Mùa hè mang theo cái nóng ngột ngạt khiến mọi người thèm ăn một cái gì đó mát mẻ, giải nhiệt. Tào phớ cũng là một lựa chọn khá thú vị, vừa ngon vừa bổ lại không quá đắt luôn được các cô cậu học trò Hà Thành ưa chuộng.



Những năm về trước, tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong ruổi khắp các phố phường, ngõ ngách mỗi khi hè về. Hình ảnh người bán hàng quẩy quang gánh, một bên là thùng tào phớ, một bên là một chạn nhỏ với cốc, bát, thìa và chai nước đường…miệng rao “Ai…phớ đây” rất đỗi quen thuộc. Ngày nay, ngoài những gánh hàng rong, tào phớ được bán ở cả những vỉa hè, ngoài chợ hay trong quán xá sang trọng nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng, thơm ngon, đưa miếng tào phớ vào miệng, vị ngọt mát lan tỏa, thơm mùi hoa nhài nhè nhẹ xóa tan đi cái nóng mùa hè.


Nói đến làng làm tào phớ truyền thống ở Hà Nội thì không thể không nhắc đến làng An Phú (nay thuộc Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Tào phớ cũng không cầu kỳ trong cách làm, mỗi công đoạn đều làm thủ công nhưng để làm cho tào phớ được đông đặc không phải là dễ, điều này phụ thuộc nhiều vào bí quyết của mỗi nhà nghề.


Tào phớ được làm từ đỗ tương, một loại đỗ rất tốt cho sức khỏe, chữa bệnh tim mạch và ung thư, giảm lượng cholesterol trong máu. Đỗ tương được ngâm trong nước trương to đến khi vỏ nứt ra, lựa bỏ vỏ rồi đem xay nhỏ. Trải qua nhiều công đoạn cũng giống như làm nước đậu từ nấu, lọc bã sao cho còn lại cái tinh hoa của đậu nành chính là tào phớ. Thứ nước này phải trong, không có bọt thì tào phớ mới không bị vữa. Quả là quá khóe léo để cho ra nồi tào phớ trắng mịn, mềm mại.


Nước dùng cho tào phớ phải là nước đường hoa mai, có màu nâu vàng ngọt đậm, ướp hoa nhài. Mùi hoa nhài thơm thoang thoảng quyện lấy đường hoa mai khơi dậy vị bùi của đậu tương làm nên hương vị rất “quyến rũ” của tào phớ. Nước đường trong vắt màu vàng óng làm nổi bật những lát tào phớ trắng mịn. Chỉ cần khoắng nhẹ thìa vào bát, những lát tào phớ mịn màng tan nhỏ như cánh hoa. Miếng tào phớ mát lạnh, thơm phức, vị ngọt thanh làm mát dịu cả cơ thể, xua tan đi cơn khát.


Bát tào phớ ngon, bình dị mà dân dã chả thua kém gì các món giải nhiệt khác. Ngày nay, để phục vụ nhu cầu của thực khách, tào phớ được “biến tấu” thành nhiều món hấp dẫn như: tào phớ thập cẩm, tào phớ thạch trân châu, tào phớ hoa quả, tào phớ sữa dừa hoặc thay nước đường hoa mai thành nước đậu nóng…nhưng tất cả vẫn giữ được màu trắng trong vốn có, vị ngọt và mát thơm.


Điều thú vị trong cách thưởng thức, những chiếc bát sành, thìa sành cũng được chuyển biến thành bát sứ, cốc thủy tinh, ly sứ đẹp và bắt mắt hơn. Ngoài ra, tào phớ cũng có ở cả miền Trung và miền Nam, chỉ khác nhau về tên gọi và có thêm hương vị đặc trưng của từng miền. Đậu hủ của miền Trung có thêm gừng vị thơm và cay, miếng đậu hủ cũng “lỏng” hơn. So với tào phớ ở miền Bắc và đậu hủ miền Trung, tàu hủ của miền Nam đặc hơn, có thể có nước cốt dừa, thường được ăn nóng với nước đường, thêm chút gừng và nhiều nơi còn thêm những viên bột lọc nhỏ.


Tào phớ qua mỗi vùng miền đều mang lại hương vị ngon riêng nhưng đều là món ăn dân dã, bình dị và tinh túy của người Việt. Mùa hè nóng nực, một bát tào phớ mát lạnh, lại được tụm năm, tụm bảy với bạn bè thì không gì tuyệt bằng.


Thu Hường


http://www.baomoi.com/He-ve-mat-lanh-tao-pho/84/6219077.epi