(GDVN) - Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế khẳng định, thông tin "máy lọc nước Kangaroocó tác dụng "ngăn ngừa mỡ máu" là không có cơ sở...


Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tục quảng cáo thông tin về loại máy lọc nước nhãn hiệu Kagaroo (Tập đoàn Kangaroo) có khả năng ngăn ngừa bệnh mỡ máu.


Được biết đề tài nghiên cứu “đánh giá hiệu quả hỗ trợ giảm mỡ máu của máy lọc nước Kangaroo trên các bệnh nhân rối loạn mỡ máu điều trị tại bệnh viện tim Hà Nội”, do PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội làm chủ nhiệm, được Tập đoàn Kangaroo sử dụng kết quả nghiên cứu trong hoạt động kinh doanh.


Sự việc khiến không ít người dân tin vào khả năng chữa bệnh “thần kỳ” của máy lọc nước nhãn hiệu Kangaroo.


Tuy nhiên, Đại diện Bộ Y tế, giới chuyên gia đầu ngành về tim mạch Việt Nam khẳng định, đây là những thông tin không có cơ sở, gây hoang mang trong dư luận.



GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (ảnh: Báo Sức khỏe và Đời Sống)


Liên quan đến thông tin này, ngày 22/10, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam khẳng định quảng cáo về máy lọc nước Kangaroo có tác dụng “ngăn ngừa mỡ máu” là chuyện hoang tưởng, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.


“Đây là những kết quả vớ vẩn và quá nguy hiểm cho những người ảo tưởng về tác dụng "thần kỳ" của sản phẩm được quảng cáo.


Người dân người ta không hiểu thì họ lại tưởng nghiên cứu này có vẻ khoa học lắm! Thực ra nó chả có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn gì hết. Đề tài này chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…", GS.TS Nguyễn Lân Việt chỉ rõ.



Biển quảng cáo sản phẩm máy lọc nước Kangaroo có tác dụng "ngăn ngừa mỡ máu" ở Hà Nội (ảnh: XUÂN QUANG).


GS.TS Nguyễn Lân Việt cũng lưu ý: "Đây là đề tài do Bệnh viện Tim Hà Nội tiến hành nghiên cứu trên 20 bệnh nhân, nhưng không có đối chứng, không đủ cơ sở để kết luận.


Mặt khác, Viên Tim mạch Việt Nam chưa bao giờ xác nhận chuyện máy lọc nước Kangaroo có tác dụng giảm mỡ máu như nhiều nguồn thông tin trích dẫn. Chúng tôi cũng chưa bao giờ làm nghiên cứu này.


Thực tế, bệnh nhân bị bệnh mỡ trong máu, nếu áp dụng chế độ ăn uống đảm bảo, tuân theo phác đồ điều trị, có thể giảm được mấy chục phần trăm lượng mỡ trong máu rồi. Còn việc uống nước mà giảm được mỡ trong máu thì có mà loạn.


Cho nên tôi cho rằng, việc công bố thông tin này sẽ gây hoang mang, lập lờ, "đánh lận con đen", khiến người ta hiểu nhầm rằng, nếu uống nước đã qua máy lọc Kangaroo có tác dụng chữa bệnh thì thật sự nguy hiểm", GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.


GS.TS Nguyễn Lân Việt nói thêm: "Tôi buộc phải nói những điều này với tư cách Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Nếu không nói tôi cảm thấy mình vô trách nhiệm. Trong khi đồng nghiệp của mình lại nói một cách rất mập mờ, gây hiểu nhầm".



Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế (ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).


Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế khẳng định, đề tài “đánh giá hiệu quả hỗ trợ giảm mỡ máu của máy lọc nước Kangaroo trên các bệnh nhân rối loạn mỡ máu điều trị tại bệnh viện tim Hà Nội” chưa được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, công nhận.


“Thông tin máy lọc nước RO Kangaroo có tác dụng “ngăn ngừa mỡ máu” là chưa có cơ sở. Đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện này.


Ở nước ta hiện nay, chưa có đề tài nào được công nhận máy lọc nước Kangaroo có tác dụng ngăn ngừa mỡ máu cả”, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế khẳng định.


Cũng theo ông Khẩn: “Một đề tài nghiên cứu khoa học liên quan tới lĩnh vực y tế, nếu áp dụng trên thực tế, phải trải qua các công đoạn thẩm định, nghiệm thu, đánh giá, công bố đề tài…


Đây chỉ là đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đang trong quá trình nghiên cứu, chưa nói lên được điều gì. Nếu kết luận tác dụng của máy lọc nước giúp ngăn ngừa mỡ máu thì còn quá sớm".


Cục trưởng Khẩn cũng lưu ý, đối với các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, khi chưa được thẩm định, công bố rộng rãi nhưng bị thổi phồng về tác dụng là điều rất nguy hại.


Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.


XUÂN QUANG


Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/GSTS-Nguyen-Lan-Viet-May-loc-nuoc-giam-duoc-mo-mau-la-hoang-tuong-post162743.gdv