Chén bát trong sóng còn khua, vợ chồng sống chung không thể tránh khỏi cảnh giận hờn. Như một nồi canh phải nêm gia vị mới đậm đà, hôn nhân đôi khi cũng cần có chút giận trách để đời thêm hương thêm hoa. Thế nhưng, nêm thế nào là vừa miệng, để không đắng chát, không hỏng cả bữa cơm gia đình, là cả hômột nghệ thuật.




Vợ chồng có thể giận nhau vì “ti tỉ” lý do. Nhất thời phát sinh cũng có, mà không hài lòng lâu ngày tích tụ, chỉ chờ một giọt nước là “cái ly giận” tràn ra, lênh láng cũng có. Thế nhưng, chung quy bởi đặc điểm riêng mà đàn bà giận vì những nguyên nhân khác với đàn ông, đôi lúc bị đàn ông kêu rên rằng, vặt vãnh vậy mà cũng bày đặt giận. Mệt! Thế nhưng, với quý chị em, những lỗi lầm đó là con voi, đâu phải cái kiến như mấy ông nghĩ. Nên việc phân định rạch ròi ra “chuyện này đáng giận hay không” nhiều khi cũng làm vợ chồng… giận nhau vì bất đồng.


No mất ngon, giận mất khôn. Câu này ai cũng biết, nhưng lúc giận lên, người ta vẫn làm chuyện dại dột, tự mình đạp đổ hạnh phúc dày công vun đắp. Đó là khi chồng giận chẳng muốn về nhà, say sưa vật vạ đâu đó, rồi sa vào tay “kẻ lạ”. Đó cũng là lúc cô vợ khóc lóc tâm sự chia sẻ với người nào bấy lâu hay quan tâm, săn đón, chỉ chờ một cơ hội. Đường về mịt mờ, lúc hết giận rồi, lo giải quyết hậu quả cũng thấy… hỡi ôi. Vợ giận chồng đi kể lể khắp nơi. Để sau đó, chồng xấu hổ, thêm giận. Sĩ diện đàn ông lớn lắm. Chồng có giận vợ, cũng ít khi mang chuyện nhà ra thổ lộ với ai. Cái cách ngồi lê đôi mách của đàn bà dễ làm cho vợ chồng giận nhau dài lâu, cơn giận này nối cơn giận khác…


Có người khi nóng giận buông lời mạt sát nhau không tiếc, dù thâm tâm không nghĩ thế, cũng chẳng cho rằng người kia xấu xa độc ác tội lỗi đến thế. Nhưng, lời nói như kim như dao đâm vào tim nhau, không cách gì có thể gỡ lại được. Sự tổn thương ghê gớm mà sau đó, dù có cố tìm cách xoa dịu, hàn gắn, thì vết rạn để lại cũng khó mà mờ. Nên những người thuộc dạng mồm năm miệng mười, “khẩu xà tâm Phật” càng cần lưu ý uốn lưỡi bảy lần mỗi khi giận. Nói thì nói thế, nhưng thực tế rất khó!


“Hình thức” giận thì đúng là muôn hình vạn kiểu. Ai bảo đàn ông không dỗi dằn, hờn mát? Ông nào nóng nảy cục tính thì đập đồ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Không hiếm ông, phổ biến cái kiểu hành xử, hễ giận là bất cần, là phủi tay, là buông bỏ. Đàn bà chúa kỵ chiêu này. Với đàn bà, thường gặp nhất là “chiêu” dắt con về ngoại, thực hiện chiến dịch “vườn không nhà trống”, đâu biết làm thế khối ông chồng “mừng thầm” trong dạ! Lại có mẫu phụ nữ mỗi khi giận hờn là kể lể ỉ ôi, than thân trách phận dài dằng dặc, làm cho đàn ông ngán ngẩm, muốn xuống nước giảng hòa nhưng vẫn phát sợ! “Giận hờn hai hôm dài như một tháng” câu này chưa bao giờ thấy đúng như thế với kẻ đang khổ sở vì bị giận.


Đàn ông giận mà xài tới “chiêu” im lặng rồi thì hơi mệt. Nào là lẳng lặng không nói, im ỉm không ăn, không thèm đụng tới ai, lạnh lùng dằn hắt, tưởng như chẳng có gì còn quan trọng nữa. Thậm chí có anh còn bỏ nhà đi đâu “bí mật”, điện thoại ngoài vùng phủ sóng, để chị vợ ở nhà run lên với những tưởng tượng suy diễn rằng, có khi hắn đang “trong vùng phủ chăn” với ai đó khi nhắn tin gọi điện ỉ ôi mà phía bên kia vẫn “im lặng là vàng”. Chiêu bỏ đi này đàn bà ít dám xài, bởi hiếm chị thi gan nổi với chồng, không chịu được sự đả phá hăm dọa “giỏi đi luôn đi” của “địch”, hoặc sợ cảnh con cái nheo nhóc, lỡ gì thì… không có đường về. Chẳng như mấy ông, hết giận là thản nhiên “lối cũ ta về”, chẳng mất mát đi đâu mà sợ.


Có người phụ nữ giận, cứ như ma ám quỷ nhập, đập đầu vào tường, tự cào cấu, bứt váy áo, tóc tai rũ rượi, tạo nên một “ấn tượng khó phai” trong lòng chồng con (giá như họ tự phân thân ra để có thể nhìn thấy chính mình vào những khoảnh khắc kinh dị đó thì hay quá!). Rồi giận bỏ ăn, cương quyết tuyệt thực đến mức để chồng con phải đưa đi cấp cứu, truyền nước, truyền đạm cũng không là cá biệt. Có chị cứ tưởng làm thế chồng mới “sợ”, mà đúng là anh chồng sợ thật. Anh ta sẽ tìm cách giấu diếm tội lỗi kỹ hơn, tránh bị phát giác, chứ chưa hẳn đã tâm phục khẩu phục với phen hoảng vía vì cơn giận của vợ.


Giận, tất nhiên phải đi kèm với trừng phạt. Đàn bà thường thích lấy “cấm vận” để làm chồng khổ sở, bứt rứt, ấm ức. Còn gì chán hơn cái cảnh “cám treo, heo nhịn”. Đàn bà cũng thường chơi chiến tranh lạnh. Cuối cùng, ông chồng chịu không nổi cái cảnh im im rờn rợn, đành đưa tối hậu thư rằng, thôi thì, em cứ chửi, cứ xa xả, cứ đanh đá nanh nọc như hàng ngày đi, có khi còn dễ chịu hơn nhiều! Đàn ông mà “trả đũa” thì mức độ “thâm sâu” cũng chẳng kém cạnh gì, từ hắt hủi vợ con, nói xóc óc cho tới “không thèm đụng tới” cũng được khối ông áp dụng.


Giận thì giận mà thương thì thương. Làm sao để lúc giận, người ta có thể kiểm soát bản thân, tránh “sát thương” người đầu ấp tay gối bằng “võ miệng” hoặc bằng việc ném, liệng, đập là cả một vấn đề. Để người trong cuộc hiểu rằng, những giận hờn này chỉ là nhất thời, chỉ là một trạng thái cảm xúc thoáng qua trong đời, để có thể vượt qua, cũng là điều rất khó. Người giận thì tức tối buồn bực, còn người bị giận, cũng khổ sở đâu kém. Thậm chí, nhiều khi cảm giác có lỗi, cảm giác mình làm cho không khí gia đình nặng nề tù túng còn làm cho người bị giận muốn điên lên vì stress, bất lực nữa kìa. Quý ông thường nằm ở vế “bị giận”, tìm cách giảng hòa, mon men lấy lòng “mẹ con nó” để chuộc lại những sai phạm của mình. Phụ nữ, dù ở vị thế nào, cũng nên nhớ “chồng giận thì vợ bớt lời”, chớ đành hanh “lên mặt” quá trớn mỗi khi được năn nỉ, dễ tạo điều kiện cho bạo hành gia đình phát triển!


Giận hoài… mất thiêng. Phụ nữ hình như ít người nằm lòng được câu đó. Giận cá chém thớt. Cái “thớt” ở đây là họ hàng cha mẹ anh em của phía bên kia, bị mang ra chì chiết nặng nhẹ. Kiểu hành xử này dễ “xa nhau dài lâu” nhất. Phổ biến hơn là cái “thớt” chung của hai vợ chồng, bọn trẻ bị lôi ra đánh đòn, rủa xả vì “con cá” bố hay mẹ lỡ lầm gì đó, chẳng hạn. Nên mỗi khi hai “cá” giận nhau, “thớt” lãnh đủ, có muốn lánh đi nơi khác cũng không có đường. Để rồi sau đó hối tiếc mà xuýt xoa cưng nựng, cũng đã muộn màng…