Hàn Quốc quyết xóa sổ nạn học thêm ban đêm


Một lớp học ở Hàn Quốc. Ảnh: Time.


Một lớp học thêm ở Hàn Quốc. Ảnh: Time.


Sáu nhân viên chính phủ tập trung ở văn phòng trong một đêm thứ tư, chuẩn bị đi tuần tra. Nhiệm vụ của họ rất đặc biệt: phát hiện và ngăn chặn những học sinh còn đi học sau 10h tối.


Vấn đề học thêm của Hàn Quốc đã trở nên nghiêm trọng. Để giảm nạn “nghiện” học thêm tư nhân sau giờ học chính khoá (được gọi là hagwon), giới chức đã bắt đầu ra lệnh “giới nghiêm”, thậm chí thưởng cho người dân tố giác những kẻ vi phạm.


Các nhân viên tuần tra bắt đầu buổi làm việc của họ khá thư thái. Họ uống trà trong văn phòng. Ông Cha Byoung Chul, hiện đang là một quan chức bậc trung tại văn phòng giáo dục quận Gangnam, thành phố Seoul, là trưởng nhóm. Ông kể rằng có một lần đội đã tìm thấy mười em học sinh trốn trên mái nhà vào lúc khoảng 11h tối. "Chẳng có chỗ nào khác để trốn cả", ông nhớ lại. Trong màn đêm, ông đã phải trấn an các em: "Tôi nói với chúng rằng chính hagwon đã vi phạm luật chứ không phải các em và các em có thể về nhà".


Cha hút thuốc lá trong bãi đỗ xe. Giống như bất cứ người nào đang tìm cách xóa bỏ truyền thống đã có cả thế kỷ nay, ông không hề vội vã. "Chúng tôi không đi tuần đúng 10h tối. Cứ để khoảng 20 phút. Như vậy họ sẽ không còn có lý do nào để bào chữa nữa".


Cuối cùng nhóm tuần tra lên xe và tiến tới Deachi-dong, quận có nhiều hagwon nhất của Seoul. Đường phố đầy phụ huynh đến đón học sinh. Các thanh tra đi bộ trên vỉa hè, quan sát các tầng nơi có các lớp học thêm và tìm xem nơi nào còn sáng đèn.


Đến 11h, họ bắt đầu đi vào một con phố nhỏ nhờ có tin chỉ điểm. Họ vào một tòa nhà tồi tàn, lên tầng hai. Nhân viên nữ của đội tuần tra gọi cửa. Một giọng nói nhỏ trả lời: “Đợi một chút”. Đội thanh tra nhìn nhau. “Đợi một chút” là có vấn đề. Ông Cha điều một người xuống dưới chặn thang máy. Đợt “bắt bớ” bắt đầu.


Việc kiểm soát các hagwon là một phần của mục tiêu chế ngự nền văn hoá giáo dục “khổ sai” của Hàn Quốc. Ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương, các chính trị gia đang thay đổi các chính sách kiểm tra và thi tuyển của trường học cũng như đại học nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh và đề cao những phẩm chất linh hoạt hơn như sáng tạo. Tổng thống Lee Myung Bak trong bài phát biểu nhậm chức hồi năm 2008 đã tuyên bố: "Một chương trình đào tạo rập khuôn, nhồi nhét và một nền giáo dục chỉ hướng tới các kỳ thi vào đại học là không thể chấp nhận được".


Nhưng việc học nhồi nhét đã cắm rễ vào nền giáo dục châu Á. Điểm cao thường là yếu tố duy nhất được coi là quan trọng để thành công trong sự nghiệp. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thuê gia sư cho con cái từ thế kỷ thứ 7. Hàn Quốc hiện nay là ví dụ cho thấy sự cạnh tranh đã đạt tới mức độ mới. Trong năm 2010, có tới 74% học sinh đi học thêm, với mức phí trung bình là 2.600 đôla một người một năm. Ở Hàn Quốc có nhiều gia sư và thầy dạy thêm hơn là giáo viên chính thức. Những người nổi tiếng nhất có thể kiếm hàng triệu đôla một năm từ các lớp học thêm và các bài giảng online.


Tại Seoul, những học sinh trượt đại học sẽ dành cả năm sau khi tốt nghiệp để theo các lớp học thêm nhằm cải thiện điểm số khi thi vào các trường đại học. Thậm chí những học sinh này còn phải cạnh tranh với nhau để vào các trung tâm này. Trung tâm nổi tiếng Deasung nhận học sinh dựa trên chính điểm thi đại học và chỉ có 14% số em nộp đơn được vào học tại đây. Sau một năm với các tiết học kéo dài 14 tiếng mỗi ngày, khoảng 70% sẽ vào được một trong ba trường đại học danh tiếng nhất nước.


Đối với các nước khác, thành tích học tập của Hàn Quốc rất đáng ngưỡng mộ. Học sinh ở đây có kết quả tốt hơn so với hầu hết các nước khác ở môn văn và toán. Tổng thống Mỹ Barack Obama và bộ trưởng giáo dục của ông ca ngợi sự tận tâm của các bậc cha mẹ Hàn Quốc đối với sự nghiệp học hành của con gái, đồng thời than phiền rằng học sinh Mỹ đang bị tụt hậu.


Nếu không có nền giáo dục hà khắc, Hàn Quốc có thể đã không trở thành một cường quốc kinh tế như bây giờ. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo quốc gia này lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại nếu không có nhiều phát minh hơn nữa, và tỷ lệ sinh đẻ sẽ tiếp tục giảm khi các gia đình phải chịu sức ép về tài chính do việc học hành tốn kém.


"Nước Mỹ chỉ nhìn thấy khía cạnh mặt sáng của hệ thống giáo dục Hàn Quốc", Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cho hay. "Người Hàn lại chẳng vui vẻ gì về điều đó".


Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất không hài lòng với hệ thống giáo dục quốc gia. Khắp châu Á, các nhà cải cách đang nỗ lực đổi mới trường học. Tại Trung Quốc, các trường đại học bắt đầu thay đổi các bài kiểm tra đầu vào để chọn ra những học sinh có nhiều khả năng hơn là học vẹt theo sách.


Trong nhiều năm liền chính phủ Hàn Quốc đã không ngừng nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục - đơn giản hoá các bài thi tuyển, hạn chế các hagwon, thậm chí còn đi tới cấm các hagwon hoạt động vào những năm 1980. Nhưng sau mỗi lần như vậy, nạn học thêm lại trở lại mạnh mẽ hơn do học sinh Hàn Quốc phải gò mình vào việc học để vào được một trong những trường đại học danh tiếng nhất đất nước.


Tuy nhiên lần này chính phủ tuyên bố kế hoạch cải cách sẽ tập trung vào cả gốc rễ của vấn đề. Hàn Quốc đang cố gắng cải thiện hệ thống trường công lập bằng cách đánh giá lại chất lượng giáo viên và hiệu trưởng. Các bài thi tuyển vào các trường trung học có tiếng đã bị xoá bỏ. Khoảng 500 quan chức tuyển sinh đã được chỉ định tới các trường đại học, để xem xét kết quả của các thí sinh không chỉ bằng điểm thi mà còn về khả năng của mỗi em.


Không ai bảo vệ hiện trạng của giáo dục Hàn Quốc. “Ngoài những lúc ngủ ra thì tất cả những gì chúng em làm là học”, một học sinh kể. Đây hoàn toàn không phải là nói quá. Thời gian biểu học tập bình thường bắt đầu vào lúc 8h sáng và kết thúc khoảng từ 10h tối tới 1h đêm tuỳ theo nỗ lực của mỗi em. Không em nào có thể chống lại được sức ép không ngừng từ phía gia đình và từ những em học sinh khác, các em học cho tới khi gục xuống vì mệt mỏi. Một em khác nói: “Em thấy đau lòng khi thấy các bạn cùng lớp ganh đua thay vì giúp đỡ nhau”.


Các bậc phụ huynh là động lực chính của những cuộc đua này, và họ cũng là những người khó thay đổi nhất. Han Yoon Hee, giáo viên tiếng Anh tại trường trung học Jeong Bal cho biết: “Tôi từng khuyên các em ngừng học tại hagwon và tập trung vào học tại trường. Nhưng cha mẹ các em lại rất lo lắng khi thấy con mình không học thêm vào buổi tối. Họ nhìn các học sinh khác đang đi học thêm. Các em phải cạnh tranh với nhau”.


Số tiền chi vào việc học thêm đã giảm 3,5% trong năm 2010, lần đầu tiên kể từ khi chính phủ bắt đầu ghi lại số liệu này vào năm 2007. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn chi 2% GDP cho việc học thêm. Andrew Kim, một giáo viên rất thành công tại Megastudy, hagwon lớn nhất của Hàn Quốc, cho biết ông kiếm được 4 triệu đôla vào năm ngoái nhờ các bài giảng trên lớp và online. Ông thừa nhận rằng hệ thống này không phải là lý tưởng, nhưng cho tới giờ ông vẫn chưa thấy việc cải cách tác động tới nguồn thu nhập của mình. "Các biện pháp càng cứng rắn thì các trung tâm học thêm càng bền vững". Ví dụ như để đối phó với lệnh giới nghiêm của chính phủ, nhiều hagwon đã đưa bài giảng lên mạng để các học sinh có thể mua và học tại nhà.


Một số hagwon vẫn bất kể luật pháp, tiếp tục hoạt động sau giờ giới nghiêm, đôi khi dưới hình thức nguỵ trang. Trong đêm tuần tra của ông Cha tại Daechi-dong, sau khi cửa mở, họ thấy trong phòng đọc sách có khoảng 40 em học sinh ngồi tại các ô riêng rẽ. Về lý thì đây không phải là một hagwon mà là một thư viện tự học sau giờ chính khoá. Các thư viện này được phép mở sau 10h tối. Tuy nhiên, nhóm thanh tra nghi ngờ đây là một hagwon được nguỵ trang. Các em học sinh đều đang học cùng một bài, và có một vài người lớn có vẻ là giáo viên.


Một trong số họ bác bỏ việc vi phạm: "Chúng tôi có việc ở đây chứ không dạy học". Nhưng ông Cha không tin: “Trước đây tôi đã cho phép lý do này, nhưng có nhiều người đã nói cho chúng tôi về chỗ này. Tất cả mọi người đều biết các anh đang hoạt động trái phép tại đây”.


Sau đó, đội tuần tra tiếp tục đi tới một vài thư viện tự học khác nhưng không thấy vi phạm nào. Khoảng nửa đêm, nhóm thanh tra bắt đầu trở về nhà.


Hôm đó, họ đã “giải phóng” được 40 em học sinh trong tổng số 4 triệu em tại Hàn Quốc.


Hải Anh


http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/10/han-quoc-quyet-xoa-so-nan-hoc-them-ban-dem/


Việt Nam mình thì tới bao giờ nhỉ?


Quan trọng vẫn la nhận thức xã hội. Nếu trường học vẫn thi cử theo kiẻu từ chương, thuộc lòng, nếu xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, thì bắt bớ cũng chẳng xóa sổ được.


Chỉ khi nào các bậc cha mẹ tự nhìn thấy rằng học gạo không giúp con mình thành đạt va sung sướng, khi đó nhà nước có thưởng tiền học thêm họ cũng tự động chuồn! híc híc, chắc ngày đó còn lâu lắm!