Khi chị em... sợ nghỉ lễ


Nghỉ lễ, người dân lại tất tả rời thủ đô Nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình du lịch... tại gia Không mong chờ và tỏ ra háo hức với kỳ nghỉ lễ, trái lại nhiều chị em văn phòng còn phát sợ khi nghĩ đến cảnh 4 ngày nghỉ phải ở nhà làm đủ thứ việc, hoặc khăn gói về quê chồng xa xôi.



Phát ốm vì việc nhà


Trong khi các nhân viên trẻ, hoặc anh em công ty ồn ã lên kế hoạch đi chơi dịp nghỉ lễ 30-4, có người reo lên vui mừng khi biết kỳ nghỉ kéo dài những 4 ngày vì liền kề thứ 7 chủ nhật, thì nhiều chị em lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí còn không hề mong “được” nghỉ nhiều đến thế.


Kinh tế eo hẹp, con còn nhỏ… đó là hai trong muôn ngàn lí do khiến không ít người chọn cách “nghỉ dưỡng” ở nhà trong ngày nghỉ. Tuy nhiên, nghỉ ở nhà nhưng “sướng” chưa thấy đâu, chỉ thấy chị em kêu trời vì đủ thứ việc không tên đổ lên đầu.


“Công ty thông báo cho nghỉ cả sáng thứ 7, vậy là được nghỉ tròn 4 ngày. Tôi nghe thấy mà thấy rùng mình. Đi làm còn đỡ chứ ở nhà thì bao nhiêu việc nhà lại vào tay mình hết.” – Chị Ngọc (35t-nhân viên hành chính công ty VPC) tâm sự.


Chị Ngọc còn thở dài khi nhắc đến những ngày nghỉ lễ: “Không phải là lười làm việc nhà, tuy nhiên tôi ở cùng gia đình chồng. Trong nhà có hai cô em chồng chẳng bao giờ động chân tay vào việc gì, lại rất hay bày bừa. Mà động đến dọn dẹp thì không biết lúc nào tôi mới làm hết việc. Ngoài chăm con, lại phải làm một lô xích xông việc nhà và hầu thêm 2 cô em chồng cùng họ hàng nhà chồng đến chơi ăn uống, liên hoan suốt 2 ngày cuối tuần. Hôm qua nghe mẹ chồng dặn, nghỉ lễ đừng có đi đâu đấy, cả nhà sẽ tổng vệ sinh các phòng ốc mà hãi quá. Bảo là cả nhà nhưng thực chất chỉ có vợ chồng mình è cổ ra dọn thôi. Ở nhà như thế stress lắm!”.


Nếu chị Ngọc chỉ mới lo lắng đến chuyện làm việc nhà không ngẩng mặt lên được, thì H.Xuân (phòng chăm sóc khách hàng Viettel) còn khổ sở hơn với ông chồng mê ăn nhậu.


“Nghỉ lễ tết ông xã nhà mình chẳng thích đi đâu bao giờ. Lúc nào cũng chỉ muốn ở nhà và gọi bạn bè đến tụ tập ăn nhậu. Hồi Tết, mấy ngày liền không ngày nào nhà mình không có bàn tiệc. Mình chỉ bận quay cuồng với việc nấu ăn và dọn dẹp” – H.Xuân nói.


Dịp này, các chị em có con nhỏ cũng được phen kêu trời vì ôsin xin nghỉ lễ 30-4 như dân văn phòng. Nhà nào chồng chăm chỉ giúp đỡ vợ còn đỡ, nhà nào chồng lười chỉ quen “nằm khểnh” thì chị em tha hồ “nheo nhóc” với đủ thứ việc.


Chiều thứ 6, chị Hoàng Anh (làm ở công ty SF) đã tay xách nách mang đủ thứ đồ ăn sẵn trong siêu thị về nhà vì người giúp việc đã về quê để… nghỉ lễ 30-4. Phải bỏ hết các kế hoạch đi chơi vì trông hai đứa con trai nghịch ngợm ở nhà, chị khó chịu lắm nhưng vẫn phải chấp nhận vì trong hợp đồng thuê đã ghi rõ “Nghỉ 30-4, 1-5, nghỉ Tết tây ta” đủ cả. “Bác ôsin chỉ rình mình được nghỉ để xin về quê. Nghĩ đi nghĩ lại thấy ôsin còn sướng hơn mình nhiều vì được nghỉ lễ. Mình cũng thưởng cho 500.000 bằng tiền thưởng của công ty mình. Về nhà đánh vật với 2 thằng quỷ sứ một mình chẳng còn thời gian đâu mà nấu nướng. Mình cứ chất đầy tủ bằng đồ ăn sẵn luôn cho nhanh”, chị Hoàng Anh than thở.


“Đã thế, chồng còn không giúp gì cho. Chỉ nằm ườn ra đòi ăn ngon, đúng giờ. Lại còn đòi mời bạn về nhà nhậu nhẹt, mình điên quá mới quát cho một trận. Thế là hai vợ chồng lại khục khặc nhau, chán mấy ngày lễ quá đi mất!”.


Ác mộng về quê chồng


Không ở nhà, nhưng lại phải khăn gói về quê chồng trong kỳ nghỉ lễ cũng là ác mộng của không ít chị em.


Nhà ai có xe riêng hay quê gần có thể đi được xe máy còn đỡ, những chị em lấy chồng xa đều “méo mặt” mỗi lần phải xếp sắp đồ đạc về quê. Cả năm cũng chỉ có mấy dịp cố định thăm quê nên việc mua quà biếu cho người lớn, bánh kẹo cho trẻ nhỏ là điều không thể thiếu. Kinh tế đã khó khăn, ngày nghỉ thì không được nghỉ ngơi lại phải chi một khoản không nhỏ để tay xách nách mang về quê chồng, nhiều chị em tỏ ra rất mệt mỏi.


Ngồi nhẩm nhẩm tính lại tất cả các thứ đồ phải mua, Mai Anh (nhân viên sales) nói như mếu: “Lương 2 vợ chồng chẳng được bao nhiêu mà mỗi lần về quê lại phải mua đủ thứ. Nghĩ xót lắm nhưng biết làm thế nào. Nhà chồng mình vốn coi trọng chuyện quà cáp. Không mua lại nói con dâu ki bo”. Nhưng khi kê bản chi chi tiết, Mai Anh mới giật mình vì cả lương và thưởng 30-4 cộng lại có 6 triệu, mà mua quà biếu bố mẹ chồng, biết bà nội chồng rồi bánh kẹo cho lũ cháu nhà chồng, sơ sơ đã 2-3 triệu rồi.


Đồng cảnh ngộ với Mai Anh. V.Tuyết (Long Biên –HN) ấm ức kể về chuyện lần nào trước khi về quê chồng, cô cũng bị anh chị em họ bên chồng gọi điện thoại nhờ mua rất nhiều đồ nhưng toàn không trả tiền. “Đồ nhờ mua có khi cũng chẳng đắt gì. Tuy nhiên nhiều lần mình đã phải mua hộ mà không được trả tiền. Chồng mình thì chẳng bao giờ để tâm chuyện này. Đòi tiền thì cũng nói một hai lần vu vơ, chứ cũng không thể nằng nặc đi theo mà đòi được. Mình sợ phải về quê chồng lắm, nghĩ đến hai vợ chồng tay xách nách mang và lại chi một khoản không nhỏ để quà cáp, mình hãi quá. Thế là đi tong kỳ nghỉ!” – Tuyết than thở.


Con còn bé, nhưng dịp nghỉ lễ này chồng Phương Trang (Thanh Trì, HN) đã “rào” trước: “Nghỉ lễ đưa con về quê chơi với bà và cụ đấy!”. Mặc cho Trang than thở, chồng cô vẫn “rắn như đinh”, bắt vợ phải chuẩn bị đồ đạc để chiều thứ 6 lên xe khách về Thanh Hóa chơi. Gọi là chơi, nhưng đối với Trang và con bé chẳng khác gì “hành” nhau. Đường xa, trời thì nóng bức, lại lỉnh kỉnh đồ đạc, nhìn con cứ khóc thét lên mà cô như đứt từng khúc ruột. Hơn nữa, đi đi lại lại thế này đã mất đứt nửa tháng lương của cả hai vợ chồng. Trang chỉ còn nước tâm sự với bạn cho đỡ ức chế: “Thà đừng nghỉ dài, cứ đi làm có phải đỡ mệt không!”.


Nhìn cảnh mọi người chuẩn bị mua sắm, rồi tíu tít đi chơi, Phương Trang cũng như nhiều chị em khác chỉ biết ngồi thở dài và nói câu “Ước gì”. Thế mới biết không phải ai cũng hào hứng với ngày nghỉ, nhất là chị em văn phòng đã có gia đình và đang phải gánh hàng trăm nỗi lo chi tiêu với đồng lương ít ỏi trong tay.


http://tin.soha.vn/bao/khi_chi_em_so_nghi_le-kBY488HVS.htm