(ĐVO) “Sự phân biệt vùng miền có xu hướng ngày càng nặng nề hơn và tồn tại ngay cả trong lãnh đạo cơ quan công quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.


> Nhức nhối kỳ thị vùng miền


> > Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay


Trong xã hội văn minh ngày nay, sự phân biệt vùng miền còn nặng nề như trước? Có hay không “gene tội phạm” tạo nên băng nhóm tội phạm ở một khu vực nhất định? Đất Việt phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học - Bộ Công an, để làm rõ những vấn đề trên.



- Ông có suy nghĩ gì về việc một số doanh nghiệp từ chối tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh?



- Tôi cho rằng, những người ra quyết định không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh có tư duy rất hạn chế. Anh muốn tuyển người làm việc thì quan trọng nhất là tay nghề, trình độ chuyên môn. Ai dám chắc là lao động các địa phương khác đều có tay nghề giỏi hơn lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh?


Thực tế cũng đã có những vụ gây rối, vi phạm liên quan đến lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh xảy ra tại các công ty, doanh nghiệp. Nhưng các công ty đã bao giờ điều tra xem bản chất là gì chưa? Nếu thực sự 100% các vụ lùm xùm là do lao động các địa phương này gây ra thì thực sự đáng lo ngại về vấn đề liên kết, tụ tập vùng miền để làm việc xấu. Nhưng tôi tin là không đến mức độ như vậy vì thực tế còn rất nhiều lao động đến từ các địa phương trên rất tốt, không vi phạm gì cả. Các doanh nghiệp không được “vơ đũa cả nắm”.


Việc các doanh nghiệp công khai hay ngấm ngầm tẩy chay, không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là hành động xúc phạm tới tình cảm quê hương của họ, xúc phạm cả một cộng đồng. Mặc dù không vi phạm pháp luật nhưng những ông chủ ra quyết định trên rõ ràng là nhân cách có vấn đề, tầm hiểu biết và ứng xử thấp kém. Thường thì khi người ta kém cỏi, không đủ trình độ quản lý thì mới đưa ra quyết định cấm.



Thiếu tướng Lê Văn Cương: "Chừng nào giới lãnh đạo vẫn còn phân biệt vùng miền thì không thể nào giải quyết được vấn đề này". Ảnh: Bá Mạnh.


- Như ông đã nói, các doanh nghiệp trên không vi phạm pháp luật khi tuyển dụng. Vậy thì phải chăng, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh phải chấp nhận thất nghiệp trong trường hợp này?



- Quan điểm của tôi là UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phải có ý kiến và hành động rõ ràng và mạnh mẽ về vụ việc này. Chuyện một số doanh nghiệp đề trên băng rôn là không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là hành động xúc phạm không thể chấp nhận được. Người dân các tỉnh miền Trung trên có quyền xé bỏ, đốt ngay những băng rôn đó. Ít ra, anh lấy lý do này kia đề ngầm từ chối hồ sơ của lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh thì còn có chút lịch sự. Đằng này ghi cả trên băng rôn như thế kia thì vô văn hóa quá. Xã hội văn minh không chấp nhận những hành động xúc phạm đến danh dự của cả một cộng đồng người như vậy.


- Là một người quê ở Nghệ An, theo ông, điều gì trong tính cách của người dân một số tỉnh khu 4 cũ khiến một số người dân địa phương khác “không ưa”?



- Nói đi thì cũng phải nói lại. Thực tế là đã có những trường hợp người dân Thanh - Nghệ - Tĩnh gây ra những vụ rắc rối, lùm xùm trong cả sinh hoạt và đời sống xã hội. Đây chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng trong các phạm vi nhất định, sự cá biệt ấy lại gây ảnh hưởng lớn. Tính cá biệt và tất yếu bị lẫn lộn khiến một số người có định kiến, ác cảm với người dân một số tỉnh miền Trung.


Một nét tính cách nổi bật của người Thanh - Nghệ - Tĩnh là bộc trực, nóng nảy, phản ứng quyết liệt nên dễ gây gổ, xung đột. Người dân các tỉnh này thường cấu kết với nhau rất chặt chẽ tạo nên tâm lý nhóm, tâm lý vùng. Những đặc tính đó được hình thành qua một quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất lâu dài và được truyền từ đời này sang đời khác. Những nét tính cách trên đôi khi khiến người dân các địa phương khác e ngại.


- Sự nóng nảy, tính cách vùng miền có phải là yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tội phạm không, thưa ông?



- Tội phạm là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử nên chịu sự chi phối của điều kiện chính trị - xã hội của từng địa phương. Nhiều người thấy tính cách người miền Trung hay tính toán, chi li là bởi điều kiện sống của cư dân ở đây khó khăn quá. Điều kiện sống trực tiếp hoặc gián tiếp quy định ý thức, cách ứng xử của con người với xã hội xung quanh. Nhưng những điều kiện này không có quan hệ trực tiếp và mang tính tất yếu với tội phạm.


Không có thống kê nào chỉ ra rằng tội phạm người Thanh - Nghệ - Tĩnh nhiều hơn và mang bản chất vùng miền hơn tội phạm các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tế là có một số vùng đang manh nha hình thành những hoạt động bất hợp pháp với số lượng lớn và độ tập trung cao. Gần đây, khu vực phía Bắc nổi lên Hải Phòng và Vinh xuất hiện nhiều thanh niên chơi bời, phá phách, phạm tội và hình thành các băng nhóm xã hội đen. Nhưng số này chỉ là số ít so với tổng số thanh niên và cư dân của các vùng trên, đa số người dân vẫn cần cù, hiền lành. Vì vậy, không nên vì một số trường hợp cá biệt xấu mà quy cho cư dân cả địa phương đó xấu.


- Là người trong ngành công an, xin Thiếu tướng cho biết, có hay không cái gọi là “gene tội phạm” trong việc hình thành các băng nhóm tội phạm tập trung theo vùng miền?



Về mặt khoa học, yếu tố gene tội phạm là có thật. Nhưng tỉ lệ tội phạm có yếu tố gene trong tổng số tội phạm cướp của, giết người là bao nhiêu thì hiện nay chưa có thống kê, nghiên cứu. Tôi cho rằng chỉ không quá 5%. Vì vậy, không thể nói dân vùng này, vùng kia có gene tội phạm, côn đồ.


- Theo ông, sự phân biệt vùng miền ở nước ta hiện nay đang ở mức độ, biểu hiện như thế nào?



Sự phân biệt vùng miền trong xã hội ta hiện nay vẫn còn rất nhiều, rất rộng. Theo cảm nhận của tôi, sự phân biệt vùng miền hiện nay có xu hướng nặng nề hơn trước. Đây thực sự là một điều đáng buồn.


Sự phân biệt vùng miền không chỉ tồn tại trong đời sống mà còn tồn tại một cách khách quan ngay cả trong cơ quan công quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, nhưng biểu hiện kín đáo, ít công khai hơn. Điều này thường xảy ra ở những cơ quan có những lãnh đạo, những đảng viên yếu kém về trình độ, văn hóa, nhận thức chính trị. Chỉ những lãnh đạo có khuyết tật về năng lực hay phẩm chất đạo đức thì mới chỉ đạo cho bộ phận nhân sự, tổ chức không tuyển dụng hay trọng dụng những người quê Thanh - Nghệ - Tĩnh.


- Để ngăn chặn xu hướng phân biệt vùng miền, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?



- Về lâu về dài, cần có những biện pháp giải quyết thực trạng này. Tất nhiên, chắc chắn là không thể nào xóa bỏ triệt để sự phân biệt vùng miền, nhưng phải làm sao để điều này không ảnh hưởng tới việc công, tới sự phát triển của đất nước, xã hội. Muốn làm được điều này thì phải khắc phục trước tiên từ cấp lãnh đạo. Đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để hạn chế sự phân biệt vùng miền. Chừng nào giới lãnh đạo vẫn còn phân biệt vùng miền thì không thể nào giải quyết được vấn đề này. Thời kỳ nào có minh quân thì sự phân biệt vùng miền rất ít, và ngược lại.


Bá Mạnh (thực hiện)



Ý KIẾN BẠN ĐỌC



Nguyễn Minh Tâm


Vấn đề là phải hiểu và biết quản lý


Tôi đồng ý với Thiếu tướng Lê Văn Cương rằng tư duy địa phương chủ nghĩa hiện nay vẫn còn khá nặng. Và không phải ngẫu nhiên mà có tư duy đó. Tư duy đó chắc chắn phải được hình thành từ thực tế. Thực tế đó là đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa có những nét riêng biệt ở từng địa phương. Chẳng cứ Thanh - Nghệ - Tĩnh đã từng được ghi vào sử sách với danh xưng nổi tiếng: "quân Tam Phủ" (xem Hoàng Lê Nhất Thống chí của Ngô gia văn phái) mà nhiều địa phương khác cũng có chuyện này chuyện nọ, cũng có người nọ người kia.


Bác Hồ từng nói: con người ta như bàn tay, có ngón dài ngón ngắn nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Cách ứng xử hợp tình, hợp lý nhất là chấp nhận những sự khác biệt nhất định có yếu tố vùng, miền. Nhận biết được những đặc điểm đó để "dùng người" sao cho có lợi nhất.


Kỳ thị, xua đuổi là cách làm vừa kém nhân văn, vừa chứng tỏ rằng anh dốt về quản lý. Bởi "nhân vô thập toàn", mỗi người đều có mặt tốt và mặt xấu; tâm lý, tính cách người dân mỗi vùng, miền cũng vậy.


Khi xua đuổi, kỳ thị một con người có nét tính cách xấu, anh có thể vô tình "bóp chết" luôn cả nhưng nét tính cách tốt trong con người đó. Vấn đề là phải nhện biết được, hiểu được và biết quản lý để hạn chế những mặt yếu kém và tạo điều kiện cho người lao động phát huy được những đức tính tốt của họ. Không làm được như thế thì đừng làm quản trị doanh nghiệp nữa.


Nguyen phi hung


Cũng nên cân nhắc ...


Trong công ty Xây dựng chúng tôi cũng rất căng thẳng trong việc đối phó với đội ngũ công nhân về việc ăn cắp giờ công, xăng dầu và làm lợi cho bản thân bằng mọi cách. Bên cạnh đó, tập hợp bè phái sẵn sàng gây chiến khi cần thiết cũng như sự trung thành của những con người vùng này cũng là 1 vấn đề ... tôi mong người dân ở vùng này nên tạo tiếng tốt khi làm việc. Xin cảm ơn.


TH


Nhìn lại mình!


Đồng ý là việc phân biệt đó phải được dẹp bỏ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại thì rõ ràng người Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng một mặt phải xem lại chính mình. Tại sao họ lại bị ác cảm? Có đơn thuần là do họ bộc trực thẳng thắn không?.


Tôi có một số người bạn quê ở vùng đó. Nói họ tốt thì rất tốt. Nhưng chính cái sự " đoàn kết" thái quá của họ đôi lúc gây ra khó chịu cho người khác. Ví dụ, khi một anh bạn Nghệ An đang đi chơi với tôi, gặp một người Nghệ An khác( họ không biết nhau) chỉ là đồng hương thôi, lập tức anh ta quên ngay là tôi đang ở bên cạnh, nói chuyện với người kia như thể họ quen nhau, thân thiết với nhau lắm rồi. Hành động như thế làm sao mà không gây khó chịu được?


Hoặc chuyện rượu chè, tôi vào đó công tác, không uống lập tức bị quy ngay cho cái tội không thật lòng.v.v. Dù thừa nhận họ có tài, và cũng có tốt tính. Và tôi cũng đã từng gặp trường hợp có người xứ Thanh ở vị trí quan trọng trong công ty, là lập tức cấp dưới của anh ta cũng đa số là người cùng quê xứ Thanh. Thử hỏi chính bản thân họ tính cục bộ địa phương cao như vậy. Thì làm sao đòi hỏi người nơi khác rộng mở với họ.? . Có những việc tuy là ứng xử đời thường nhưng rõ ràng từ đó nó ảnh hưởng tới một tập thể trong công ty ( khó tạo dựng sự đoàn kết đồng nghiệp, như thế thì công việc sẽ khó xuôi khi mà quan hệ giữa các thành viên trong công ty không tốt) Các bạn nên cố nhìn nhận lại bản thân, đừng để những việc tưởng là lặt vặt đó lấn át đi những khả năng, những đức tính tốt của các bạn.


Về phía người địa phương khác cũng nên mở lòng hơn, gặp phải những tình huống không hài lòng thì cố gắng nhẹ nhàng góp ý. Bản thân mình cũng đâu có phải lúc nào cũng làm cho người khác hài lòng được đâu. Tóm lại tất cả chúng ta đều cần phải rộng lượng hơn và nghiêm khắc nhìn lại chính mình.


Nguyễn Duy Vinh


không có lửa làm gì có khói.


Ở đây tôi nghĩ Lãnh đạo các tỉnh này là người hiểu rõ điều đó nhất.Lãnh đạo các tỉnh này không có các biện pháp phát triển kinh tế địa phương mình mà để người lao động tỉnh mình xa phương cầu thực như vậy. Các lãnh đạo 3 tỉnh này mới là người đáng xấu hổ. Cũng như người Việt Nam mình qua nước ngoài cũng bị người khác xem thường vậy. Nếu Tỉnh mình giàu mạnh, nước mình giàu mạnh thì có còn ai xem thường quê hương mình nữa không?


Trần Ngu


Viết vài điều


Tôi đã từng ở các vùng Thanh-Nghệ- Tĩnh và cùng làm việc, học tập với nhiều Người quê ở vùng này.... dân ở đây cơ bản là tốt không có gì phải bàn luận họ cũng rất bình thường như người dân các vùng quê khác của Việt Nam; Còn nếu doanh nghiệp Nhà nước mà đề biển như bài đã nêu ở trên là không được,còn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần không thộc chi phối của nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài thì việc họ để biển thế nào là thuộc thẩm quyền của họ miễn là không vị phạm pháp luật nước sở tại là được... Còn nếu đến xé biển của họ là hành động côn đồ không thể chấp nhận được...


Nguyễn Văn Nam


Doanh nghiệp nên tuyển các vị trí cần chất xám nhiều xuất phá từ Thanh-Nghệ-Tĩnh



để tận dụng hết ưu điểm của vùng miền. Không nên tuyển dụng công nhân ở vùng trên để hạn chế nhược điểm của vùng miền trên. Như vậy không mang tiếng là kỳ thị vùng miền!


Đinh Khắc Bình


Suy rộng ra người Việt đi làm xứ người thế nào?


Có lẽ xứ Thanh -Nghệ _Hà...cũng nhiều! Còn đánh giá người Việt lao động làm thuê nên giành cho các ông chủ Tây? Không biết người Việt làm thuê có hơn người Tàu làm thuê? Ô này chiến lược mà chẳng chiến lược gì? Có thể phê phán lãnh đạo cấp nhà nước phân biệt vùng miền bằng các chính sách phát triển vùng miền. Còn các ông chủ là quyền người ta,miễn bàn. BT Thăng nói rất đúng với mấy ông chủ đầu tư sân bay Đà năng rằng:các anh cứ đùa? (Họ cho rằng ĐN không có thợ hoàn thiện xây dựng như ngoài Bắc). Lí do này cũng không phải phân biệt vùng miền mà không chịu trả mức lương hợp lí.


lê cao cầu


vì sao


ai bỏ tiền ra kinh doanh thì họ có quyền nhận hay không nhận người khai tác đồng tiền của họ chứ. tôi cũng từng bị lao động các tỉnh này miền trung chiếm đoạt tiền, hàng, bỏ việc ngang chừng, quậy phá, sống ích kỷ nên tôi hiểu. còn ngoài cuộc sống việc người ta không ngăn con cái lấy vợ, chồng gốc mấy tỉnh này là quyền của mỗi người.


Toàn Quốc


Nói người phải ngẫm đến ta !


Từ khi đi học đi làm đến nay gần 20 năm kinh nghiệm cho tôi thấy ở đâu cũng có người này người kia. Tuy nhiên, bên cạnh những đức tính cần cù, sáng tạo thì các cá nhân vùng Thanh- Nghệ - Tĩnh luôn có cái gì đó muốn "chơi trên" người khác, ở tập thể thì sử dụng đồ người khác thì được người khác dùng của mình thì không cho. không muốn vơ đũa cả nắm nhưng nói chung ngại tuyển nhân công các vùng này cũng có lý do của nó. ( Viết những dòng phản hồi này cũng thành thật xin lõi các bạn còn lại không thuộc nhóm đề cập)


nguyen phuc lap quoc


Tự cường


Thiết nghĩ Lãnh đạo Thanh - Nghệ - Tĩnh cần chú trọng phát triển kinh tế,xây dựng chính sách thông thoáng kêu gọi đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhân dân.Chính sự phát triển kinh tế,ổn định xã hội, nhân dân tự cường là minh chứng cho Bản sắc văn hóa của vùng quê hương của các nhà cách mạng, nhà khoa học và "Vĩ nhân của thế giới". Thật sự nói ở "vùng" miền này tỉ lệ học sinh giỏi chiếm không dưới 50% tỷ lệ học sinh giỏi cấp quốc gia trên cả nước, là "cái nôi" của các cuộc cách mạng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.


Vậy tại sao "vùng" quê mình vẫn còn "điều tiếng"?. Lãnh đạo các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh phải tận dụng ưu thế bản sắc vùng của mình "thông minh, đoàn kết, thẳng thắng, cần cù, làm việc gì là quyết làm cho bằng được" để phát triển kinh tế, xã hội trên chính quê hương của mình. Việc "tha hương cầu thực", khó khăn trong mưu sinh tại quê người đã dẫn đến các cuộc phản kháng dẫn đến "điều tiếng" cho quê hương. Vùng quê Thanh - Nghệ - Tĩnh cần lắm những lãnh đạo có tài, có đức và thiết tha yêu quê hương mình, nhân dân mình để nâng cánh "vùng quê cách mạng" luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu của Đảng và Nhà Nước : "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH", các Đồng chí Lãnh đạo Tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh nên kiên định hoàn thành từng bước tiêu chí của Đảng và Nhà Nước.


katana


xem lại


Không nên vơ đữa cả nắm nhưng không có lửa làm sao có khói.


đình anh


Chứng minh nhân dân


nếu vậy thì phãi bõ nguyên quán trong CMND ,chính ngành tư pháp đã có phân biệt vùng miền dù nguời đó đã 3 đời không ở quê đó


lam lang


Đồng ý với thiếu tướng một phần nào đó


Đúng là hiện nay tình trạng phân biệt vùng miền thể hiện rất rõ và chính những người dân bình thường nằm trong khu vực bị phân biệt là phải chịu cảnh bất công. Tuy nhiên trong trường hợp báo đăng là các công ty tại các khu công nghiệp, khu chế xuất họ chỉ tuyển lao động phổ thông và cũng chỉ có sự phân biệt khi tuyển những người lao động này, khi tuyển lao có tay nghề, bằng cấp thì không. Lý do ở đây là: Lao động phổ thông thì ở đâu cũng như nhau, chỉ cần có sức khỏe và ý thức kỷ luật là được tuy nhiên tỷ lệ lao động người Thanh - Nghệ - Tĩnh có ý thức kỷ luật là thấp hơn so với các tỉnh khác, họ lại hay phản ứng thái quá, hay tụ tập, bè phái .... nên một cách an toàn là họ tuyển người khác thay vì họ để bớt phần phức tạp.


Hung


Do Lãnh đạo Kém hay Giỏi


Tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung bài viết. Chỉ xin thêm đôi dòng suy nghĩ. Hiện công ty tôi-một công ty 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ai cũng biết là người Nhật rất kỹ tính và không quên cái gì bao giờ, thế nhưng số lượng người lao động Thanh Hóa, Nghệ An hay Hà Tĩnh trong công ty tôi chiếm phần lớn trong tổng số lao động trong công. Họ là công nhân, leader, Kỹ Sư, trưởng bộ phận... đều có đủ. Tôi nhận thấy rẳng tấ cả họ đều chăm chỉ, nhanh nhẹn và luôn được phần còn lại của công ty phải khâm phục và quý mến.


Việc một số lãnh đạo công ty có tư tưởng phân biệt vùng miền này kia theo tôi chẳng qua là họ không hiểu được tâm lý vùng miền, không sâu sát với người lao động hoặc có tâm lý cạnh tranh không lành mạnh hoặc có vấn đề về quản lý mà thôi! Thân ái!



http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Gene-toi-pham-co-yeu-to-vung-mien/20123/199923.datviet