Khi một người nước ngoài nhìn về thời trang Việt Nam



Trong không gian đậm chất văn hóa Việt với bàn thờ gia tiên, nón lá, đèn lồng, taffeta, lụa và vải thô… một bộ sưu tập với cảm hứng từ âm nhạc đã được trình diễn lúc 10h30 sáng 20/6 tại số 6 phố Nhật Chiêu- ngôi nhà của thời trang Chula.







Là một kiến trúc sư người Tây Ban Nha, đến Việt Nam sinh sống đã được 9 năm, Diego Cortizas đã yêu đất nước này và chọn Việt Nam làm nơi dừng chân. Và đặc biệt nhất là khi anh lại nhìn thấy thời trang Việt Nam như một sân chơi mới trong lĩnh vực nghệ thuật của mình.



Biến ảo với taffeta, lụa, thô, đũi, cầu kỳ với từng đường thêu, đáp vải, đính cườm, đính cúc… các thiết kế của Chula mang đậm chất Việt nhưng lại vẫn có gì đó mang nét triết lý phương Tây, là sự hào hợp của một cách nhìn về những gì mang tính truyền thống của văn hóa dân tộc Việt của một kiến trúc sư nước ngoài, yêu Việt Nam.



Bộ sưu tập “âm nhạc” cảu Chula sử dụng 2 tông màu chủ đạo đen – trắng. Trong 30 phút ngắn ngủi, người xem được chứng kiến lịch sử âm nhạc từ cổ điển đến đương đại với các thể loại như jazz của thập niên 20, rồi rock n roll với đại diện là hình Elvis Presley được theu cầu kỳ trên trang phục. Đặc biệt còn có sự góp mặt của The Beatles, với chân dung cách điệu 4 thành viên được thêu trên 4 chiếc túi.



Thể loại nhạc flamingo hay chất sôi động của châu Mỹ la tinh cho đến sự bác học của dòng Opera đều được Chula biến thành… trang phục đậm chất lịch sử và âm nhạc.



Đặc biệt hơn, biểu tượng ca trù mượt mà với ca nương và chiếc đàn đáy trong tà áo dài nhung đen, hay nhạc Trịnh Công Sơn, trào lưu hát karaoke của người Việt cũng được đưa vào BST âm nhạc đầy sự pha trộn thú vị này.



Cầu kỳ hơn nữa là mỗi bộ trang phục, tiếng nhạc lại thay đổi theo đúng cảm hứng mà nhà thiết kế đã nghe, cảm nhận để tạo nên các thiết kế đặc biệt của hôm nay. Có khán giả đã vỗ tay và thì thầm: “lạ mắt đấy, nhưng mà mặc thì… mỏi tay bởi muốn nổi bật form đặc biệt của trang phục là phải… dang tay ra suốt thì mới thấy đẹp”.



Sự đan xem các trang phục cách điệu và những bộ dạ hội có thể ứng dụng ngay đã tạo cho BST “âm nhạc” có nhiều cung bậc đan xen như các nốt nhạc trầm bổng của ý tưởng.



Tuy nhiên, cũng do muốn “kể” câu chuyện âm nhạc một cách đầy đủ nhất nên BST đôi khi vẫn “lổn nhổn” bởi phong cách và yếu tố âm nhạc chưa hòa trộn đồng nhất. Nhưng dù sao, Chula cũng đã bày ra một “món ăn” tinh thần đa dạng cho người xem.



Điều khiến cho khán giả thích thú nhất là cách một người nước ngoài nhìn về thời trang Việt Nam, sử dụng những chất liệu và phương thức trang trí truyền thống Việt Nam một cách nhuần nhuyễn. Và rồi rời khỏi show diễn, cũng có những khán giả thoáng buồn rằng, sao các nhà thiết kế Việt Nam cũng làm như vậy nhưng sự tung hô ngày càng ít để rồi ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn chỉ luẩn quẩn với thổ cẩm, áo dài và lụa… sáo mòn. Trong khi một người nước ngoài đã nhìn ngay thấy để biến nó thành thế mạnh của mình và được đón nhận nhiệt tình một phần bởi sự hiếu khách, nhưng cũng còn do họ đã tạo ra sự “khác lạ” hoàn toàn chấp nhận được. Vì thế, thời trang đòi hỏi sự làm mới mình và phải đẹp thực sự trong mắt công chúng, chứ không chỉ làm lại cái cũ, không dám phá cách như một nhà quán quân mới đây của Project Runway Việt Nam 2013.












































An Ngọc