Giá điện là một trong 13 chuyên đề được Kiểm toán Nhà nước đề xuất thực hiện trong năm 2016, bên cạnh kế hoạch làm việc với nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn.
EVN phải loại chi phí xây biệt thự, sân tennis khỏi giá điện / Trưng cầu ý kiến về biểu giá điện bán lẻ
Các nội dung và chuyên đề dự kiến được kiểm toán năm sau vừa được người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước trình lên Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 21/9. Riêng với điện, cơ quan này cho rằng việc lựa chọn chuyên đề xác định và công khai giá bán giai đoạn 2014-2016 là để đánh giá tính trung thực, hợp lý của giá điện trong giai đoạn nêu trên.
Trước đó, khi kiểm toán giá điện niên độ 2010, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều khoản thu, chi lên đến cả nghìn tỷ đồng đã không được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán vào giá thành điện. Trong đó đáng kể như khoản thu cho thuê cột điện, thanh lý một số tài sản đầu tư… Khi ấy, đại diện Kiểm toán nhận định rằng nếu các chi phí này được hạch toán đầy đủ, giá điện đã có thể giảm được 34 đồng mỗi kWh.
evn-0-7077-1442380341-4443-1442843733.jp
Kiểm toán Nhà nước muốn đánh giá tính trung thực, hợp lý của giá bán lẻ điện trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với giá điện, 12 chuyên đề khác được đề xuất kiểm toán trong năm tới gồm việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2015 của: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)…
Trong khi đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc kiểm toán vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương để đưa ra đánh giá khách quan về mức độ an toàn về nợ quốc gia, giúp Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch vay nợ, trả nợ hợp lý và hiệu quả hơn.
Một nội dung khác được Ủy ban này đề xuất cơ quan kiểm toán cập nhật vào bản kế hoạch năm sau là các yếu tố tác động đến thu, chi ngân sách để giúp Quốc hội, Chính phủ trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội. Ủy ban dẫn chứng, như tình hình giải ngân vốn ODA đang có xu hướng vượt dự toán khá cao, dẫn tới bội chi ngân sách không giữ được mức trần đã được Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, như mọi năm, công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty cũng là một chủ đề được người đứng đầu Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý cần tiếp tục thực hiện.
Tại bản kế hoạch công bố hôm nay, Kiểm toán Nhà nước dự kiến trong năm 2016 sẽ có 17 doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Các ông lớn này bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn…