Không phải chiếc roi nào cũng để đánh đen đét vào mông học sinh, mà chỉ cần đánh vào nhận thức là đủ.



Cách đây chưa lâu, tôi đọc được thông tin một thầy giáo ở Sóc Trăng đã đánh một nữ sinh lớp 4 đến bầm mông do học sinh này không thuộc bài.
Sau đó, gia đình của cháu bé đã đưa vụ việc này đến cơ quan chức năng, và người thầy giáo trên đã nhận lỗi cùng án phạt khiển trách từ nhà trường.






Chuyện giáo viên đánh học sinh là vấn đề không mới, nếu không muốn nói là nó đã trở nên quá cũ kỹ. Chiếc roi và sự giáo dục đã đi kèm cùng nhau từ thuở xa xưa đến tận bây giờ, dù tính chất của mỗi thời đoạn là khác nhau.



Có lẽ, trong chúng ta, thời còn đi học, không ít thì nhiều đều đã vài lần nếm ngọn roi từ người thầy người cô vì những lỗi lầm.
Về vấn đề dạy dỗ bằng đòn roi, có rất nhiều quan điểm được đưa ra, có nhiều tranh cãi quyết liệt, song điều quan trọng là chúng ta đón nhận vấn đề ấy như thế nào. Người thì tán thành, và cho rằng “thương cho roi cho vọt” thì học sinh mới tiến bộ. Người thì phản biện rằng việc dạy học bằng roi vọt là phản giáo dục.



Theo quan điểm của tôi, sự giáo dục không thể đi lên từ đòn roi mà đến từ sự mong mỏi thật tâm về tương lai tươi sáng của học sinh, khi chúng ta là người lớn. Và không phải chiếc roi nào cũng đánh đen đét vào mông học sinh, mà chỉ cần đánh vào nhận thức là đủ.



Sự uốn nắn đúng đắn, bằng lời lẽ chân thành và có tính giáo dục, sẽ là liều thuốc trái tim, giúp khoảng cách giữa giáo viên và học sinh gần nhau hơn. Nếu những đứa trẻ phạm lỗi, chúng ta cần nghiêm khắc bằng thái độ và lời nói, chứ không vì tình cảm mà nuông chiều, nhưng phải tạo cơ hội để cho các em sửa lỗi.
Đánh đòn hay trách mắng trong tầm mức cho phép là điều có thể chấp nhận được, còn nếu trách phạt theo kiểu bạo lực đánh đến tím bầm như thầy giáo trên, dù với bất cứ lý do gì, cũng trở nên phản cảm.



Người viết tin rằng, em học sinh lớp 4 kia vẫn còn rất non nớt, cả về trí óc lẫn thể xác, những ngọn roi kia là quá sức chịu đựng và chưa chắc giúp em trưởng thành hơn. Sau nỗi đau đớn về thể xác, có thể là suy nghĩ bồng bột, chứ không phải vết hằn từ roi vọt trên người kia sẽ là động lực để em bước lên bậc thang mới cao hơn.



Đó là chưa kể đến việc giáo dục bằng đòn roi đôi lúc mang đến hiệu ứng ngược. Chúng ta có lẽ vẫn chưa quên được hình ảnh một học sinh ở Bình Định sau khi bị thầy giáo của mình tát vào mặt đã đánh trả lại. Thế đấy, ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, những suy nghĩ nông nổi luôn xuất hiện bất chợt, và bùng lên thành cơn thịnh nộ khi các em bị dồn vào chân tường.



Rồi những video clip quay lại cảnh thầy giáo gọi các em học sinh lên bảng đánh đòn chan chát ở một trường cấp 3, hay cảnh cô giáo bắt các bé học sinh ở lứa tuổi còn đeo khăn quàng đỏ nằm lên bàn để đánh roi, vẫn cứ xuất hiện nhan nhản và ngày một nhiều hơn.



Tất nhiên, chỉ khi nào đặt mình vào vị trí của giáo viên thì mới hiểu được áp lực công việc của họ là khủng khiếp đến mức nào. Đâu phải họ chỉ có mỗi việc soạn giáo án và đến lớp, mà còn phải đối diện với nhiều phong trào thi đua của nhà trường, rồi đến cả chuyện gia đình. Và đôi lúc, những áp lực dồn dập từ nhiều phía khiến họ không làm chủ được mình.



Nghề dạy học, cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, đều có thể phát sinh sai lầm. Xã hội bao đời nay vẫn tôn vinh người thầy người cô. Nhưng tôn vinh khác với tuyệt đối hóa. Và để hình tượng người giáo viên luôn đẹp đẽ trong mắt các thế hệ học trò, thì điều cốt tử là những ai đã dấn thân vào con đường sư phạm phải tự thân tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp một cách chuẩn mực.



Và hãy nhớ rằng: dạy dỗ bằng đòn roi sẽ không giúp học sinh đi lên, mà điều quan trọng nhất là sự mong mỏi thật tâm về tương lai tươi sáng của các em, khi chúng ta là người lớn.
HUYỀN NGỌC (Ba Tri, Bến Tre)


http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/giao-duc-khong-the-di-len-tu-don-roi/a134471.html