũi với teen trước đã. Bây giờ bảo tôi “cưa sừng làm nghé” là bất khả thi.


- Vậy xem ra việc trở thành ca sĩ thần tượng của giới trẻ cũng đơn giản quá. "Trai xinh gái đẹp" trên sân khấu bây giờ nhiều quá mà chất giọng thì dở tệ, đến mức phải dối lừa khán giả bằng việc hát nhép?


- Thực tế đúng là như vậy. Thật ra chiều lòng khán giả tuổi teen cũng dễ lắm! Đôi khi, chỉ vì họ nhìn thấy họ thật dễ thương, ăn mặc phong cách, cá tính… là đã có thể hâm mộ và tôn vinh rồi. Nhưng tôi thấy điều này cũng bình thường thôi, khán giả sẽ tự biết lựa chọn thực đơn cho đôi mắt và đôi tai của mình. Họ có thể nhất thời yêu thích nhanh chóng, nhưng để giữ chân được họ lâu dài thì không đơn giản. Cái gì theo phong trào, theo thời vụ thì cũng dễ bị đào thải và lãng quên.


- Đứng trên góc độ nghề nghiệp, chị có đánh giá cao họ không?


- Tôi nghĩ miễn là họ thành công thì đã là điều đáng để ghi nhận. Như trường hợp của tôi vậy, ở thời điểm mới được biết tới, có không ít người cho rằng cô ca sĩ Lệ Quyên sẽ trở thành "sao", nhưng mà là "sao" thị trường, "sao" không có đẳng cấp. Còn tôi thì có lý lẽ riêng để bảo vệ dòng nhạc của mình. Dù theo đuổi dòng nhạc nào, là một nghệ sĩ, trước hết cần phải có khán giả. Khi không được ai quan tâm xem họ đang hát cái gì, làm cái gì… thì đó mới là điều thất bại. Còn khi mình được chấp nhận nghĩa là vẫn đủ tự tin đi tiếp con đường ấy.


Từ việc lựa chọn cho tới cách xử lý ca khúc của chị đều thấy rõ rệt một sự trải nghiệm, một sự day dứt cả trong tình yêu và cuộc sống. Kiểu đó có lẽ không khi nào phù hợp với giới teen nhưng thật lạ rằng khá nhiều những khán giả trẻ trong độ tuổi ấy lại thuộc nằm lòng những bài hát của chị, thậm chí còn sử dụng làm nhạc chuông, nhạc chờ... Điều này có khiến chị ngạc nhiên?


- Khán giả trẻ bây giờ có trình độ nhận thức và cả vấn đề tâm sinh lý đều phát triển sớm hơn thế hệ trước rất nhiều. Thêm nữa, sự phát triển của đời sống xã hội, sự tiến bộ vượt bậc của Internet đã giúp các bạn có được sự lựa chọn đa dạng hơn chứ không bị động để thầy cô, cha mẹ "cho gì nghe nấy". Tôi không ngạc nhiên, nhưng tôi tin rằng các em vốn dĩ chưa có được những trải nghiệm sống, va vấp lớn lao về tình cảm để có thể hiểu hết, để cảm nhận trọn vẹn những gì tôi hát. Nhưng các em thích, đơn giản chỉ bởi chúng có giai điệu đẹp và dễ nghe. Có những câu hát mà người lớn đồng cảm vì những tầng ý nghĩa sâu xa, đa diện còn các em thích, đơn giản bởi cách hiểu của họ về nó rất trong sáng, hồn nhiên và hoàn toàn hợp lý.


- Chị thấy sao khi biết rằng những ca khúc của mình được khán giả dễ dàng download miễn phí trên mạng mà không cần phải bỏ tiền ra mua sản phẩm?


- Một thực tế ở Việt Nam là hiếm có nghệ sĩ nào nuôi trong mình hy vọng làm giàu nhờ vào việc bán đĩa. Nó chỉ để đánh giá sức hút của ca sĩ với công chúng thôi. Vì vậy, tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề lợi nhuận mà chỉ thấy mừng khi khán giả nghe ca khúc của mình. Dù là có được nó dưới bất kỳ hình thức nào, miễn sao người ta quan tâm và chịu nghe tôi hát là tôi đã rất cảm ơn rồi.


- Là một người làm nghề, chị có cảm thấy buồn không khi thị trường âm nhạc lắng xuống như thời điểm hiện tại?


- Tôi nghĩ phải gọi chính xác là bị bão hoà. Nó bão hoà đến mức độ thực sự khiến người nghệ sĩ đôi khi cảm thấy mệt mỏi vì không biết làm gì để thu hút được khán giả. Nhưng cũng như quy luật của cuộc sống thôi. Biết đâu sau thời gian này, và gần hơn là trong năm mới này, mọi thứ lại trở nên rộn ràng và nồng nhiệt hơn thì sao? Hy vọng thế!


- Đó có phải vì khán giả bây giờ, đặc biệt là khán giả trẻ quá dễ dàng để hâm mộ một người và còn dễ dàng hơn nữa để chuyển sở thích sang một người khác chăng?


- Một ca sĩ có thể khiến công chúng thích mình đến mức độ không thể hâm mộ một người nào khác thì đúng là quá thành công rồi, còn để một lúc nào đó khán giả phải chuyển sang thích người khác thì phải xem xét lại chính người ca sĩ kia. Nghệ sĩ đừng đổ lỗi cho khán giả "cả thèm chóng chán" mà hãy tự vấn lại bản thân mình đã làm gì để những khán giả đã từng nồng nhiệt phải quay lưng lại với mình.


http://www.zing.vn/news/am-nhac/le-quyen-toi-tung-bi-khan-gia-duoi-xuong-san-khau/a235012.html