Khiếu nại kết luận 'nghi can tự tử ở trụ sở công an'


Làm việc với công an Bình Dương, gia đình anh Nguyễn Công Nhựt không được trả lời hay cung cấp tài liệu liên quan đến cái chết của anh này nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại vụ việc đến cơ quan chức năng.


> 'Tự nguyện ở lại trụ sở công an và tự tử' /'Sẽ kỷ luật thiếu tá bị tố gạ tình' / Đình chỉ điều tra viên trong vụ ‘gạ tình’ / Vợ nghi can chết tại trụ sở công an tố bị gạ 'đi khách sạn'


Ngày 11/5, Công an tỉnh Bình Dương đã làm việc với bà Thái Thị Lượm (mẹ anh Nguyễn Công Nhựt, người được cho là đã “tự tử” tại trụ sở công an huyện Bến Cát) và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt). Tuy nhiên, suốt buổi làm việc, cơ quan này chỉ công bố báo cáo về cái chết của nạn nhân. Khi gia đình anh Nhựt yêu cầu được cung cấp tài liệu, hồ sơ điều tra nguyên nhân khiến anh Nhựt tử vong; bản ảnh, video khám nghiệm hiện trường, bản gốc lá thư tuyệt mệnh do anh Nhựt viết… thì phía công an từ chối. Theo công an Bình Dương, vụ án còn trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp.


“Tuổi già, sức yếu, chúng tôi từ dưới quê lên với mong muốn được xem bằng chứng về cái chết của con nhưng bị khước từ. Họ bảo con tôi tự nguyện xin ở lại trụ sở để rồi thắt cổ tự tử luôn ở đó? Điều này thật vô lý”, bà Lượm nói.


Cùng quan điểm, ngay sau buổi làm việc, chị Tuyền đại diện cho gia đình đã gửi đơn khiếu tố, khiếu nại đến cơ quan chức năng.



Mẹ và vợ anh Nhựt trao đổi vụ việc với luật sư Triển. Ảnh: Nguyệt Triều.


Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) cho rằng,
công an Bình Dương xác định anh Nhựt “tự nguyện xin ở lại trụ sở để tố cáo người phạm tội” chỉ là “hợp thức hoá” việc bắt giữ người trái pháp luật. Theo nguyên tắc, trụ sở công an là cơ quan an ninh quốc phòng, có nhiều tài liệu mật nên nghiêm cấm người lạ vào. Do đó không phải ai “tình nguyện” ở lại là được trừ trường hợp bị tạm giữ, tạm giam.
“Nếu anh Nhựt xin ở lại trụ sở thì tại sao rất nhiều lần chị Tuyền xin được gặp chồng nhưng công an huyện Bến Cát nghiêm cấm. Mặt khác, công an cho rằng anh Nhựt đến đó chỉ để phối hợp điều tra thì sao lại bị tịch thu điện thoại và mọi đồ vật cá nhân. Phòng làm việc luôn bị khoá trái, đi vệ sinh cũng phải có người dẫn?”, luật sư Triển đặt vấn đề.


Việc công an Bình Dương từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu về cái chết của anh Nhựt cho gia đình, luật sư Triển cho rằng yêu cầu của thân chủ hoàn toàn hợp lý. Theo luật sư, anh Nhựt chưa phải là bị can thì những vấn đề liên quan đến cái chết của anh này chỉ là mặt khiếu tố, khiếu nại. Công an phải cung cấp toàn bộ hồ sơ cho gia đình anh Nhựt chứ không thể nói “vụ án đang trong quá trình điều tra”.


“Các yêu cầu chính đáng của gia đình anh Nhựt, kể cả những kiến nghị mà tôi đã đề xuất cần được cơ quan điều tra đáp ứng, không có lý do nào để khước từ được. Nếu khước từ thì cả những người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều sẽ hoài nghi tính chân thực của bản kết luận”, ông Triển nói.


Chiều cùng ngày, luật sư Triển và gia đình chị Tuyền cũng đến gặp lãnh đạo Công ty Kumho, nơi anh Nhựt làm việc, để làm sáng tỏ một số vấn đề. Tuy nhiên qua “một vòng” điện thoại của bộ phận lễ tân, họ phải ngồi chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ thì được trả lời “lãnh đạo công ty từ trưởng tới phó đều đã đi vắng”. Ông Triển đăng ký tiếp xúc với người có thẩm quyền vào ngày mai thì tiếp tân bảo đã gọi điện mãi nhưng không gặp được vị lãnh đạo nào nên không thể nhận lời.


Ông Triển muốn phía công ty giải thích vì sao ngày 21/4 họ đưa anh Nhựt đến trụ sở Công an huyện Bến Cát thì ngay hôm sau đã đăng thông báo tuyển dụng vào vị trí của anh Nhựt. Mặt khác, trong suốt 4 năm hoạt động vì sao một công ty có hơn 1.000 công nhân như Kumho lại không có tổ chức công đoàn đại diện quyền lợi hợp pháp cho người lao động…


Ngày 12/5, luật sư Triển sẽ có buổi làm việc với công an Bình Dương về các vấn đề liên quan đến cái chết của anh Nhựt.


http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/05/khieu-nai-ket-luan-nghi-can-tu-tu-o-tru-so-cong-an/