Đón con tại trường mẫu giáo, chị Hoa xót ruột khi nhìn thấy vết xước trên mặt con trai. Sau một hồi nghe mẹ thủ thỉ hỏi han, cậu bé Nguyên phụng phịu: “Con yêu bạn Mai, sao bạn ấy lại cào con”.



Hướng dẫn trẻ nuôi dưỡng tình bạn trong sáng ngay từ tuổi mầm non. Ảnh: L.H.


Nguyên gần 4 tuổi, đang học lớp mầm một trường mầm non tư thục quận Tân Bình, TP HCM. Giáo viên chủ nhiệm lớp kể, cậu rất quyến luyến cô bé Mai, 3 tuổi, học cùng lớp. Tan học, thấy Mai buồn thiu đứng chờ cha mẹ đón, Nguyên chạy tới, giằng lấy ba lô của cô bé, có lẽ định mang giúp, thì Mai quay ngoắt sang, cào cả bàn tay lên má cậu.


Hoa cố nén cười khi nhìn vẻ mặt nghiêm túc, đầy tâm trạng của con trai. “Ý định của con tốt, nhưng con hành động bất ngờ, bạn Mai vô tình phản ứng vậy thôi”, chị khéo léo giải thích cho cậu bé.


Không ít phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học tại TP HCM cho biết, đôi khi họ cũng bất ngờ, khó xử trước biểu hiện nhạy cảm về giới quá sớm của con.


Chị Hà, nhà ở quận 3, TP HCM, bị một phen tá hỏa khi thấy Linh, cô con gái 3 tuổi, đòi đi tiểu đứng. Theo phản ứng tự nhiên, chị la con. Linh òa khóc và nói “con chỉ làm giống bạn Cường, bạn Anh Khoa ở lớp thôi". Rồi cô bé mếu máo hỏi mẹ “sao các bạn đó có "cái cục” đi tè ở đằng trước mà con không có?", khiến chị Hà phải vòng vo lý giải mãi.


Còn chị Liên, có con học lớp 5 một trường tiểu học quận 9, kể, ngày Valentine năm ngoái, con gái chị khóc sưng cả mắt vì đã kỳ công vẽ thiệp tặng một bạn trai. Nhưng cậu này không nhận, mà còn nói “đồ khùng”, làm cô xấu hổ, tuyên bố "nghỉ chơi" song ấm ức mãi.


Theo một số giáo viên mầm non tại TP HCM, hiện tượng trẻ mẫu giáo sớm có những nhạy cảm về giới không phải là cá biệt. Các cháu hay thắc mắc với cô giáo hoặc bảo mẫu những vấn đề liên quan đến sự khác biệt bộ phận cơ thể nam, nữ. Không ít cháu có biểu hiện tình cảm đặc biệt với bạn khác giới.


Bà Quách Thị Thúy Quỳnh, hiệu trưởng Mầm non bán công thành phố, cho rằng, trẻ mầm non đang trong tuổi học cách tư duy, quan sát, nên thường có những thắc mắc bất ngờ về mọi vấn đề.


“Giáo viên nên có cách trả lời phù hợp với suy nghĩ non ớt của trẻ, theo hướng mở, trước những câu hỏi liên quan đến giới. Được giải đáp thỏa đáng, trẻ sẽ không tò mò nữa”, bà Quỳnh nói.


Bà Quỳnh cho biết, theo quy định chuẩn, diện tích sinh hoạt một lớp 40-45 trẻ là 100 m2, mỗi cháu tối thiểu cần 2 m2. Các trường mầm non nên phân biệt giới trong việc thay đồ, tổ chức giờ nghỉ trưa, tách riêng thành từng khu đối với bé trai và bé gái.



Hoạt động ngoại khóa phù hợp giúp tâm sinh lý trẻ phát triển đúng lứa tuổi. Ảnh: L.H.


Tuy nhiên, ghi nhận của VnExpress, không phải trường mầm non nào tại TP HCM cũng đủ điều kiện cơ sở vật chất đúng chuẩn. Tại một số trường mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình, trẻ mẫu giáo lớn nằm lộn xộn không biệt giới, vào giờ nghỉ trưa.


Người lớn nên chấp nhận thực và cần giúp các em phát triển tư duy về giới tính đúng hướng, biết tự bảo vệ mình. Bà Trần Hồng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhận định như vậy. Theo bà, hiện tượng nhiều trẻ em sớm nhạy cảm về giới tính và sớm dậy thì, là do hưởng thụ nền tảng dinh dưỡng đầy đủ và chịu tác động của nhiều phương tiện thông tin đại chúng.


“Phụ huynh nên chủ động hướng dẫn con làm quen với những kiến thức về giới tính ngay từ nhỏ, trong các tình huống sinh hoạt gia đình hằng ngày. Còn tại trường học, những hoạt động ngoại khóa lành mạnh cũng là cách giúp phát triển tâm sinh lý đúng lứa tuổi”, bà Hà nói.


Tại Việt Nam, học sinh cuối cấp tiểu học mới bắt đầu làm quen với những bài giáo dục giới tính đơn giản. Theo chương trình SGK lớp 5, các em học 8 bài với những kiến thức sơ lược về sự sinh sản, cấu tạo cơ thể, sự khác biệt cơ thể nam và nữ, vệ sinh tuổi dậy thì…


Nhiều giáo viên tiểu học cho rằng, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường bắt đầu từ học sinh lớp 5 là hợp lý.


Theo bà Chu Ngọc Thịnh, hiệu trưởng tiểu học Trần Quốc Thảo, nữ sinh tiểu học hiện có xu thế dậy thì sớm. Thống kê tại trường này, khoảng một nửa số nữ sinh khối 5 đã có kinh nguyệt. Cá biệt, một số em có dấu hiệu dậy thì từ lớp 4.


"Hiện tượng học sinh tiểu học thích nhau cảm tính không phải là chuyện hiếm. Các em thường thích ngồi gần, học và chơi cùng nhóm, thích chăm sóc, cho nhau bánh kẹo mua tại căng tin trường", bà Thịnh nói. “Theo tôi, giáo viên và bảo mẫu cần giúp đỡ các em nuôi dưỡng tình bạn trong sáng. Tuyệt đối tránh những câu nói, hành động thiếu tôn trọng, khiến các em bị tổn thương, thui chột sự nhạy cảm của tâm hồn”.


Lan Hương