Gả con gái cho nhà khá giả, cha mẹ nào chẳng nở mày nở mặt. Có người còn bảo như thế là cô dâu được đổi đời, “chuột sa hũ nếp”.


Nhưng, không phải cuộc hôn nhân nào cũng có kết cuộc “tốt phước” như mọi người nghĩ.



Trầy trật khi… “sa hũ nếp”!



Cưới nhau không bao lâu, Thu Vân nhận ra “bộ mặt thật” của Minh, chồng cô. Minh đích thị là một cậu ấm lười biếng, ỷ lại, chỉ biết hưởng thụ. Thời học sinh, Minh không cố gắng học hành, cho rằng “đâu cần học, đâu cần nghề nghiệp, gia sản của ba mẹ để lại có ngồi ăn ba đời cũng không hết”. Sớm “ra trường”, Minh ăn chơi lêu lổng, không phụ giúp ba mẹ được gì trong việc kinh doanh vật liệu xây dựng bởi hễ rớ vào là tiền nong thâm hụt. Ba mẹ hướng Minh làm nghề pha chế thức uống cho nhà hàng để không “nhàn cư vi bất thiện”. Nhờ vậy, khi quen biết và đồng ý kết hôn, trong con mắt của Vân, Minh là người đàn ông chín chắn, có công ăn việc làm hẳn hoi.


Minh có làm nhưng chẳng có lương vì đã tiêu sạch cho nhu cầu cá nhân. Trước giờ, ba mẹ cũng chỉ rót thêm cho Minh chứ không hề có chiều ngược lại. Trang trải cho cuộc sống gia đình của hai vợ chồng đã có tiền cho thuê phòng trọ và cho thuê mặt tiền làm bãi giữ xe (nhà ở gần bệnh viện). Nắm khoản thu hàng tháng gần hai chục triệu, Vân không có lý gì để tra hỏi tiền lương của chồng. Minh vô tư tiêu xài, thích làm thì làm, không thích thì đi chơi thả cửa.



Tưởng có con, Minh sẽ ý thức hơn về vai trò làm chồng, làm cha, ngờ đâu Minh tính nào vẫn tật ấy. Lén lút rồi công khai có bồ, Minh chửi mắng, đánh đập khi vợ ghen tuông, kiểm soát. Vân cầu viện mẹ chồng. Lúc đầu bà cũng an ủi, hứa khuyên giải con trai. Sau, bà phát chán, quật lại con dâu: “Tưởng cô biết mềm mỏng, khéo léo quản chồng, ngờ đâu “huề trớt”. Tính thằng Minh là vậy, biết khôn thì chiều lụy nó cho xong. Cô nhìn lại xem có ai bằng mình, không phải ra ngoài làm vất vả, tiền thì thò tay vào túi muốn bao nhiêu cũng có, trong nhà có kẻ hầu người hạ. Được thì sống, không được thì thôi”. Những khi to tiếng, chồng cô cũng lặp lại câu nói đau lòng: “Có giỏi thì chia tay, bước ra tự kiếm sống cho biết mùi”.


Không đợi đến lúc chồng và mẹ chồng nói, Vân đã nghĩ đến chuyện chia tay. Khi Minh đi biệt một tuần lễ trong lúc Vân mang thai đứa con đầu, cô đã biết khó thể dài lâu. Nhưng bỏ là bỏ thế nào? Vân đã ngoài ba mươi, không nghề nghiệp, một nách hai con. Công lao đóng góp cho nhà chồng bấy lâu chẳng lẽ đổ sông đổ biển, rồi người phụ nữ khác lại nhảy vào hưởng hết. Quay về ba mẹ ruột ở quê thì sống bằng gì, lại chịu không nổi điều tiếng dư luận. Ba mẹ trước nay cứ tưởng Vân sống trong chăn êm nệm ấm vì cô chưa bao giờ kể chuyện buồn. Khi ly hôn, chắc gì tòa sẽ giao cả hai con cho Vân vì Vân không lo nổi tấm thân, lấy gì nuôi con. Ra đi tay trắng thì thà ở lại. Vân thử nhờ dịch vụ việc làm thì việc chê Vân mà Vân cũng chê việc: lương thấp, làm suốt ngày, chỗ làm quá xa, công việc nặng nhọc, nắng nôi… Về nhà, thấy con khóc, bụng đói meo, mặt mũi bơ phờ, thế là Vân rút lại kế hoạch rời nhà chồng, mất ý chí tự đứng trên đôi chân của mình. Đơn xin việc rút lại, đơn ly hôn cũng nằm im trong hộc tủ.


Nếu thiếu yêu thương…



Giàu không là cái tội, nhưng thực tế, sinh ra trên đống vàng là một thử thách lớn. Nếu cha mẹ không có ý thức rèn con tính tự lập, vị tha từ nhỏ, người con dễ sống buông thả, ích kỷ. Trong ứng xử vợ chồng, dù hôn nhân có xuất phát từ tình yêu hay không, các chàng “công tử bột” cũng dễ cậy “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, coi khinh vợ, tự cho mình cái quyền hưởng thụ. Họ không quen kiềm chế hoặc hy sinh. Nhiều người chẳng coi vợ ra gì vì đoan chắc dù mình có tệ bạc đến mấy, vợ cũng chẳng dại dứt áo ra đi.


Tiến sĩ xã hội học Lê Ngọc Văn (Viện Gia đình và giới, Hà Nội) phân tích: tương tác vợ chồng phụ thuộc nhiều vào lợi thế so sánh về quyền lực trong gia đình. Cơ sở quan trọng của quyền lực lại là tài chính (tài sản, thu nhập). Nếu thiếu tình yêu thương và sự tự giác vun đắp gia đình, chăm lo cho các con thì chồng hoặc vợ sẽ ỷ thế, hạ thấp người kia. Người có nhận thức đúng đắn chỉ nhìn vật chất như là một phương tiện đảm bảo cuộc sống, chứ không phải là một thứ quyền. Mối quan hệ vợ chồng cũng không thể tính toán, mặc cả như quy luật thị trường. Nếu không thay đổi được nhận thức của người bạn đời thì khó chung sống hạnh phúc.


Những người vợ mắc kẹt trong chữ “phước” luôn lưỡng lự, lấn cấn trước quyết định giã từ “tổ lạnh”. Có nhiều thứ để níu chân, nhiều nỗi sợ hãi khi tự bước ra giữa dòng đời. Cân nhắc được - mất khi ly hôn, nhiều bà vợ sẽ không dám bước ra. Với thước đo của nhiều người quen sống ấm no, nhàn hạ ly hôn sẽ mất tất cả, ở lại thì được tất cả (tiền tài, con cái, sĩ diện), chỉ cần “lơ” những điều chướng tai gai mắt của chồng. Giả đui giả điếc mà yên ấm tấm thân, giữ được gia đình, giữ cha cho con thì cũng chẳng thiệt. Muốn có cuộc sống đầy đủ lẫn một ông chồng tốt phải chăng là quá tham lam?


Nói là vậy, nhưng vì mục đích hôn nhân không thuần là vật chất nên người thực dụng nhất cũng không thể bình an, thỏa mãn khi đồng tiền thay thế vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình.


Việc tìm hiểu trước khi cưới là cực kỳ quan trọng. “Phúc nổi, họa chìm”. Choáng ngợp trước cơ may, trước cái phước trời ban, nhiều cô gái đã không còn bình tâm xem xét kỹ lưỡng “đối tác”, đến khi “ván đã đóng thuyền” mới hay trong “hũ nếp” còn nhiều hạt sạn, mối mọt, lại chẳng có nghĩa tình, có sự quan tâm, chăm sóc nhau.



Phải suy xét đến “ngọn nguồn lạch sông” rồi mới quyết định, kẻo về sau muốn thoát ra chẳng dễ. Cái khó không phải do nhà chồng tìm mọi cách giữ chân con dâu mà do chính bản thân người con dâu không vượt qua được cái bẫy của sự nhàn hạ, của “cái ổ lót sẵn” bấy lâu. Kinh nghiệm của nhiều cô dâu nhà giàu là “nói không” với thói yếu đuối, dựa dẫm. Ngay từ đầu, phải thể hiện cho chồng và nhà chồng biết quan điểm sống, mục đích sống, thiết lập vị thế riêng, tự tin và tích cực điều chỉnh, uốn nắn nhau.


Làm dâu nhà giàu - phúc hay họa? Không thể khẳng định được. Người phụ nữ chỉ thực sự “có phước” khi nhận được từ nhà chồng một người đàn ông có nhân cách và biết yêu thương.


Tô Diệu Hiền - Theo PNO


http://giadinh.net.vn/20120921045710843p0c1001/lay-chong-giau-phuc-hay-hoa.htm