Chuyện cái toilet người ta đã nói từ khi… nó vừa ra đời. Riêng ở Việt Nam thì toilet công cộng thường đi liền với chữ "dơ” gắn thành một cụm thường dùng, từ toilet ở quán café, quán ăn cho đến trường học, khu du lịch, thậm chí cả văn phòng các công ty. Báo giới lên tiếng từ vài năm trước, truyền thông vào cuộc khá rầm rộ,và sau đó, "vụ án toilet dơ” chìm xuồng như bao nhiêu chuyện khác từng gây xôn xao ở xứ này.



Và sự thật là những nỗi bức bối và hiểm họa vẫn còn đó, từ trẻ con, cho đến người trẻ tuổi, trung niên, đặc biệt là phái nữ. Bởi "thiết kế” cơ thể của Tạo hóa quá khác biệt, nên khi đàn ông có đặc quyền được đứng, bí quá có thể đưa tay bịt mũi khi "hành sự” thì nỗi ám ảnh của toilet đối với phụ nữ kinh khủng hơn nhiều, đặc biệt với những toilet bệt.



Mùi hôi thối, và đặc biệt tập đoàn vi khuẩn, virus gây bệnh đầy rẫy, trong đó có cả mối đe dọa từ HIV, lậu, giang mai, viêm gan, tiêu hóa và cả tá bệnh khác, cũng không thể kể đến giun các loại… Đó là một sự thật mà hầu như người ta chỉ biết đến một cách mơ hồ và yếu ớt phòng-chống-tránh một cách yếm thế và thiếu trách nhiệm.



webtretho


Hình 1 – Toilet vốn chứa biết bao vi khuẩn nguy hiểm.




Chuyện đó không có gì lạ ở nước ta, nơi ai làm gì cũng ngại người khác nhìn vào đánh giá, nơi "miệng đời” chê bai có thể hạ gục bất kỳ bản lĩnh nào, nơi hiếm khi người ta thật sự sống, hành động vì/cho chính bản thân mình, đặc biệt là phái nữ.Vậy cho nên, câu chuyện toilet dơ râm ran trong những cuộc tám chuyện nhưng chưa bao giờ được nâng cấp lên thành một vấn đề nhức nhối, cần thiết. Chính vì thế mà rất nhiều cô gái đi qua thời học sinh trung học với một khả năng nhịn tiểu phi thường mà sau này, cô ấy phải gánh chịu hậu quả bằng một hai viên sỏi thận,viêm nhiễm đường tiểu khi mang thai… Và cũng không thiếu những cô nàng công sở hiện đại đặt dép lên bồn cầu trong sự hằm hè, dè chừng của những người làm công việc lau dọn toilet, hoặc tặc lưỡi cho qua mỗi lần cần giải quyết, rồi lại âm thầm chịu đựng những căn bệnh khó nói, không biết tỏ cùng ai.



webtretho



Hình 2 – Hàng loạt các nhà vệ sinh ở Trường THCS Thị trấn I (Mỏ Cày Nam)


đều không có cửa.



Lê My (22 tuổi, quận 7), vừa đi du học Úc 2 năm về chia sẻ: "Ở bên Úc có loại dụng cụ dùng một lần hỗ trợ nữ giới tiểu đứng nên khi đi du lịch hay dã ngoại, toilet có mất vệ sinh thì cũng không thành vấn đề. Từ khi về nước, My càng khổ sở thêm mỗi khi đi toilet công cộng. Mà cũng chẳng chia sẻ được với bạn bè, cũng chẳng thể hỏi một cách tự nhiên là toilet ở đây có sạch không được. Các bạn nữ thì ngại, các bạn nam thì cười, cứ như chuyện đáng xấu hổ ấy. Người Việt mình còn chưa quan tâm đúng mức đến chuyện tế nhị và quan trọng này thì phải.”



Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đến bao giờ thì chúng ta mới có thể kết thúc nỗi đau toilet dơ được đây? Và ngoài việc kêu ca, các bạn nữ có thể làm được gì để tự bảo vệ mình trong hiểm họa này, khi nơi nhức nhối nhất lại nằm ngay trong trường học?


Ngọc Bích