Hệ lụy cơn bão số 1: Dân khổ vì dự báo sai


Thứ ba, 20/07/2010, 01:29 (GMT+7)


http://sggp.org.vn/moitruongdothi/2010/7/231711/


Cơn bão số 1 không là bão dữ, gây khiếp đảm như nhiều người đã tưởng. Khi bão vào bờ, nhiều nơi chỉ có gió thổi cấp 7 - 8, Hà Nội chỉ mưa lắc rắc… Thế nhưng trước đó giới truyền thông cũng như cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đã “dựng” lên một cơn siêu bão nguy hiểm, cường độ mưa lên tới 200-400mm trên diện rộng. Hậu quả là hàng ngàn người dân vùng ảnh hưởng khốn khổ vì lo chạy bão.


Dự báo “trừ hao”


Trong các cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương trước bão số 1, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đều đã khẳng định, Conson là một cơn bão nguy hiểm. Khi ập bờ, cường độ gió có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 13-14. Bởi vậy, có thể khẳng định đây là “siêu bão” vì năm 2005 một cơn bão tương tự đã phá tan hoang cả vùng biển tỉnh Nam Định, Hải Phòng. Đê biển sạt lở, hàng ngàn hộ dân chìm trong nước biển.


Nhiều tờ báo, đài truyền hình đã vội vã giật tít, đưa tin bão giật cấp 14 tấn công Bắc bộ. Thậm chí cho rằng nó còn nguy hiểm hơn cả bão khi Hà Nội cũng như các tỉnh ở Nam đồng bằng Bắc bộ sẽ có mưa to, cường độ lên tới 200-300mm, có nơi lên tới 400mm…


Trong khi trước đó vài ngày, Hà Nội vừa trải qua một trận lụt đầu tiên của năm 2010, dân tình khốn khổ vì lỡ dở mọi công việc, giao thông tắc nghẽn, thiệt hại vì nhà ngập nước, cây xanh đổ gãy… mà cơ quan khí tượng lại không hề dự báo được. Vì vậy, khi người dân đọc xong tin bão nguy hiểm, Hà Nội sẽ mưa cực lớn, ai cũng hoang mang, cuống cuồng lo phòng bão, ngập lụt.


Trên thực tế, bão số 1 vào đất liền không còn là bão. Ở Nam Định, gió chỉ cấp 7-8. Ở Hải Phòng gió cấp 8-9. Sáng sớm 18-7, khi có thông tin cơn bão đã qua, nhiều ngư dân ở biển Quất Lâm (Giao Thủy - Nam Định) bảo rằng: “Bão như vầy mà sao các ông dự báo làm chúng tôi tưởng chừng như trời sắp sập”. Nực cười hơn cả là Hà Nội gần như không có mưa, chỉ vài nơi mưa lắc rắc.


Trong khi cả đêm có tin bão vào, hàng trăm cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị chức năng như công ty cây xanh, công ty thoát nước, điện lực… thức đêm, căng mình đợi bão, chỉ lo nước ngập thêm một lần nữa thì bị phê bình, kỷ luật. Sáng hôm sau, trời quang, mây tạnh, nắng ửng hồng. Dân tình chưng hửng ra Bờ Hồ tập thể dục! Ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình…, được dự báo là tâm của bão, mưa to lũ lớn, chính quyền địa phương cho biết đã sẵn sàng mọi phương án để chống bão, khắc phục bão nhưng lại không thấy bão đến!


Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan dự báo khí tượng thủy văn dự báo theo kiểu “trừ hao”. Tình trạng này đã từng xảy ra nhiều lần trong các năm 2008-2009.


Tại cuộc họp bàn các giải pháp cứu Hà Nội khỏi ngập lụt của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khẳng định như đinh đóng cột là Hà Nội có thể lại mưa tới 200-300mm. Lúc đó, dân đã nháo nhào đi mua đồ ăn dự trữ. Nhưng rồi mưa chẳng xảy ra.


Tới lượt cơn bão số 10 của năm 2008, chính ông Tăng lại cảnh báo: bão rất lớn, sẽ gây mưa to trong đất liền. Nhưng cơn bão đó còn chưa chạm nổi đất liền. Trong năm 2009, cũng lại xuất hiện nhiều cơn bão… hụt như vậy.


Trong khi mỗi lần trung tâm khí tượng đưa ra cảnh báo, Chính phủ, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải bỏ không ít thời giờ, công sức, tiền của, huy động lực lượng… để di tản dân, túc trực canh bão. Từ những dự báo khá xa thực tế có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nhiều người dân đang lờn với các thông tin bão lũ. Từ đó, nảy sinh tâm lý chủ quan, không chỉ nơi người dân mà cả cơ quan, chính quyền của các địa phương trong vùng tâm bão.


Câu chuyện dự báo trừ hao, nói quá của “ông” khí tượng đã làm nhiều người không khỏi lo sợ khi nhớ lại câu chuyện cậu bé liên tục hù người dân trên đồng rằng “tôi bị chó sói ăn thịt, cứu tôi với”. Té ra chẳng có con chó sói nào cả. Cho tới một lần, có chó sói ăn thịt thật thì chẳng ai còn tin cậu bé nữa, tất cả đã muộn, cậu bé đã bị rơi vào nanh vuốt của nó.



Theo dõi thời tiết từ rada tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ chiều 19-7. Ảnh: ĐỨC TRÍ


Truyền thông có quá tay?


Tuy nhiên, bên cạnh việc đổ lỗi cho cơ quan khí tượng cũng không thể xem thường tác động của giới truyền thông. Suốt những ngày qua, nhiều người dân rất bức xúc khi cho rằng trong quá trình tường thuật bão số 1, một số đài truyền hình đã quá “nghiêm trọng hóa” cơn bão. Thực tế bão không ảnh hưởng nhiều nhưng một số báo đài đã dựng lên cảnh tượng một cơn bão còn khủng khiếp hơn cả bão Katrina của Mỹ. Hình ảnh trên truyền hình thổi phồng vụ việc trong thực tế, những cầu truyền hình trực tiếp cũng đưa ra dự báo quá mức diễn biến.


Ngay buổi chiều 17-7, mặc dù bão chưa hề vào đất liền, nhưng trên các trang báo mạng, đài truyền hình đã giật đùng đùng các thông tin bão ập bờ, cảnh sóng biển đập dữ dội. Thậm chí nhiều trang web còn đẩy những bức ảnh của cơn bão năm 2005 lên “minh họa”, không hề chú thích đây là ảnh chụp ở đâu, lúc nào…, làm nhiều người hoảng hồn nghĩ rằng bão đang đổ vào biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… rất dữ dội.


Tệ hơn là trước khi cơn bão cả một ngày trời, một tờ báo mạng còn đưa ngay lên thông tin theo kiểu “đón lõng” để nhằm “chạy đua thông tin” vào lúc 2-3 giờ chiều: Hàng ngàn người dân Hà Nội đang nháo nhác đi mua đồ ăn thức uống để phòng mưa bão vì lo nước ngập như hôm 13-7, cả thủ đô lại tê liệt. Thực tế lúc đó chẳng có ai làm vậy cả. Cho tới tận 5-6 giờ chiều, nhiều người dân còn ngạc nhiên hỏi nhau rằng: “Dân đổ xô đi mua đồ thật hả?”.


Sự thật là một “nhà báo salon” đã cố tình nhào nặn và sáng tác ra cảnh tượng đó! Nhưng khi thông tin được đẩy lên mạng, hàng trăm công chức, nhân viên văn phòng sau khi đọc xong đã tá hỏa trở về nhà để mua sắm. Từ hàng trăm người, thông tin đã lây lan ra hàng ngàn người. Và Hà Nội ầm ập đi mua đồ để dự trữ phòng mưa bão.


Rõ ràng, việc dự báo “vống”, “đua” thông tin đã đẩy cơn bão số 1 trở nên phức tạp hơn trong cảm nhận của người dân. Hậu quả là hàng ngàn người khốn khổ vì lo chạy bão, lo đón bão, thiệt hại có lẽ không chỉ về kinh tế, mà còn cả tâm lý, cũng như lòng tin của người dân vào giới truyền thông và cơ quan dự báo bão. Điều mà người dân cần hiện nay là phải dự báo cũng như thông tin đúng mực để có giải pháp ứng phó thích hợp đối với mỗi cơn bão, tránh gây tâm lý chủ quan cũng như việc đầu tư quá tốn kém, gây thiệt hại ngược không phải do bão mà do việc dự báo sai.


Dù công tác dự báo thời tiết còn gặp nhiều vấn đề, các địa phương và người dân cần phải tự cảnh giác đề phòng bão lũ với phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Làm được như vậy, tính mạng con người và tài sản sẽ không bị hư hao mỗi khi bão lũ tràn về


(VĂN PHÚC HẬU)


Xuất hiện cơn bão số 2


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đêm 19-7, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông đã mạnh lên thành bão. Như vậy đây là cơn bão thứ 2 xuất hiện trên khu vực biển Đông trong năm nay và đang có xu hướng đi vào bờ. Chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ vĩ Bắc và 114,2 độ kinh Đông, chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.


Chiều qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã họp để chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị ứng phó với bão số 2, đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 1. Chỉ đạo giải pháp ứng phó với bão số 2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho rằng, diễn biến của bão số 2 phức tạp, do đó, các địa phương cần thông báo ngay cho ngư dân không ra khơi, các tàu còn đánh cá trên biển Đông khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn.