Ngoài thị trường hàng hóa phân phối theo hình thức đa cấp, Amway còn xuất hiện một thị trường “chợ đen” nhộn nhịp, nơi các sản phẩm được bán thấp hơn nhiều so với giá gốc. Sự thật này khiến nhiều nhà phân phối mới khóc ròng…



Hội viên mua giá cao, chợ đen giá thấp



Công ty TNHH Amway Việt Nam (gọi tắt Amway) gia nhập Việt Nam từ khá sớm và có thể coi là “người khổng lồ” đa cấp hiện nay với mạng lưới thành viên đông đảo.



Tuy nhiên, đến nay thì Amway đã lộ diện rõ những góc khuất của mình. Nguy hiểm nhất là những người tham gia vào Amway phải mua hàng với giá cao, trong khi cũng hàng này ở “chợ đen” giá lại rất thấp.



Khởi nguồn câu chuyện này đã có từ vài năm trước, khi anh Nguyễn Hải Nam quyết định gia nhập mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty này. Sau khi dùng mọi lý lẽ để thuyết phục tôi tham gia nhưng không được, theo thói cũ anh Nam đề nghị tôi mua hàng, gọi là ủng hộ cho anh.


Những sản phẩm của Amway được giảm giá rất sâu trên một trang web chuyên bán phá giá.




Anh bày ra trước mắt tôi đủ thứ chai lọ rồi thao thao thuyết trình về công dụng thần kỳ của các hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc tại Mỹ. Điểm đặc biệt, giá anh Nam bán ra rẻ hơn so với việc gia nhập hệ thống đa cấp Amway, trở thành thành viên của mạng này. Tôi quyết định mua tất cả, mỗi thứ một sản phẩm.



Không cần tham gia mạng lưới vẫn mua được hàng giá rẻ đó là một câu chuyện không mới với Amway.



Chị N.H.Y ở Hà Đông cho biết, 2-3 năm nay cô có thể dễ dàng mua những sản phẩm Amway. Theo chị N.H.Y, đó là những sản phẩm bán phá giá được rao nhan nhản trên mạng.


Kho hàng tồn trị giá hàng trăm triệu đồng trong nhà một cựu thủ lĩnh của công ty Amway.




Điều này được kiểm chứng khi gõ vào ô tìm kiếm của Google từ khóa "hàng giá rẻ Amway" lập tức có hàng ngàn kết quả được trả về, có nhiều trang web bán giá thấp hơn giá niêm yết cùng số điện thoại liên hệ cụ thể.



Chị N.H.Y cho biết, chị thường mua tuyp kem đánh răng Glister (sản phẩm của Amway) có giá 100 nghìn đồng, trong khi giá bán công bố là 148 nghìn đồng.



“Cách này rất thuận tiện bởi người bán cũng giao hàng trực tiếp, hàng vẫn chuẩn và giá lại tốt hơn nhiều so với mua từ các nhà phân phối. Dễ mua, rẻ, tội gì không”- chị N.H.Y chia sẻ.



Cơn thèm khát danh hiệu



Tuy nhiên, đến năm 2014 thì anh Nam cũng rời mạng lưới đa cấp Amway, từ bỏ giấc mộng làm giàu.



Để lý giải cho việc này, chúng tôi đã tìm lại anh Nam. Anh Nam đã đoạn tuyệt với đa cấp và giải thích rằng, những gì đang xảy ra với Amway là “hệ quả tất yếu của những cơn thèm khát danh hiệu điên cuồng và mất kiểm soát”.


Thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty Amway




“Người dùng thì cứ rẻ là họ mua. Nhà phân phối thất bại ngay trên chính sân chơi của họ. Không bán được hàng thì chỉ có bỏ cuộc, hoặc chuyển công ty đa cấp khác”, Nam nói.



Anh Nam kể, sau gần 3 năm tham gia đa cấp tại Amway, vợ chồng anh đã kịp "nướng" hết gần 200 triệu đồng mà chẳng thu về được là bao, ngoài đống hàng tồn vẫn còn chất cao như núi, không thể bán hết.



Hai vợ chồng anh Nam tưởng đã ở đỉnh cao khi leo đến chức danh "Nhà phân phối Bạch kim" (Platinum) của công ty Amway, với doanh số khoảng 300 triệu đồng/ tháng.



Vợ chồng anh vẫn còn một kho hàng của Amway mà lẽ ra, về lý thuyết, nó đã được bán hết cho mạng lưới. Đó là đủ các loại chai lọ, thùng hộp vứt ngổn ngang trong gian phòng tối, một số đã hết hạn sử dụng. Tổng giá trị số hàng ngày lên tới cả trăm triệu đồng.



Anh Nam than thở, sau khi nghỉ làm, anh cũng đã cố công thanh lý, nhưng chỉ được phần nào, bởi lượng hàng tồn ngoài thị trường là quá lớn trong khi sức mua thấp. “Bán rẻ cũng chẳng mấy người hỏi mua”-anh nói.


Kho hàng tồn trị giá hàng trăm triệu đồng trong nhà một cựu thủ lĩnh của công ty Amway.




Cựu thủ lĩnh của công ty Amway gượng gạo cho biết, tất cả là do quá trình dài hai vợ chồng cậu phấn đấu và gắng gượng "ôm" hàng để "chạy điểm" để giữ vững được danh hiệu.



"Ôm hàng là việc tự bỏ tiền để mua thêm hàng vào hệ thống, qua đó đạt được doanh số quy định trả thưởng hoặc lên chức. Nếu không, sẽ vỡ cả hệ thống!", Nam nói.



Theo giải thích, doanh số của một nhà phân phối trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp được tính bằng tổng lượng hàng của cả hệ thống từ khi người đó mua vào trong một tháng. Trên cơ sở đó, công ty sẽ xét danh hiệu, thu nhập, cùng các phần thưởng.



Trong trường hợp tháng kế tiếp không đạt được mốc doanh số như tháng trước, nhà phân phối sẽ bị đánh tụt hạng. Thu nhập và cơ hội đạt các phần thưởng cũng vì đó mà giảm đi.




Những sản phẩm của Amway được giảm giá rất sâu trên một trang web chuyên bán phá giá.




"Việc bị tụt hạng là điều rất khó chấp nhận trong ngành nghề kinh doanh có đặc tính sao chép rất cao này. Tuyến trên bị tụt, tuyến dưới lập tức sẽ mất tinh thần và tụt theo, kiểu quân bài đổ domino.



Vì lẽ đó, không ít nhà phân phối quyết định tự mình "ôm" hoặc huy động tuyến dưới cùng "ôm" một lượng hàng lớn để giữ hệ thống và tôi cũng không ngoại lệ", Nam lý giải cặn kẽ hơn về lý do cậu "ôm" cả núi hàng.



Nhưng Nam không phải là con nợ duy nhất trong lĩnh vực kinh doanh đầy thị phi này. PV đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều trường hợp tương tự.



Họ đều là những thủ lĩnh cao cấp của các công ty đa cấp danh tiếng, hào nhoáng bề ngoài nhưng nhiều người trong số họ thậm chí còn nợ chồng chất. Hàng hoá đã không bán được, họ còn vung tay chi tiêu cho tiệc tùng và trang phục- là những thứ khiến một thủ lĩnh nghĩ rằng, trông họ giàu có và thành đạt hơn.






Lá Thư đề nghị tiết lộ bí mật của Amway



Tháng 8/2015, Giám đốc Kinh doanh & Huấn luyện Toàn quốc của Công ty TNHH Amway Việt Nam Huỳnh Thiên Triều lần lượt đặt bút ký vào nhiều Thư đề nghị để siết hoạt động ngoài luồng này....



Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi Kỳ 2: Đa cấp Amway- Mặt trái danh hiệu và cơn ác mộng chốt doanh số



http://www.giadinhvietnam.com/goc-khuat-nguoi-khong-lo-da-cap-amway-lo-dien-cho-den-gia-re-nhon-nhip-ngoai-he-thong-d73419.html