http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/khong-le-hoc-van-de-ke-don-thuoc-bang-tho-101290.html



Không lẽ học văn để kê đơn thuốc bằng… thơ?


Đăng Bởi Lưu Trọng Văn - 21:42 09-09-2014



"Em mơ ước thành bác sĩ, không lẽ em học môn văn để khi ra toa thuốc cho bệnh nhân thì làm thơ trong toa thuốc đó?" - (Ảnh: Nguồn Internet)




Trong thư gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, một học sinh đang học lớp 12 sau những lời phê phán nền giáo dục mà mình đang “thụ hưởng” là một nền giáo dục đầy tính áp đặt và khô cứng, khuôn mẫu, biến cậu và các bạn của cậu thành một lũ vẹt đủ màu sắc, đã nêu một câu hỏi như một phản ứng về ích lợi của các môn học: Em mơ ước thành bác sĩ, không lẽ em học môn văn để khi ra toa thuốc cho bệnh nhân thì làm thơ trong toa thuốc đó?



Bức thư của cậu học trò lớp 12 này làm cho những bậc phụ huynh và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà phải giật mình suy nghĩ, không phải vì những gì cậu phê phán rất đúng hiện trạng việc dạy và học ở nước ta hiện nay, mà vì sao một học trò lớp 12 tức là một công dân 18 tuổi lại có thể đặt một câu hỏi tưởng chừng như rất hài hước về môn văn như thế?


Chính câu hỏi này tự thân đã là một minh chứng về thực trạng đáng buồn không chỉ của nền giáo dục nước nhà mà cả sự xuống cấp các giá trị thuộc về phông văn hóa tối thiểu của mặt bằng xã hội.


Một học trò lớp 12, bước vào tuổi thanh niên chứ không còn trẻ con nữa có đủ nhận thức về “cái tôi” khi đòi hỏi những suy nghĩ riêng, độc lập của mình phải được tôn trọng lại không có thể hiểu được giá trị của môn văn nói riêng, của văn học nói chung đối với con người là thế nào.


Và đây mới là khiếm khuyết vô cùng lớn không chỉ của nền giáo dục cũng như của cộng đồng xã hội mà trước hết là của cậu đối với chính cậu khi cậu luôn miệng nói đến và đòi hỏi nền giáo dục phải để cho cậu chứng tỏ “cái tôi” của cậu nhưng thực chất cậu chưa đủ năng lực tối thiểu để hiểu chính cái tôi của mình là gì.




Một người không có cảm xúc với văn học - với cái đẹp, với thi ca không thể là một bác sĩ có y đức và giàu lòng thánh thiện nhân văn được - Ảnh: Minh họa (Nguồn Internet)



Một nền giáo dục trong khi mải mê dẫn dắt, thậm chí “dụ dỗ”, thậm chí “xua đuổi” học trò hướng ngoại – hướng ra bên ngoài, trong khi đó lại quá chểnh mảng đến nỗi quên rằng sự hướng nội - hướng về các giá trị bên trong bản thể con người làm “đẹp” nó lên, “chân” nó lên, “thiện” nó lên mới là yếu tố quyết định.


Đồng thời một người bước vào tuổi thành niên không có khả năng ý thức về các giá trị của chính mình thì khó có thể trở thành một người của tương lai dù được ở trong bất cứ môi trường giáo dục tốt đẹp nào.


Một con người 18 tuổi chỉ đòi hỏi người khác tôn trọng “cái tôi” của mình trong khi đó chính mình lại không nhận thức được một cái tôi ấy của mình cần có các giá trị gì thì quả là một thảm họa. Rõ ràng câu hỏi : Em mơ ước thành bác sĩ, không lẽ em học môn văn để khi ra toa thuốc cho bệnh nhân thì làm thơ trong toa thuốc đó? đã nói lên phần nào mảng tối của sự thật.



Một toa thuốc đương nhiên không thể là một bài thơ nhưng nó phải được kê ra chữa nỗi đau cho con người từ một tấm lòng biết rung động với cái đẹp, với cái thánh thiện mà văn học và thi ca bao đời nay luôn mang lại.


Các nhà hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật chân chính chắc sẽ rất đau lòng trước câu hỏi cũng là câu trả lời này.


Các bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới chắc càng đau lòng hơn trước câu hỏi cũng là câu trả lời ấy, thậm chí nhiều người còn cho đó là sự xúc phạm đến họ và họ tin rằng một người không có cảm xúc với văn học - với cái đẹp, với thi ca không thể là một bác sĩ có y đức và giàu lòng thánh thiện nhân văn được.


Một toa thuốc đương nhiên không thể là một bài thơ nhưng nó phải được kê ra chữa nỗi đau cho con người từ một tấm lòng biết rung động với cái đẹp, với cái thánh thiện mà văn học và thi ca bao đời nay luôn mang lại.


Có thể cậu thanh niên học lớp 12 trên, trong dòng cảm xúc mạnh mẽ bức xúc về thực trạng nền giáo dục cùng bộ môn văn mà cậu bị áp đặt phải yêu thích, ngợi ca một chiều đã dẫn đến phản ứng quá đà về môn văn mà ở đó không thể nói là thiếu vắng những áng văn, áng thi ca tuyệt diệu của dân tộc cũng như của nhân loại để rồi vô tình bộc bạch câu hỏi có thể nói là ngờ nghệch trên.


Nhưng cũng phải cám ơn chàng thanh niên học trò ấy vì câu hỏi của cậu cũng là hồi còi báo động không chỉ đối với nền giáo dục nước nhà mà đối với sự tàn suy văn hóa dân tộc nếu xã hội tiếp tục đón nhận những công dân tương lai bị 'què cụt' cảm xúc trước cái đẹp và trước các giá trị văn hóa.


Lưu Trọng Văn



Tâm thư học sinh lớp 12 gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tao


Em là một học sinh, sinh năm 1997 và sẽ bước vào kỳ thi đại học năm 2015. Trong thời gian gần đây, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương án thi mới sẽ gộp tốt nghiệp và đại học làm em và bạn bè hết sức hoang mang và vô cùng bức xúc.


Trước giờ lứa 1997 tụi em cứ ngỡ năm 2015 sẽ là năm thi đại học cuối cùng và chúng em đang dồn hết tâm huyết vào kỳ thi này nhưng sự thật lại trớ trêu không ai ngờ tới. Đất nước ta từ trước tới giờ vẫn theo kiểu "Lối theo lối gió, mây đường mây", giáo viên dạy một lẽ và học trò học theo một lẽ khác.



Thử hỏi, nền giáo dục nước nhà quá chú trọng vào lý thuyết, không chú trọng vào thực hành thì làm sao học sinh có thể phát triển một cách toàn diện được? Chính cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc.



Vì vậy tại sao Bộ lại yêu cầu chúng em phát triển toàn diện chứ? Thật sự là cách dạy của giáo viên hoàn toàn không thể giúp cho học sinh chúng em hiểu được nghĩa của 2 từ "toàn diện".



Giáo viên quá phụ thuộc vào lý thuyết, dạy chúng em bằng cách đọc và chép, kiểm tra mức độ hiểu bài bằng cách đưa cho chúng em một xấp đề cương, kêu về nhà học thuộc, sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết thì chắc chắn điểm sẽ cao. Nói thật, học thuộc là một chuyện quá dễ dàng nhưng cái chính là học sinh có hiểu bài hay không kìa.



Ví dụ, khi lên trả bài môn văn, giáo viên sẽ kêu học sinh phân tích một khổ thơ nào đó. Học sinh có thể đọc hết tất cả những gì trong tập của mình ra nhưng lại không hiểu được gì từ những tác phẩm đã học. Tất cả là do giáo viên áp suy nghĩ của học sinh, không cho học sinh thể hiện cách diễn đạt riêng mà ép học sinh vào những khuôn khổ, luật lệ.



Không chỉ vậy, giáo dục nước nhà nghĩ ra quá nhiều môn học, toàn là những môn chẳng có ý nghĩa gì khi vào đại học và cũng không phục vụ gì cho cuộc sống tương lai.



Môn học thì quá nhiều trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng thì thử hỏi làm sao mà học sinh có thể sống nổi?Thời gian đâu mà giải trí, thời gian đâu mà phụ giúp gia đình? Đâu phải học nhiều là giỏi, quan trọng là học ít hiểu nhiều, học tới đâu hiểu tới đó và biết áp dụng vào cuộc sống chứ.



Em đồng ý là môn Văn - tiếng Việt rất quan trọng nhưng nếu không phải học sinh chuyên văn thì cũng nên chỉ dừng lại ở cấp độ trung bình chứ đâu cần phải hiểu một cách sâu xa, thâm thúy đâu ạ? Em có mơ ước sau này trở thành bác sĩ, không lẽ em học văn để khi ra toa thuốc cho bệnh nhân thì làm thơ trong toa thuốc đó?



Còn nữa, em thấy cái môn học nghe rất vĩ đại nhưng thật sự nó hoàn toàn vô nghĩa đó là môn Giáo dục công dân. Giáo dục công dân là giúp cho con người trở nên hoàn thiện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đất nước nhưng đầu óc chúng em không thể nhập tâm những dòng lý thuyết rườm rà đầy tính giáo huấn và sách vở đó. Em chẳng hiểu có môn này để làm gì. Những gì chúng em nhớ chỉ là câu chữ khô khan trong khi chúng em cần tiếp xúc với bên ngoài, gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh... mới có thể hiểu được trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội khi còn là học sinh.



Giáo viên dạy ai cũng như ai, không khí học lúc nào cũng nhàm chán, không một tiếng cười thì làm sao mà chúng em có thể tiếp thu tốt được? Nhất là giờ Văn, Sử, Địa, ôi thôi, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật, thật là đau lòng.



Còn môn Toán, chẳng hiểu sao chúng em phải học quá nhiều về lượng giác, tích phân, vi phân, đạo hàm, đường cao, các định lý Pitago… vừa nhức đầu vừa chẳng giúp ích gì cho chúng em sau này.



Môn Hóa lại còn nặng nề lý thuyết hơn nữa. Chúng em được dạy cho đủ các chất, đủ dạng phương trình, đủ cách nhận biết chất nhưng khi chỉ vào chất đó và hỏi đó là chất gì thì em dám khẳng định rằng chẳng mấy học sinh có thể nói ngay và luôn được.



Tiếng Anh đáng lý ra là phải chú trọng nhiều vào kỹ năng nghe và nói thì lại chú trọng vào ngữ pháp. Thử hỏi, một học sinh giỏi ngữ pháp chắc gì đã giỏi tiếng Anh. Bạn nào giỏi ngữ pháp liệu có thể giao tiếp với người Mỹ hay chí ít là hiểu được tất cả những gì họ nói không?



Nếu muốn học sinh chúng em phát triển toàn diện thì trước hết giáo viên phải toàn diện cái đã. Xin đừng dạy học theo kiểu chỉ nói mà không làm, hãy để cho chúng em phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của chính mình.



Trình độ dạy học của nước nhà thật sự là quá kém, quá kém, thua rất xa với những nước tiến bộ như Mỹ, Singapore nên xin mấy thầy cô đừng bắt học sinh chúng em học theo kiểu Việt Nam mà thi theo kiểu Mỹ, kiểu Úc nữa.



Cái gì cũng vậy, nếu Bộ muốn đổi, muốn ra một đề án nào đó thì cần phải thông báo sớm cho học sinh chúng em biết, năm nay chúng em thi rồi còn thông báo kiểu này chúng em biết xoay sở ra sao?



Các nước tổ chức World Cup còn phải mất 4 năm chuẩn bị, chúng em đã được cha mẹ đầu tư cho đến thời điểm này cũng mất cả 12 năm, chừng ấy năm dồn biết bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực để được bước vào cánh cửa đại học. Chúng em là con người, là học sinh chứ không phải là chuột bạch hay vật thí nghiệm cho những hình thức thi cải cách. Em chưa thấy quốc gia nào lấy học sinh ra để làm thí nghiệm nên mong Bộ cũng đừng làm trái với những quy luật bình thường đó.



Hy vọng bài viết này sẽ đến tay Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Em vẫn hy vọng năm nay sẽ được tham dự kỳ thi đại học bình thường như mọi năm.



Em cám ơn nhiều ạ!



Tano Cần Thơ